Ước mơ của Hà


TTO - Biết mình đậu đại học, Hà không biết vui hay buồn nhưng phản ứng đầu tiên là Hà khóc. Bà ngoại còn ở ngoài đồng, Hà cứ lóng ngóng ra vào trông bà về để báo tin vui. Ở ngay bực cửa, mẹ Hà lớ ngớ với đám củi khô, nghệch mặt ra nhìn con gái. Rồi cũng lần đầu tiên, Hà nghe mẹ phát biểu một câu ra hồn: “Tau thấy hôm ni mi có điều chi rất lạ”…



Hà đang bó củi, một trong rất nhiều công việc hàng ngày của em. Phía sau là mẹ và bà ngoại.. - Ảnh: Mỹ Trâm



Lạ vì người đàn bà ngớ ngẩn cả một đời được biết với cái tên “Lữ Khùng” ở xóm Bồ Mưng 1, Điện Thắng Bắc, Điện Bàn (Quảng Nam) chưa bao giờ biết vì sao mình có được con gái xinh đẹp như Nguyễn Thị Hà. Lạ vì hai mẹ con chưa lần nào nói chuyện với nhau cho đến năm Hà 18 tuổi. Hôm nay Hà nói: “Con đậu đại học!”. Rồi bà đặt tay lên vai Hà cười như thú tội, khó khăn với từng chữ rời rạc: “Tao nhớ hôm mi đi thi, tao ra đầu ngõ thắp nhang khấn cho mi thi rớt…”.


Mẹ


Căn nhà chỗ cao chỗ thấp, chỗ trồi chỗ sụt ẩm thấp nằm dưới rặng tre xanh cuối con đường dẫn về thôn Bồ Mưng 1, Điện Bàn, Quảng Nam. Người đàn bà ngồi đằng trước nhà mò mẫm với đống củi khô lúc xếp lại ngay ngắn, lúc bới tung tóe đuổi lũ gà con chạy nháo nhác trong sân. Hễ có bóng người đi ngang ngõ, bà ngoắc tay hóng chuyện: “Con Hà đậu đại học rồi”. Người trong làng ai cũng hiểu, tặc lưỡi vài ba câu, dấm dúi mấy đồng lẻ rồi thở dài đi ra.


Cứ thế, bà Nguyễn Thị Lữ khoe niềm vui có con đậu đại học cho bất cứ ai đi ngang nhà cũng bằng niềm vui vô thức. Cả một đời bà gắn với tên “Lữ Khùng” mà lũ trẻ cùng làng xa xưa vẫn hay gọi. Đến bây giờ, bọn trẻ vẫn gọi bà như thế. Trừ những lúc chúng nhìn thấy con bé Hà lầm lì. Con bé đó có thể đuổi theo bán sống bán chết tất cả những đứa dám gọi mẹ nó là “khùng”.


Hồi mới 3 tháng tuổi, cô con gái Nguyễn Thị Lữ bị một trận sốt cao, sau đó bại liệt luôn đôi chân. Lên 7 tuổi, Lữ mới bắt đầu biết lê lết nhưng thần kinh không ổn định. Càng lớn lên, Lữ càng như nhỏ lại, chân tay vẫn phát triển nhưng cứ co quắp, đầu óc càng lớn càng “tưng tưng”, đến việc chăm sóc cho bản thân Lữ cũng không thể làm được.


Mãi đến năm 40 tuổi, “tự dưng” Lữ mang bầu. Có lúc thật tỉnh, Lữ nhớ lại cảnh ông ngoại con Hà vác cái mái chèo đò rượt con gái bò quanh vườn mà đập. Mẹ Lữ vừa khóc vừa la chấn động cả làng mà Lữ vẫn không nhớ ra làm sao mình mang bầu. Đến ngày sinh nở, mẹ Lữ phải thay bà làm mẹ khi Lữ không biết cho con bú, không biết ẵm bồng, không biết mình đã được làm mẹ. Mãi cho đến khi cô con gái 18 tuổi, hai mẹ con vẫn chưa có phút giây tâm sự, ôm ấp hay gần gũi. Nhưng hôm nay bà mẹ dại khờ lại biết nói rời rạc: “Tau lo quá. Mi kiếm tiền đi học đại học đi. Cho tau theo với…”.


