Vụ nhặt được 5 triệu yen: Tại sao không trả lại cho người Nhật?
Truyền thống “nhặt được của rơi, trả lại người mất” là vốn quý của người Việt Nam. Bởi đó là nét văn hoá ứng xử, là sự thể hiện hệ giá trị về lối sống, nhân cách của một con người, hay rộng hơn là của một đất nước với những món đồ mà chúng ta nhận được.



Nhìn rộng ra với câu chuyện chị ve chai nhặt được 5 triệu Yen Nhật, việc chị đã nộp cho cơ quan công an để đăng tìm chủ nhân của nó là một điều đáng quí, đáng ghi nhận khen ngợi khi mà hoàn cảnh gia đình của chị còn khó khăn. Nhưng cũng không nên xem đó là một điều gì đó là "phi thường" vì đó là nhân nghĩa vốn tự nhiên mà cha ông vẫn dạy con cháu, người ta lẽ ra luôn là phải thế. Ở Nhật hay nhiều nước khác, nếu bạn quên đồ thì hầu như là sẽ có cơ hội nhận lại được vì chẳng ai đi lấy của ai. Càng không nên cổ suý hay mặc nhiên cho rằng chị ve chai được nhận lại số tiền là “xứng đáng”, sau thời hạn thông báo tìm chủ món tiền đã hết và không ai tới nhận. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng, hãy trả lại món đồ bị đánh mất này cho người Nhật hay nước Nhật?


Đọc ở các mục bình luận trên báo, tôi không thấy nhiều người bàn cách tìm cho bằng ra người đã mất của, chủ nhân thực sự của số tiền đó và đáng thương cảm hơn cả. Thậm chí còn có tâm lý trông chờ tới hạn cuối theo luật, thì số tiền kia được trao ngay cho chị bán ve chai. Thậm chí, chúng ta còn biện bạch là do chị đã mua về và “họ đã vứt đi”, nhưng hãy tự hỏi: có ai lại đi mua bán hay vứt đi tài sản của mình? Với trường hợp này, người chủ sở hữu của số tiền đã quên hoặc do sơ ý, có thể những người trong gia đình, hoặc người giúp việc đã dọn dẹp đi. Trường hợp, nếu đây là đồ cũ được nhập khẩu từ Nhật Bản, thì gần như chắc chắn sẽ là của một người Nhật, thuộc một gia đình Nhật nào đó.


Chưa bàn tới việc, các cơ quan chức năng đã thông báo thông tin này ở những “địa chỉ” nào, có đưa lên những kênh thông tin để người Nhật Bản tại Việt Nam hoặc tại Nhật Bản có thể đọc được?.Thông thường, người dân của một quốc gia nào đều sẽ giao dịch và cất trữ ngoại tệ của chính nước đó. Theo nguyên tắc, tiền - giấy bạc luôn là sở hữu của quốc gia phát hành, nên luật pháp không cho ai có quyền hủy hoại tiền. Như vậy, số tiền mà chị ve chai nhặt được trên, nếu không có ai cho thấy mình là người đang sở hữu thông qua giao dịch trao đổi, thì đó sẽ là của nước Nhật và đất nước Nhật Bản chính là chủ sở hữu cuối cùng.


Chúng ta hoàn toàn chỉ sử dụng luật Việt nam để xử lý tài sản trong khi tài sản đó ta biết rõ là có nguồn gốc từ nước khác thì liệu có thỏa đáng?.Trên đất ta, dùng luật ta như vậy có thể không sai nhưng sẽ đánh mất đi những giá trị nhân văn trong ứng xử của người Việt Nam và có thể dưới con mắt bạn bè quốc tế.


Chúng ta có đang tự đánh mất mình ?


Dư luận, hầu như cũng đồng tình cho rằng, nếu chủ nhân của 5 triệu Yen không xuất hiện, chị ve chai được “hưởng” số tiền này là xứng đáng, đặc biệt với một gia đình lao động nghèo, vất vả, thì số tiền 5 triệu Yen, tương đương 1 tỷ đồng là mơ ước lớn. Thế nhưng, câu châm ngôn vốn từ lâu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Việt: “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” một lần nữa lại phải nhắc nhở chúng ta với trường hợp này. Chị bán ve chai tình cờ phát hiện có tiền và mang nộp cơ quan công an để tìm trả lại cho người đánh mất, đó là điều đáng quí đặc biệt khi gia cảnh còn khó khăn, người ta dễ có lòng ham muốn những thứ "trên trời rơi xuống ". Nếu việc trả lại tiền là một việc hiếm, hay tới mức trở thành hiện tượng lạ, thì chúng ta cần xem lại!


