TAGS


ASIADTHỂ THAO VIỆT NAMOLYMPICTỔ CHỨC WORLD CUPNỢ CÔNG QUỐC GIA


ĐĂNG BỞI MỘT THẾ GIỚI - 08:15 24-03-2014


ASIAD là đại hội thể thao tầm cỡ, chỉ xếp sau Olympic và World Cup về danh tiếng. Cái giá để tổ chức một kỳ ASIAD không thể là con số 150 triệu USD mà phải lên đến vài tỉ USD, thậm chí hàng chục tỉ USD. Giành lấy quyền đăng cai ASIAD 18 năm 2019, không nói quá, Việt Nam đang “giành” lấy một cái bẫy nợ khổng lồ.


Giỏi như Hàn Quốc còn nợ đầy đầu


Ngày 19.9.2014, ASIAD Incheon sẽ khai mạc. Để tổ chức kỳ Á vận hội (Asian Games) thứ 17, Hàn Quốc đến giờ đã chi hết 1,62 tỉ USD. Đây chưa phải là con số cuối cùng (được quyết toán sau Đại hội). Trong 1,62 tỉ USD, thành phố Incheon gánh 78,9% (khoảng 1,3 tỉ USD), 19% còn lại do chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ.


Incheon là đô thị lớn thứ 3 của Hàn Quốc, nằm trong vùng Seoul, với hạ tầng cơ sở giao thông cực kỳ hiện đại mà đặc biệt là sân bay quốc tế Incheon lớn nhất Hàn Quốc. Nhờ cơ sở hạ tầng sẵn có nên để tổ chức ASIAD 17, Incheon tiêu khoảng 103 triệu USD cho hạ tầng giao thông phục vụ Đại hội - một con số khá tiết kiệm.


Tuy nhiên với 103 địa điểm thi đấu, tập luyện bao gồm 23 điểm mới phải xây, 26 điểm nâng cấp và 54 điểm tập luyện cộng thêm làng vận động viên và trung tâm báo chí mới toanh đã buộc ban tổ chức Incheon phải chi ra tổng cộng 1,39 tỉ USD.


Hàn Quốc trước đó đã có kinh nghiệm dày dạn khi tổ chức ASIAD Seoul 1986, Olympic Seoul 1988, ASIAD Busan 2002, World Cup 2002. Công nghệ xây dựng, trình độ quản lý của người Hàn Quốc thuộc dạng bậc thầy, nhưng việc tổ chức ASIAD 17 buộc thành phố Incheon gánh áp lực tài chính nặng nề đến mức buộc phải thu hẹp quy mô Đại hội.










Bất chấp lời khuyên của chính quyền trung ương, thành phố Incheon vẫn xây sân vận động mới để tổ chức ASIAD rồi bị ngập trong nợ nần


Theo Korea Times, tổng số nợ của thành phố Incheon đến tháng 4.2012 là 3.000 tỉ won (266 triệu USD) vọt lên so với mức 1,4 ngàn tỉ won vào năm 2007 (130 triệu USD) khi vừa nhận quyền đăng cai ASIAD, trong khi nguồn thu thuế của Incheon hầu như không tăng bao nhiêu.


Để bù vào khoản nợ, chính quyền Incheon phải phát hành trái phiếu hòng tài trợ cho các dự án xây dựng tỉ USD dù thị trường bất động sản đang trì trệ. Chưa hết, chính quyền Incheon đã nợ 6.000 công nhân, nhân viên số tiền lương đúng hạn phải trả 2 tỉ won (2 triệu USD).


Dù các quan chức Incheon ra sức biện minh sự khủng hoảng này chỉ là ngắn hạn nhưng các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc nhận định, việc tổ chức ASIAD 2014 đã khiến Incheon gánh thêm số nợ lớn do đầu tư quá nhiều hạng mục, trong khi các khoản nợ xây dựng hạ tầng giao thông trước đó vẫn chưa thanh toán hết.


Nguyên nhân lớn khiến Incheon nợ ngập đầu là chính quyền thành phố này đã bác đề nghị của chính quyền trung ương cải tạo sân vận động Munhak hồi World Cup 2002 để tổ chức ASIAD. Thay vào đó, Incheon đã xây một sân vận động mới và một đường xe lửa cao tốc để phục vụ khán giả, du khách đến xem.


