(ĐVO) Trong kết luận điều tra về vụ “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cơ quan an ninh Bộ Công an đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin và 8 cán bộ cấp dưới.


>> 'Vinashin con' đuối nước, 'xô' nhiều tàu 'khác họ' chìm?


>> Bắt 2 lãnh đạo Công ty tài chính Vinashin



Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), đề nghị truy tố ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin. Cùng bị đề nghị truy tố còn có 8 bị can là cán bộ cấp dưới của ông Bình cùng về tội danh trên. Riêng 2 bị can Giang Kim Đạt (nguyên Trưởng Phòng kinh doanh Cty Viễn Dương


Vinashin) và Hồ Ngọc Tùng (nguyên Tổng GĐ Cty Tài chính Vinashin) hiện đang bỏ trốn, nên được tách ra xử lý sau.



Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT tập đoạn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trước ngày bị bắt.


Theo cơ quan điều tra, những sai phạm tại Tập đoàn Vinashin chủ yếu tập trung trong các dự án: mua tàu Hoa Sen; đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định); nhà máy điện Diezel Cái Lân (Quảng Ninh); bán vỏ tàu Bạch Đằng và dự án tàu Bình Định Star. Số tiền thiệt hại trong các dự án này lên tới hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng…


Nhận định đây là một án kinh tế lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm, cơ quan điều tra đã bóc tách hành vi “cố ý làm trái” để xử lý trong giai đoạn 1 của vụ án. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ những sai phạm khác tại Tập đoàn Vinashin cũng như hành vi “tham ô tài sản” xảy ra tại công ty Cổ phần công nghệ thông tin Hoàng Anh.


Trước đó, tại kỳ họp thứ 32, sau khi nghe báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Phạm Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam như sau:


Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, ông Phạm Thanh Bình đã có thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng, cụ thể:


1. Thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước cấp, cho vay hoặc bảo lãnh cho vay khi thực hiện các dự án nâng cao năng lực, nâng cấp và xây dựng mới các khu công nghiệp, nhà máy đóng tàu; đầu tư mua sắm nhiều tàu cũ, tàu không thích hợp trong vận tải biển dẫn đến thua lỗ, gây hậu quả nghiêm trọng khiến Tập đoàn không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và quá hạn.


2. Vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt và tổ chức đấu thầu các dự án do Tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư.


3. Thành lập nhiều đơn vị thành viên, công ty cổ phần không đủ năng lực tài chính, kinh doanh; bổ nhiệm, cử con trai và em trai làm đại diện phần vốn của Nhà nước và giữ nhiều cương vị trái quy định của Đảng và Nhà nước


Những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội.


Trong nhiều năm qua, Tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp; hậu quả của những khuyết điểm, vi phạm của ông Phạm Thanh Bình dẫn đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có nguy cơ phá sản, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.



Phong Anh


http://baodatviet.vn/Home/phapluat/Vu-mua-tau-Hoa-Sen-mat-tieu-470-ty-dong/20119/169746.datviet