Ước gì ngành giáo dục đổi giờ học và bỏ dùng bút mực


"Hồi nhỏ tôi ghét nhất là sáng dậy đi học sớm, ghét thứ nhì là... cây bút và lọ mực. Bây giờ, 30 năm sau, khi con mình học tiểu học ở thế kỷ 21, tôi lại thấy chúng chịu đựng nỗi khổ chẳng khác gì tôi ngày trước", độc giả Phạm Anh Vinh chia sẻ.


Tối nay, đang đọc bài phỏng vấn trên VnExpress về đổi mới chương trình phổ thông, bất chợt quay sang nhìn mấy đứa con đang say ngủ, tôi lại nhớ thuở xưa cắp sách tới trường. Ký ức giờ mờ nhạt và lộn xộn, nhưng không hiểu sao những gì tôi nhớ nhất về mái trường tuổi thơ là những cực nhọc khi phải dậy thật sớm đi học trong cái rét thấu xương, thở trắng cả hơi nước.


Nhà cách trường khoảng một km, tôi phải đi qua cánh đồng rộng, đất lổn nhổn và trơn như mỡ. Gió và mưa phùn hun hút như roi lạnh quất vào người. Tôi cùng đám bạn co ro tay ôm cặp, tay ôm cái bùi nhùi rơm khói mù, vừa lập cập gặm cơm nắm vừa lầm lũi bước. Khi vào lớp thì oẳn tù tì, đứa nào thắng thì được co chân lên ghế để kẻ thua ngồi lên (cho đỡ lạnh), mỗi lần phải rút tay khỏi túi để cầm bút đúng là cực hình và chỉ ước gì tự dưng được nghỉ về sớm!


Hồi đó tôi ghét nhất là sáng dậy đi học sớm, ghét thứ nhì là... cây bút và lọ mực. Nghe thật buồn cười nhưng đúng là khổ sở khi phải dùng loại bút máy bơm mực. Bút rất hay hư vì đủ thứ lý do trên đời. Viết hơi mạnh tay, hai nửa ngòi bút sẽ lệch nhau cào lên giấy. Chỉ hơi bất cẩn, hoặc có khi chẳng rõ nguyên nhân, mực sẽ trào ra, dính đầy vở, đầy tay. Nhiều khi đang học thì bút hư, thế là cuống lên, vừa lo mượn, vừa lo sửa bút. Tay tôi, cặp, sách, vở, quần áo tôi chỗ nào cũng có vết mực vì sửa bút, bơm mực..., lâu lâu bị cô giáo bắt xòe tay phạt là thường.


Bây giờ, 30 năm sau, khi con mình học tiểu học ở thế kỷ 21, tôi lại thấy chúng chịu đựng nỗi khổ khi mỗi sáng phải dậy rất sớm đi học và vẫn phải cặm cụi dùng loại bút bơm mực chẳng khác gì tôi ngày trước.


Quy định là học sinh phải có mặt tại trường lúc 7h15 nên dù nhà không xa trường, tôi vẫn phải đánh thức chúng dậy từ 6h sáng khi chúng đang ngon giấc. Thật khó khăn khi phải phá giấc ngủ ngon của con trẻ. Sau khi hết cấu véo, cù lét, nài nỉ, dỗ ngon dỗ ngọt rồi dọa dẫm đủ trò, chúng mắt nhắm mắt mở đánh răng rửa mặt, ăn quáng quàng cái gì đó và uể oải đến trường.


Sợ nhất là chở chúng đến trường khi cả hai đứa đều đang buồn ngủ rũ ra vì tối hôm trước vật lộn với đống bài tập về nhà, đứa ngả sang trái, đứa sang phải. Thế là bố/mẹ phải chạy thật chậm, vừa luôn miệng nhắc chúng bám chặt, đừng ngủ gật, vừa lái xe bằng một tay và vừa mong sao chẳng gặp phải kẹt xe hay bất cứ cái gì làm chúng đến trường không kịp lúc.


Trông lũ trẻ cấp 1 quýnh quáng ăn bữa sáng tạm bợ ngoài cổng trường thật tội nghiệp: Đứa thì đỏ mặt tía tai, đứa thì mũi dãi lòng thòng, đứa thì trợn mắt vừa khóc vừa cố nuốt thức ăn trước ánh mắt vừa van lơn, vừa dọa nạt của phụ huynh. Chỉ chậm vài phút là cổng trường đóng lại và nếu lỡ trễ giờ thì thật phiền phức vì phải gặp "cờ đỏ" và bác giám thị - những người chỉ chăm chăm tìm lỗi của học sinh để "chấm điểm thi đua" - để trình bày lý do nhiều khi rất lãng nhách.