Chi phí đội lên quá cao, Incheon phải nhờ chính phủ Hàn Quốc trợ cứu. “Nếu Incheon tổ chức Asian Games bằng ngân sách riêng, chắc chắn họ sẽ bị vỡ nợ”, Korea Times kết luận.


Bị đội giá là chuyện chắc chắn


Con số siêu tiết kiệm 150 triệu USD mà các cơ quan quản lý thể thao Việt Nam cho rằng tổ chức được ASIAD 2019 rất dễ chứng minh là con số phi lý.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTT&DL) khi giải trình trước các đại biểu cho rằng, Việt Nam tổ chức ASIAD tiết kiệm nhờ tận dụng hạ tầng kỹ thuật, giao thông theo đề án quy hoạch phía Bắc của Chính phủ nên 150 triệu USD, chỉ dùng riêng cho công trình thể thao.


Lập luận này không thuyết phục, vì như trường hợp Incheon là đô thị hiện đại bậc nhất Hàn Quốc nên họ chỉ mất có 103 triệu USD cho hạ tầng giao thông cho ASIAD và dùng đến 1,39 tỉ USD để xây công trình thi đấu, tập luyện thể thao.


Điều kiện hạ tầng Việt Nam không thể sánh với Hàn Quốc, trình độ xây dựng, quản lý cũng thua xa họ và chưa kể đến chuyện thất thoát, xà xẻo trong khâu xây dựng luôn là căn bệnh nan y ở Việt Nam. Để tổ chức được ASIAD 2019, Việt Nam sẽ chi số tiền rất “khủng” nằm ở con số ước lượng 2-2,5 tỉ USD.


Nhìn lại lịch sử tổ chức ASIAD, chuyện đội giá quốc gia nào đăng cai cũng phải chịu. Hàn Quốc tổ chức ASIAD Busan 2002 dự trù chỉ 167,4 triệu USD rồi vọt lên thành 2,9 tỉ USD. ASIAD Quảng Châu 2010 dự trù là 3 tỷ USD rồi đội lên thành 19,7 tỷ USD. Trước đó, Thái Lan tổ chức ASIAD 1998 cũng tính rất tiết kiệm (y như Việt Nam bây giờ) là chỉ với 80 triệu USD rồi “nhảy” lên thành 600 triệu USD.









Dự trù chỉ có 18 tỉ USD nhưng cuối cùng cái giá tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 là 42 tỉ USD



Không chỉ ASIAD mà với Olympic, chuyện giá khi giành quyền đăng cai một đằng và giá lúc kết toán luôn khác xa nhau. Olympic Bắc Kinh 2008 trở thành kỳ Olympic mùa hè đắt giá nhất lịch sử với 42,58 tỉ USD dù ban đầu dự trù khoảng 18 tỉ USD.


Giỏi vun vén làm kinh tế như người Anh ở Olympic London 2012 cũng tiêu hết 14 tỉ USD, hơn dự tính đến 10 tỉ USD.


Tất cả mọi chi phí trên đều “chào thua” Olympic Mùa Đông 2014 tại Sochi (Nga) vừa rồi có giá “kinh hoàng”: 51 tỉ USD. Đối với tổng thống Putin, chuyện tiền bạc không phải là vấn đề!


Phải giỏi như người Mỹ mới không ngập nợ


Hy Lạp chơi sang tổ chức Olympic 2004 với giá 18,22 tỉ USD, để rồi bây giờ phải vỡ nợ buộc bán tống bán tháo các công trình, nhà thi đấu, sân vận động xây hồi Olympic là bài học nhãn tiền mà nhiều người nhắc nhở nhau về “bẫy nợ quốc gia” khi tổ chức Olympic.


Ngay cả Brazil - nước sẽ tổ chức World Cup 2014 vào Hè này chưa gì đã lâm vào hoàn cảnh cay đắng khi chi phí tổ chức lên đến 14 tỉ USD.


Tờ Le Figaro (Pháp) cho hay 100 ngày trước khi World Cup khai mạc, 5/12 sân vận động vẫn chưa thể bàn giao cho FIFA, khả quan nhất là sân Arena de Baixeda sẽ chuyển giao vào 15.5, tức trước giải hơn 1 tháng. Ngân sách thâm thụt, phúc lợi xã hội, y tế và giáo dục bị cắt để dồn sức cho World Cup khiến Brazil xảy ra tình trạng biểu tình, bạo loạn phản đối chính phủ liên miên.


