HẠ LONG - KHÁT VỌNG KỲ QUAN



(VietnamNet) Vịnh Hạ Long đang bước vào chặng nước rút của cuộc bầu chọn Bảy Kỳ quan mới của Thế giới (New7Wonder). Cũng vì thế mà những ngày này, truyền thông và công chúng lại nóng hừng hực ngóng kết quả của ngày 11/11/11. Khen ngợi có, khích lệ có, cổ động có. Chê bai, hững hờ, tảng lờ cũng không ít. Nhiều ý kiến còn tỏ ra hoài nghi trước ý nghĩa và tiêu thức chất lượng của cuộc thi này. Trả lời BBC, bản thân người đại diện cho ngành Văn hóa - Du lịch Việt Nam cũng không khẳng định tuyệt đối giá trị của giải thưởng từ tổ chức NewOpenWorld (NOW), vốn do một tỷ phú nước ngoài khởi xướng. Theo ông, kết quả bầu chọn trên trang mạng New7Wonders do ông Bernard Weber chủ trì tuy “rất khó đánh giá thang bậc” nhưng dù sao vẫn là một "cơ hội" quảng bá cho Việt Nam.


Khác với một giải thưởng quốc tế mang màu sắc chính thống kiểu như Oscar với phim ảnh, Nobel với các ngành khoa học và văn chương.v.v., “Bảy Kỳ quan” không có một Viện Hàn Lâm đứng đằng sau với trùng điệp các tiêu chí nghiêm cẩn. “Bảy Kỳ quan” cũng không đòi hỏi một Ban Giám khảo kiểu “Cặp đôi hoàn hảo” hay “Vua Hài Đất Việt” chấm điểm vừa để định hướng tin nhắn vừa để trung hòa với điểm của khán giả cho từng “thí sinh”.


Nói cách khác, người bình chọn có quyền lực tuyệt đối với kết quả cuối cùng. Vào trang web New7Wonders, nơi không hề thông tin về tiêu chuẩn chiến thắng, cách hướng dẫn bầu chọn trên điện thoại như sau: bấm một trong những số điện thoại trên màn hình – bấm mã code 4 số quy ước cho địa danh. Vậy là xong đề cử của bạn.


Cách thức này thoạt nghe hao hao cách chương trình Bibi TV hướng dẫn các cháu thiếu nhi gọi điện tham gia mục “trò chơi” hoặc “thời trang”. Tất nhiên, vì dành cho mọi lứa tuổi nên New7Wonders không có câu: “Hãy xin phép bố mẹ trước khi gọi điện cho chị Thỏ Ngọc”. Nhắn tin, thậm chí còn đơn giản hơn nhiều. Thể lệ bầu bán lại không hạn chế số lượng “phiếu” từ một cá nhân hay tổ chức.


Có lẽ vì quy chế khá cởi mở này mà chiến dịch bầu chọn cho các danh lam thắng cảnh thu hút hàng triệu lượt người tham gia từ mọi quốc gia. Không ít trường hợp chỉ biết tới địa danh nước mình, ngay cả khi chưa từng đặt chân tới đó. Không thiếu những trường hợp nghe tới danh từ Amazon thì nghĩ ngay tới máy tính bảng Kindle Fire thay cho ý niệm về rừng. Nhưng rõ ràng, lợi thế thuộc về những quốc gia nào dân số đông đảo.


Có những nước tạo nên những chiến dịch quảng bá lớn mà nhiều khi một “chương trình mục tiêu quốc gia” cũng không sánh được về quy mô. Có những nước như Ai Cập, xứ sở của kỳ quan cổ đại duy nhất còn sót lại, thì cho rằng cuộc thi "chỉ nhằm đánh vào sự háo danh để trục lợi”.


Trục lợi? Từ này xem ra hơi nặng nề. Nhưng trước hết không khó để nhìn thấy những chủ thể hưởng lợi trực tiếp từ cuộc bình chọn: các nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn, các hãng viễn thông thu phí trên đầu mỗi “phiếu” bình chọn dạng text hay dạng phút gọi. Tới khi công bố kết quả cuối cùng, ước tính có cả trăm triệu “phiếu” từ khắp nơi trên thế giới. Trong thời buổi vừa lạm phát vừa mang dấu hiệu đình trệ ở hầu hết các ngành nghề kinh doanh, đây quả là một cơ hội kiếm tiền hiếm có.


Gạt yếu tố lợi ích sang một bên, nhiều ý kiến lại đặt câu hỏi về tính chính danh và vai trò của cuộc thi. Ví dụ, họ dẫn ra UNESCO, cơ quan văn hóa quốc tế uy tín nhất, nơi phong tặng những địa danh như Hạ Long là di sản thế giới cần bảo tồn, đã từ chối cộng tác với tỷ phú Weber. Vì thế “Bảy Kỳ quan” vẫn được coi là một cuộc thi tư nhân.


Nhưng thực ra có bao nhiêu sáng kiến tư nhân từ lâu vẫn được chấp nhận và khiến thiên hạ cuồng lên vì kết quả? Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ mang lại niềm tự hào cho sắc đẹp đại diện bao quốc gia mấy chục năm qua, chẳng phải của ông trùm bất động sản Mỹ Donald Trump đó sao? Còn bảng xếp hạng thường niên 500 tỷ phú hàng đầu thế giới vốn nảy ra từ sáng kiến của ông chủ cùng tên của Tạp chí Forbes.


Cái gì cũng có khởi đầu, kể cả sự danh giá.


Thực tế, nếu Hạ Long chiến thắng để lọt vào Top 7, âu cũng là điều đáng mừng.


Cơ hội trước một cuộc thi không khe khắt lắm về chuyên môn, không đòi hỏi những chồng hồ sơ giải trình nặng trịch, không cả màn run run ứng xử bằng tiếng Anh như các hoa hậu, đáng phải nắm lấy. Đặc biệt là khi Việt Nam có một dân số trẻ, chi phí viễn thông rẻ, và một tâm lý‎ công chúng ưa thích các trò chơi mới mẻ. Thắng lợi này, nếu tính toán rành rẽ, chắc còn “kinh tế” hơn một đợt quảng bá cho du lịch Việt Nam trên CNN hay Thời báo Times.


Chỉ có điều, chắc là từ sự hứng khởi thái quá của ý nghĩ trên đây mà đâu đó người ta bắt gặp một thông điệp hơi lạ lẫm của chiến dịch quảng bá: “Hãy thể hiện lòng yêu nước bằng việc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long”. Thực tình mà nói, người nặng lòng với nước cũng có thể không nhắn tin bầu chọn và người nhắn nhiều chưa chắc đã thêm tự tin khi nhận mình là yêu nước, chỉ bằng động tác của một hai ngón tay cái.


Thông tỏ chuyện này, sẽ không có gì đáng xót ruột khi vừa bấm phím “HL” gửi đến Tổng đài 147 vừa nghĩ tới ánh mắt mủm mỉm đam mê của Steve Jobs:


“Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ!”


Bảo Bảo


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/11/111107_halong_new7wonders.shtml


http://www.baoquangninh.com.vn/du-lich/201111/NSNd-Tra-Giang-Hay-the-hien-long-yeu-nuoc-bang-viec-bau-chon-cho-Vinh-Ha-Long-2153725/