Vợ à, con mình không phải là cục nợ!


http://giadinh.net.vn/gia-dinh/vo-a-con-minh-khong-phai-la-cuc-no-20130926022129901.htm


0


Anh biết, từ nhỏ em đã vốn không ưa trẻ con, chẳng thích ẵm bồng nựng nịu chúng như mấy cô gái khác. Nhưng rồi em cũng sinh cho anh một bé gái kháu khỉnh, lại… vỡ kế hoạch thêm một thằng cu.








Dĩ nhiên, em vẫn chăm nom, lo lắng cho con, thậm chí còn có phần chu đáo hơn một vài bà mẹ khác. Nhưng nỗi hậm hực, cáu bẳn, bực mình em thường trút lên các con, dù chúng còn quá bé để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Em ngày càng hay nhắc rằng, con cái chỉ mang lại vướng víu ràng buộc, là cục nợ đời...



Em thương con nhiều, theo một cách riêng nào đấy. Đi đâu về, em mua rất nhiều quà bánh, đồ dùng cho con. Em tỉ mẩn làm những món ăn con thích, để rồi sẵn sàng giận dữ tung hê hết nếu con ăn chậm, lơ đễnh hoặc lỡ tay làm đổ. Chúng chỉ biết sợ sệt khi em gào thét, khi em hăm dọa “bóp cổ” hoặc “giết hết cả lũ cho rảnh nợ”. Nếu em tự nghe hoặc xem lại hình ảnh của mình những lúc “lên cơn” ấy, chắc em cũng thấy muôn phần kinh dị, chứ không riêng gì cha con anh chết khiếp. Sao số tôi khổ thế này không biết nữa. Hai đứa này hình như không phải con tôi, tôi ẵm nhầm đứa nào về rồi, tôi làm gì có cái thứ con như thế này…



Bây giờ, em xưng hô mày tao với con thường xuyên. Em hăm bỏ đi, em đe dọa sẽ mặc kệ con sống thế nào thì sống. Giữa đường, em tấp xe vào lề, quát hai đứa nhỏ bước xuống, cho biết sẽ bỏ rơi chúng lại bên đường, để hai con khiếp sợ van nài. Em thừa biết, làm vậy chỉ khiến con sợ hãi đối phó với mẹ, chứ không thể nào làm con gần gũi, mở lòng hay nghe lời.


Em luôn tỏ rõ sự thất vọng khi con không có tư chất gì đặc biệt, lù đù hậu đậu, lại ương bướng khó dạy. Em dường như quên mất chúng chỉ là hai đứa trẻ tội nghiệp, những lỗi lầm thông thường mà con mình mắc phải, ngày còn bé, chúng ta cũng hay phạm vào. Thế nhưng, em nghiêm khắc với con quá, luôn chỉ trích anh là “làm hỏng cả hai đứa con em”. Anh sao đành lòng nhìn hai đứa con không dám thân thiết với mẹ, thì biết còn ai ngoài ba để mà bao che, trò chuyện. Con lỡ làm hư hay mất cái gì thì về rù rì với ba, con muốn đi chơi đâu thì xin ba…


“Cái thằng… lì như trâu này” là lời lẽ em thường dành cho con trai nhỏ. Đi làm mệt mỏi cả ngày về để phải nhìn “cái mặt chù ụ hãm tài của mày đấy hả con kia?” là “phần” của con gái lớn… Anh tự hỏi, người phụ nữ đang thốt ra những lời lẽ đó có phải là mẹ của hai con anh không? Sao nghe cay nghiệt thế này? Em có nhận ra con gái chúng ta ngày càng ít cởi mở, nhất là đôi mắt thường xuyên buồn bã pha chút uất ức? Cuộc sống gia đình mình vốn bình thường, đâu có gì để con phải sống trong lo sợ, ngoài những cơn nóng giận thất thường của mẹ nó?



Em thương con, những điều em dành cho con xuất phát từ trái tim, nhưng hình thức thể hiện đôi lúc lại sai lầm, nên tình thương đó hình như chẳng đến được trái tim các con… Sau những trận điên cuồng ấy, anh biết em buồn. Anh cũng lẳng lặng vờ như không thấy những lần em lân la xin lỗi con, thậm chí rơi nước mắt vì xót xa nhìn “hậu quả” để lại trên da thịt hai đứa trẻ…


Em ơi, nếu cứ luẩn quẩn thế này, anh sợ không chỉ thân thể các con tổn thương, mà mối quan hệ mẹ con sẽ ngày càng xa, những vết rạn trong tâm hồn của hai đứa trẻ sẽ không dễ gì bôi xóa được. Con cái là của trời cho, lẽ nào em nỡ để con lớn lên trong buồn tủi vì luôn bị mẹ xem là vật cản, nợ đời?


Theo Hải Đăng


PNO