Tỉ lệ người Brazil ủng hộ World Cup từ chỗ 79% hồi tháng 11.2013 đã sụt giảm còn 58% vào đầu tháng 3.2014. Tờ Le Figaro đưa ra minh chứng “cay đắng” là 250.000 cư dân phải di dời để lấy đất xây dựng cho World Cup mà nhiều người sau đó rơi vào cảnh vô gia cư.


Tờ Le Monde (Pháp) cho hay một loạt vấn đề giao thông, tỉ lệ tội phạm và chuyện chậm trễ xây dựng khiến Brazil đón World Cup “trong không khí cực kỳ căng thẳng”.


Trong lịch sử, rất ít quốc gia tổ chức Olympic, World Cup, ASIAD mà không phải è cổ ra trả. Khá như Trung Quốc thì có ngân sách khổng lồ bao cấp và cũng tận dụng vốn để xây dựng hạ tầng cơ sở, còn nhiều nước cực kỳ vất vả thanh toán công nợ hậu đại hội.









30 năm sau ngày tổ chức Olympic 1976, thành phố Montreal (Canada) vẫn chưa thể trả hết nợ



May mắn như Tây Ban Nha, tốn 15,4 tỉ USD cho Olympic Barcelona 1992 lãi 5 triệu USD và tận dụng được nhiều cơ sở hạ tầng, sân vận động để làm du lịch sau đó. Olympic London 2012 dù đội giá đến 10 tỉ USD cũng gần hòa vốn nhờ dịch vụ, kinh doanh, du lịch ăn theo.


Nặng nề nhất như đã kể là Hy Lạp với Olympic Athen 2004 khiến mỗi hộ gia đình gánh khoản nợ 50.000 euro. Tương tự Hy Lạp là Canada, mãi tận sau 30 năm kể từ sau ngày tổ chức Olympic Montreal 1976 vẫn chưa thanh toán hết chi phí tổ chức 1,2 tỉ USD (vào khoảng 14 tỉ USD hiện tại). Nhiều quốc gia đã lấy đó làm bài học và coi chuyện tổ chức đại hội thể thao quy mô là một “bẫy nợ quốc gia”.


Ngay cả người Nhật tổ chức Olympic mùa Đông Nagano 1998 cũng trở thành thảm họa tài chính cho chính quyền và cư dân thành phố lẫn cả nước Nhật. Ủy ban Olympic Nagano được lệnh của Phó tổng thư ký Sumikazu Yamaguchi đốt hết 90 bộ hồ sơ tài chính sau Đại hội kết thúc nên chỉ ước đoán với chi phí ước tính 17,59 tỉ USD. Olympic Nagano để lại khoảng nợ 30.000 USD/hộ gia đình Nagano và phải mất 17 năm mới trả hết.


Giỏi nhất về tổ chức phải là người Mỹ, cứ tổ chức là đều thu lãi. Với Olympic Los Angeles 1984 người Mỹ chi 546 triệu USD và thu về 768 triệu USD; 12 năm sau, họ tổ chức Olympic Atlanta 1996 và chi ra 1,8 tỉ USD nhưng vẫn lời được 10 triệu USD.









Olympic Los Angeles 1984 là kỳ thế vận hội thành công nhất lịch sử, điển hình xuất sắc cho tài tổ chức, óc tính toán của người Mỹ



Người Mỹ giỏi vì họ tận dụng triệt để cơ sở hạ tầng, sân bãi sẵn có và “vạn bất đắc dĩ” mới xây thêm. Chẳng hạn, ở Olympic Los Angelea 1984, 73% kinh phí tổ chức được dùng trả công cho nhân viên, cán bộ của đại hội chứ không phải là chi phí xây dựng.


Ngay cả việc tổ chức World Cup 1994 với môn “soccer” vốn còn xa lạ với hầu hết người dân xứ nước này, họ chỉ tiêu tốn đúng 30 triệu USD mà vẫn có giải đấu thành công vang dội.



http://motthegioi.vn/tieu-diem/viet-nam-to-chuc-asiad-bay-no-quoc-gia-rinh-rap-55433.html