Có hôm trời trở chứng mưa buổi sáng, nhìn lũ trẻ đáng thương co ro trong mưa ướt và gió lạnh, tôi lại nhớ cảm giác thấu xương khi lầm lũi đi học ngày xưa. Tôi tự hỏi không biết đến bao giờ, đến thế hệ nào thì mới có thay đổi để trẻ em Việt Nam có giờ học “ngang bằng các nước” như câu nói cửa miệng của nhiều người, lúc 8h hay 8h15 sáng chẳng hạn, sau khi chúng đã có một giấc ngủ thoải mái, một bữa sáng thảnh thơi, ngon lành?


Chúng ta ai cũng hiểu rằng trẻ con sẽ phát triển thể chất tốt nhất nếu được ăn ngủ đầy đủ. Nếu ta không thay đổi giờ giấc đi học cho học sinh, nhất là cấp tiểu học, thì dù có uống nhiều sữa, ăn nhiều chất thì tầm vóc người Việt vẫn sẽ mãi mãi nhỏ hơn dân tộc khác.


Thật ngạc nhiên vì sau bao nhiêu năm, qua bao nhiêu lần "cải cách" thì giờ học vẫn bất hợp lý và học sinh, nhất là cấp tiểu học vẫn chịu khổ khi phải đi học rất sớm. Trẻ phải đi học sớm trong khi nhiều người lớn 8-9h sáng mới vào việc sau khi đã nhẩn nha cafe thuốc lá, rất bất công và phản khoa học.


Bây giờ tay tôi, áo tôi lại thường dính mực tím. Vâng, sau gần 30 năm, tôi lại ngồi cặm cụi sửa ngòi bút như ngày xưa, lại ghét cay ghét đắng mấy cây bút mau hư và lọ mực hở nắp. Tôi ghét nhất là bút bơm mực toàn hàng "made in China" không muốn cũng phải mua, chỉ vài ngày là lại hư, lại sửa. Con tôi lại thường bị phạt vì để mực giây ra sách vở, và cái từ "tòe ngòi" chắc không có trong tự điển, lại trở nên quen thuộc với bố con chúng tôi.


Trong một lần họp phụ huynh, khi nghe tôi phản ánh, cô hiệu phó nghiêm nghị giải thích giờ giấc như vậy để rèn tính kỷ luật cho trẻ, và quy định học sinh phải dùng bút mực là để rèn chữ đẹp, có "nét thanh, nét đậm". Cô còn thêm một câu: “Mấy chục năm nay có ai thắc mắc như bác đâu!”. Với tôi, rõ ràng câu trả lời đó thật bảo thủ, không thuyết phục.


Những quy định cổ hủ và không mang tính nhân văn đã tồn tại cả thế kỷ trong trường tiểu học và không ai muốn thay đổi, bất kể nhân loại đã tiến bộ ra sao. Học sinh tiểu học ở rất nhiều nước đến trường sau 8h sáng, ta thì không. Học sinh nước khác không bị ép dùng bút bơm mực, ta thì có. "Lỳ lợm" nhất là việc buộc học sinh phải dùng bút bơm mực để viết "nét thanh, nét đậm" và bắt chúng cặm cụi luyện chữ đẹp với đủ thứ lý do.


Bút viết "nét thanh nét đậm" chỉ cần thiết cho các ký tự dạng "vẽ" như chữ Hán, thư pháp, chữ Kanji, thì những người làm giáo dục bao thế hệ đã nhầm lẫn đem áp dụng cả vào ký tự viết. Quan niệm về cái đẹp rất hẹp hòi nên dễ dàng nhận thấy trong các cuộc thi viết chữ đẹp, tất cả đều cùng một kiểu chữ và ai viết "như chữ in" thì thật đáng khâm phục!


Tôi nghĩ tất cả là do những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục không thử nhìn, thử đánh giá bằng con mắt của người khác, của những người ngoài ngành, của những phụ huynh. Họ lại càng không thử suy nghĩ, thử đặt mình vào vị trí như một học sinh phải thức khuya đánh vật với hàng đống bài tập, phải dậy sớm đến trường, phải nhồi nhét mớ kiến thức mà rất nhiều trong số đó đã rất lỗi thời và hoàn toàn không giúp ích gì cho chúng sau này.


Tôi đã tìm nhiều cách liên hệ để phản ánh những bất cập nhưng không nhận được hồi âm. Tôi hy vọng VnExpress đăng bài và biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục đọc được bài này và "đổi tông", chú tâm vào những thay đổi nhiều khi rất nhỏ bé nhưng thiết thực, đậm tính nhân văn, không tốn chi phí và được lòng người.


Phạm Anh Vinh


http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/uoc-gi-nganh-giao-duc-doi-gio-hoc-va-bo-dung-but-muc-3206343.html