"Xóa nguyên tư cách Bộ trưởng là một hình thức kỷ luật. Người ta xóa tư cách nguyên Bộ trưởng, hay nguyên Ủy viên Trung ương, tức là người ta không thừa nhận vai trò Bộ trưởng của anh trong cái nhiệm kỳ ấy nữa", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích.



Đã loại bỏ 56 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý



PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ, từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, đã loại bỏ đến 56 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Việc loại bỏ những người sai phạm như vậy, những người không đủ tư cách cả về năng lực và phẩm chất đạo đức như vậy đương nhiên sẽ làm cho bộ máy trong sạch hơn và mạnh hơn.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Bắc Son. Ông Nguyễn Bắc Son bị kỷ luật vì có những vi phạm khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ này.



Tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 15 đến 17/10), ông Nguyễn Bắc Son bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016.



Trước đó, ngày 6/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Bắc Son bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016".





PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.




Giữa tháng 7, Bộ Chính trị đã họp để xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Bắc Son và tập thể, cá nhân liên quan những vi phạm trong thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu AVG.



Trước đó, ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương cũng bị xóa nguyên tư cách Bộ trưởng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016.



Xóa tư cách nguyên tức là không thừa nhận



Nhiều người thắc mắc, lúc đương chức không phát hiện sai phạm để xử lý. Giờ họ về hưu rồi, xóa nguyên tư cách để làm gì, giải quyết được gì? Vậy xóa nguyên tư cách thì khác gì với vẫn có từ nguyên về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm...



PV báo Thời Đại đã đem nhữngthắc mắc trên trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích: Quan điểm chung của Đảng ta là xử lý cán bộ đảng viên là xử lý đương chức đến khi không còn giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu khi phát hiện sai phạm vẫn xử lý. Có nghĩa xử lý cán bộ đảng viên lúc đương chức cũng như khi đã nghỉ. Chúng ta cũng đã xử lý một số trường hợp chứ không phải đến ông Nguyễn Bắc Son mới là trường hợp đầu tiên.



Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, xóa nguyên tư cách Bộ trưởng là một hình thức kỷ luật, tức là tôi không thừa nhận. “Bây giờ anh đã thành nguyên rồi nhưng người ta xóa tên tư cách nguyên Bộ trưởng, hay nguyên Ủy viên Trung ương chẳng hạn, tức là người ta không thừa nhận vai trò Bộ trưởng của anh trong cái nhiệm kỳ ấy nữa. Thế còn nếu vẫn để chữ nguyên thì có nghĩa vẫn thừa nhận người ta là Bộ trưởng ở cái nhiệm kỳ đó. Bây giờ là nhiệm kỳ khác rồi, người khác lên làm Bộ trưởng rồi, nếu anh bị kỷ luật hình thức xoá bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng, nghĩa là không thừa nhận chức vụ Bộ trưởng của nhiệm kỳ đã qua đấy”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích.



PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhìn nhận, việc xử lý kỷ luật cán bộ vừa qua là chặt chẽ và không có vấn đề gì sai ở đây. Vì ở đây, cứ sau kỷ luật Đảng là kỷ luật chính quyền. Khi anh bị kỷ luật Đảng thì anh cũng không còn tư cách để giữ các vị trí bên chính quyền Nhà nước. Nếu đương chức thì phải đưa ra Quốc hội bãi miễn chức vụ như miễn nhiệm Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chẳng hạn. Còn anh ở nhiệm kỳ trước thì Chính phủ phải ra quyết định để xóa bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng. Chức vụ nào cũng thế, thứ trưởng hoặc chức vụ khác tương đương đều như thế cả.





Ông Nguyễn Bắc Son bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng.




Đưa nhận định về việc xử lý cán bộ cấp cao khi đã nghỉ hưu hoặc khi đương chức không bị xử lý đến khi không giữ chức vụ mới bị kỷ luật, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, kỷ luật cán bộ để loại bỏ ra khỏi hàng ngũ của Đảng và bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị những người không đủ tư cách, người bị sai phạm cả về đảng, pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, mình đã loại bỏ đến 56 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Việc loại bỏ những người sai phạm như vậy, những người không đủ tư cách cả về năng lực, phẩm chất đạo đức như vậy đương nhiên sẽ làm cho bộ máy trong sạch hơn và mạnh hơn lên.



“Đồng thời mình phải củng cố chức năng nhiệm vụ đào tạo cán bộ mới như thế nào, những người mới đảm nhiệm nhiệm vụ tốt hơn và chính đây là kỷ luật cán bộ để phòng ngừa răn đe cảnh báo cảnh tỉnh để những người đương chức không vi phạm. Còn nếu như chúng ta càng ít người vi phạm kỷ luật thì càng tốt. Chúng ta không mong muốn phải kỷ luật nhiều cán bộ hoặc đưa ra xử lý trước pháp luật nhiều cán bộ như vậy”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.



Xóa tư cách nguyên có ảnh hưởng đến quyền lợi?



Cũng liên quan đến việc xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương năm 2017, ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay: "Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng là một động thái tích cực trong xử lý cán bộ về hưu sai phạm. Trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng chưa từng có tiền lệ. Do đó, việc xử lý rất khó. Dù các bước tiếp theo sẽ giải quyết như thế nào cũng có cái khó riêng. Bởi ông Hoàng đã đi ra khỏi quá trình lao động, dù có tước cái gì ở thời điểm này cũng không còn quan trọng nữa".



Liên quan đến chế độ chính sách đối với Bộ trưởng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng, nguyên Đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, việc xóa tư cách nguyên Bộ trưởng đồng nghĩa với việc, nhiều chế độ đãi ngộ đối với cán bộ cấp cao khi về hưu cũng bị cắt theo. Theo ông Thuyền, chúng đã có quy định về chế độ đãi ngộ cho từng vị trí, cấp, hàm trong quá trình công tác cũng như khi về hưu.Theo đó, đối tượng thuộc diện cán bộ cấp cao, khi về hưu sẽ được hưởng quyền lợi và chế độ đi kèm như chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, thăm hỏi… chứ không phải tất cả những người về hưu đều được chế độ đãi ngộ như nhau.



"Nếu xóa tư cách nguyên Bộ trưởng thì các chế độ đãi ngộ của anh sẽ không được hưởng như cán bộ cấp cao sau khi về hưu nữa. Hay nói cách khác, các vị ấy chỉ được hưởng chế độ như các công chức, viên chức, người lao động bình thường (lương hưu). Việc chi trả lương hưu không có liên quan tới việc kỷ luật vì chế độ lương hưu hưởng theo quy định (mức đóng) Bảo hiểm xã hội" ông Thuyền cho hay.



Xuân Hòa


http://thoidai.com.vn/thoi-su/xa-hoi/xoa-tu-cach-nguyen-bo-truong-la-khong-thua-nhan-lam-bo-truong-thoi-ky-do-nua_t114c4n96805