Chúng ta đã quên mất đi bản chất của vấn đề: Nếu tài sản, tiền bạc không phải là do chúng ta lao động, tự làm ra hoặc do trao đổi sòng phẳng, thì thứ ấy không thuộc về chúng ta. Do vây, nếu trào lưu của dư luận có tư tưởng cổ súy cho một quan điểm về “nhận vơ” như thế, trông chờ vào của trời cho may rủi, vào của “phù vân” để có được hạnh phúc hơn, để thay đổi số phận thay vì lao động chân chính để sáng tạo ra giá trị, thì sẽ đánh mất đi động lực tự thân của mình.


Đáng ngại hơn, nếu ta khuyến khích, cổ súy hay là thích thú với những cái “nhận về” trời ơi, mà không biết mình có xứng đáng nhận hay không, một khi ăn vào trong tiềm thức, nó sẽ làm mất khả năng "từ chối" của chúng ta với những món quà biếu dạng hối lộ, tiền lót tay khi người ta mang tới cho những công việc mà chúng ta lẽ đương nhiên phải làm tốt trong bổn phận. Chúng ta sẽ tự đánh mất động lực làm việc của mình hoặc làm chúng trở nên sai lệch trong nhiều trường hợp.


Hãy trả lại cho người Nhật và ta cùng chung tay


Chắc chắn nước Nhật Bản sẽ sẵn sàng nhận lại số tiền này nếu chúng ta trao trả và họ cũng hỗ trợ tìm kiếm chủ nhân của món tiền tại Nhật. Nên là người dân Việt Nam (không cứ nhất thiết là chính phủ hay lấy ngân sách từ chính phủ) có thể là các tổ chức, cá nhân có cùng quan tâm, cùng với chị bán ve chai trao lại cho Nhật Bản. Trường hợp gia đình chị ve chai có khó khăn và cần giúp đỡ, chúng ta cùng chung nhau quyên tiền để gửi lại một khoản tiền giúp chị, hoặc giúp gia đình chị " cần câu cơm" sẽ tốt hơn, cho thấy "ở hiền sẽ gặp lành", để không lấy đi niềm vui của chị và hy vọng về sự đổi đời.


Việc làm này, nhìn rộng ra trong quan hệ của ta với bạn bè thế giới, sẽ giúp chúng ta thể hiện được cách ứng xử với một lối sống đẹp của người Việt Nam đối với bạn bè thế giới. Điều đó giúp xây dựng hình ảnh đẹp về người Việt Nam hay là “ tái định vị thương hiệu người Việt”. Chúng ta không nhận về 5 triệu Yen cho mình, chúng ta sẽ nhận được cái nhìn đẹp hơn trong con mắt của người bạn Nhật Bản và của bạn bè thế giới.


Nhìn lại cách ứng xử của người Nhật Bản, vì sao nước Nhật lại có những cậu bé 9 tuổi đã biết nhường bánh mì cho người khác trong cơn bão sóng thần, hay một kỹ sư Nhật vì tự trọng nghề nghiệp tới mức đã tự vẫn khi công trình cầu do anh ta làm bị đứt dây văng mặc dù không có tổn thất về người hay tài sản lớn. Người Nhật Bản luôn tôn trọng các giá trị sống, coi trọng cách ứng xử giữa con người với con người, các hệ giá trị. Vậy tại sao chúng ta không thể hiện, người Việt Nam cũng có những điều đó?


Tôi đề xuất là chúng ta cùng nhau xây dựng nên một Quỹ, trước tiên là để chia sẻ hỗ trợ cho chị bán ve chai hay những trường hợp tương tự. Quỹ sẽ có những hoạt động để phát huy và "bảo tồn" những "Giá trị Việt" của chúng ta và cả những giá trị hay, nét đẹp của những dân tộc khác. Mục tiêu tiếp theo có thể là "Xây dựng và tiếp thị hình ảnh người Việt- Giá trị Việt" với thế giới. Các sản phẩm "Made in Việt nam" có được sự tin tưởng và yêu thích của người nước ngoài hay không sẽ do cảm nhận của họ về những con người làm ra nó.


Trịnh Đình Long


http://thoibaokinhdoanh.vn/Y-tuong-14/Vu-nhat-duoc-5-trieu-yen-Tai-sao-khong-tra-lai-cho-nguoi-Nhat-13706.html