PN - Để được tham gia một chương trình truyền hình thực tế (THTT), người chơi phải ký một bản cam kết với các điều khoản khá khắt khe và có lợi cho nhà sản xuất (NSX), nhất là về bảo mật thông tin. Ngược lại, nếu có vấn đề từ NSX, sẽ chẳng có ai bảo vệ quyền lợi của người chơi.



Trước khi chương trình THTT Big Brother đến Việt Nam với cái tên Người giấu mặt, không phải ai cũng biết bên cạnh cơn bão trên toàn cầu về số lượng người xem, chương trình này còn gánh cả một cơn bão chỉ trích khi phơi bày những gì xấu xí nhất của một con người, khiến người chơi phải khốn đốn trong cuộc đời thực. Mùa thứ 15 phát sóng năm 2013 của chương trình này tại Mỹ, hai người chơi đã gánh chịu hậu quả nặng nề vì những phát ngôn và thái độ của họ trong chương trình. Aaryn Gries, một người mẫu nữ đã có thái độ xúc phạm người đồng tính, còn Spencer Clawson - nhân viên của Union Pacific lại có phát ngôn phân biệt sắc tộc mà không hề biết những điều đó được phơi bày trên sóng truyền hình. Làn sóng chỉ trích của dư luận dấy lên ngay sau khi tập này phát sóng, khiến Aaryn Gries và Spencer Clawson bị sa thải sau đó. Hay như chương trình này tại châu Phi, những hình ảnh khỏa thân lúc tắm của người chơi đã bị ghi hình, và dù không xuất hiện trên truyền hình nhưng những hình ảnh đó lại được cung cấp cho những tài khoản VIP của một trang mạng. Ở Anh, chương trình luôn được cảnh sát giám sát thường xuyên để kịp thời xử lý những phát ngôn, thái độ về phân biệt sắc tộc. Ở Brazil, năm 2012, cảnh sát cũng phải vào cuộc vì thông tin một người chơi là siêu mẫu nam cưỡng hiếp một người chơi khác trong chương trình này.


Nhan Phúc Vinh - Linh Chi bị khai thác khía cạnh xấu xí nhất tại Cuộc đua kỳ thú 2013, nên hứng “đá” của dư luận
Có thể nói, với việc bị đẩy vào một không gian sống thiếu tất cả những phương tiện thông tin liên lạc, từ điện thoại, ti vi, internet, sách báo đến giấy bút… như Big Brother cũng đồng nghĩa với việc người chơi bị đẩy vào trạng thái phải bộc lộ những gì có thể là xấu xa nhất. Khi những điều đó được phơi bày dưới 30 máy quay, từ tất cả mọi góc cạnh để cho hàng ngàn, hàng triệu người khác bình phẩm, khó có thể nói những điều đó không ảnh hưởng đến đời thực. Đáng nói là liệu có bao nhiêu người chơi được cảnh báo về những khả năng tồi tệ mình có thể phải đối mặt khi đăng ký tham gia? Bao nhiêu người chơi hiểu rõ là chính những gì xấu xa nhất mới là điều mà các NSX tìm kiếm vì đó là nguyên liệu gây bão cho chương trình? Mới đây thôi, ở một mức độ khá nhẹ nhàng so với những scandal của Big Brother, clip cãi nhau giữa Linh Chi - Nhan Phúc Vinh trong quá trình tham gia Cuộc đua kỳ thú 2013 đã được tung lên Youtube và đội chơi này đã nhận vô số bình phẩm gay gắt của cư dân mạng. Thực tế, đó là một clip không liên quan nhiều đến nội dung phát sóng, và NSX thừa biết sẽ ảnh hưởng đến một người hoạt động nghệ thuật như Nhan Phúc Vinh đến mức nào, nhưng clip vẫn được tung ra.


Hình ảnh tắm khỏa thân của thí sinh bị tung lên mạng trong Big Brother châu Phi
Nói về điều này, Nguyễn Quang Dũng - đạo diễn chương trình Big Brother Việt Nam cho biết: Cũng như người chơi phải chịu trách nhiệm về những điều khoản bảo mật cho chương trình, NSX sẽ là người chịu trách nhiệm khi những hình ảnh riêng tư, ảnh hưởng đến cuộc đời của thí sinh lọt ra bên ngoài. Tuy nhiên, sự chịu trách nhiệm đó ở mức độ nào, ra sao thì... không ai biết. Giả sử xảy ra điều tương tự việc hình ảnh khỏa thân của thí sinh bị đưa lên mạng như tại Brazil, ai sẽ là người bảo vệ thí sinh? Làm gì có cách “chịu trách nhiệm” nào có thể cứu vãn được tình hình, nhất là trước cái nhìn khắt khe của văn hóa phương Đông. Tuy nhiên, đòi hỏi cái tâm của NSX trong THTT là một điều xa xỉ. Cuối cùng, người chơi - thí sinh luôn là kẻ nắm phần lưỡi của một con dao bén!