Con


Nghe mẹ ngọng nghịu lúc tỉnh lúc mê Hà như muốn khóc. Có lẽ suốt đời mẹ vẫn không thể nào hiểu được niềm vui và cả nỗi buồn của Hà. Như cái ngày Hà biết mình đậu cùng lúc hai trường đại học Kinh tế Đà Nẵng và Nông lâm (Huế) với số điểm 23, Hà không biết vui hay buồn. Vừa muốn đi học vừa không biết làm thế nào để được đi học. Hà đếm lại mấy lần nài nỉ hứa hẹn với bà ngoại: "Thôi con chỉ học xong lớp 7, ngoại ráng cho con học hết cấp II"; Xong lớp 10 thì "Dở dang quá, ngoại ráng cho con học hết cấp III cho dễ đi làm”...


Tổng cộng 3 lần. Lần này Hà biết khó lòng mà nài nỉ khi số tuổi của bà cứ tăng dần. Bà ngoại đã 82 tuổi. Mảnh lúa hơn 300m2 nuôi cả ba bà cháu giờ cũng kiệt sức theo bà. Cửa nhà quạnh quẽ, người thân bên ngoại đã ít lại còn nghèo. Nếu không có tiền, Hà biết giấc mơ chạm tay đến giảng đường đại học sẽ chẳng bao giờ đến dù chỉ trong mơ.



Phút âu yếm hiếm hoi giữa hai mẹ con...



Suốt 3 năm cấp 3 miệt mài, mỗi ngày cô học trò Nguyễn Thị Hà phải đạp xe vượt qua chặng đường dài tổng cộng 40km để đến trường. Năm nào Hà cũng là học sinh giỏi với quyết tâm đơn giản: “Học giỏi thì trời thương không cho nghỉ học”.


Khuôn mặt ngây thơ, hiền lành và trong sáng nhưng tính cách thì “rất lì”, nhỏ bé, mảnh mai nhưng Hà đã có lần vác gậy rượt bọn trẻ cùng tuổi trong làng khi chúng dám gọi mẹ là “bà khùng”. “Ngày em đi thi đại học, mẹ nổi hứng thắp hương khấn cho con thi rớt. Em không buồn vì em hiểu” - Hà kể vậy. Lặng lẽ đi thi, lặng lẽ xin làm phục vụ cho tất cả các đám cưới trong làng để dành tiền đi học, Hà biết giấc mơ của mình chông chênh nhưng vẫn cố nuôi “được chừng nào hay chừng ấy”. Vì lần này Hà biết không thể khóc lóc năn nỉ bà ngoại cho tiếp tục đi học như xưa.


Bà ngoại


Trưa nắng gắt, nghe con bé báo tin vui đậu cả hai trường đại học đầu óc bà Trần Thị Thìn quay cuồng. Ruột gan thắt lại, bà biết thế nào con bé cũng khóc xin bà ráng cho nó tiếp tục đi học. Ráng thêm được mức nào ở cái tuổi 82 vừa làm mẹ của con gái vừa làm mẹ của cháu ngoại? Có chăng bà chỉ ráng nuôi bà và đứa con gái dở người suốt 58 năm bằng cái sức đã tàn. Biết thế nào rồi con Hà cũng tỉ tê để nó vừa đi làm vừa đi học, nghe đâu nó đã xin làm công nhân lột vỏ tôm ở Đà Nẵng.


Ngôi nhà tranh rách nát đã được thay thế bằng ngôi nhà tình thương tạm bợ, rồi cũng bị bão cày nát chỗ lồi chỗ sụp. Mảnh đất bé xíu này bán có ai mua. Rồi ở cái tuổi chẳng biết sống chết lúc mô lấy gì thế chấp vay tiền nuôi con nuôi cháu đi học. Nghĩ mà đắng lòng. Ước chi con bé Hà đừng học giỏi thì có phải dễ tính hơn không! Nhưng bà cứ tiếp tục phải ráng. Ráng đến bao lâu trước sự ngờ nghệch của con và ước mơ căng tròn của cháu?...


MỸ TRÂM


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=332403&ChannelID=7