Nếu trẻ không có nền tảng trí thức, không có kỹ năng, phẩm chất thì sẽ không có khóa hay lớp đào tạo nào biến trẻ thành lãnh đạo.



"Lãnh đạo không biết mặc quần"



Hiện nay ở các trường quốc tế, các trường nhiều trẻ em gia đình khá giả theo học đều có tư tưởng dạy trẻ làm lãnh đạo, các lớp học đều mang tính định hướng trở thành nhà lãnh đạo tương lai, trước câu chuyện trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/9, PGS.TS Đoàn Văn Điều - Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng đây là tâm lý không làm nhưng thích hưởng thụ của người Việt.



"Khác với chúng ta, như Singapore họ đang tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, dạy trẻ kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như thể thao, khơi dậy các năng khiếu vốn có.



Hay như Nhật Bản, từ năm 1945-1969 có thể thấy họ phát triển mạnh mẽ giáo dục, đặc biệt là hình thành nhân cách cho trẻ, thoát khỏi chiến tranh, thành một nước giàu thứ hai thế giới. Giáo dục của chúng ta đang sai lầm khi cứ nghĩ đi học các chương trình của phương Tây, học các nước lớn thì tốt nhưng phải biết như Singapore họ không có trường học như Việt Nam.



Đất nước của họ có 3 dân tộc Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, cho nên mục đích chung xây dựng đất nước là dạy người đó lòng yêu nước.










Dạy trẻ kỹ năng làm lãnh đạo




Thế mà chúng ta không biết mình đang có những gì mà phát triển, đó là thiếu sót lớn của ngành giáo dục, cái đầu tiên cần dạy con trẻ là cốt cách, ứng xử sau này mới đóng góp cho dân tộc được, chứ không phải lãnh đạo ai, chỉ đạo ai làm gì", ông Điều chỉ rõ.



Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia trên, giả sử như cha mẹ giàu có muốn con làm lãnh đạo, cho con đi học nhưng các em có học hay không mới là vấn đề, hay như bây giờ đút tiền đưa con cháu vào làm việc, nhưng không làm được thì họ sẽ đuổi ra. Nghĩa là anh có đủ thứ nhưng vẫn không làm việc được thì vẫn bị loại, giờ mọi thứ đều cần trí thức.



Nếu không tính chuyện rèn luyện cho trẻ từ cơ sở đầu tiên là lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu xã hội, ở cấp bậc mẫu giáo, sau này sẽ có lớp người không có ích cho xã hội.



Ông Điều khẳng định: "Muốn làm lãnh đạo thì phải học giỏi, có những nền tảng kiến thức thậm chí rộng lớn, nếu ai học làm lãnh đạo mà đều được làm lãnh đạo thì dễ quá.



Cứ để cho các trường làm nhưng tôi nghĩ sẽ không hiệu quả, bởi tiền không tạo ra được tố chất một lãnh đạo. Vì muốn làm lãnh đạo thì phải học, có trí thức, có phẩm chất, nếu không sẽ là một thế hệ toàn lãnh đạo không biết mặc quần.



Chẳng qua chỉ là tâm lý người Việt, thấy lãnh đạo rất sướng, không làm cũng được hưởng thụ, nhưng muốn làm gì thì làm phải học được, có tố chất quản lý, các cháu nhà nghèo không có tiền nhưng có phẩm chất vẫn có thể làm lãnh đạo".



Hãy dạy trẻ cách sống tự lập



Phân tích ở góc độ khác, theo ông Điều, con đường tới vinh quang được tạo nên từ những thất bại dù lớn hay nhỏ. Thế nhưng, phải nhìn lại xem cách giáo dục trẻ của chúng ta hiện nay ra sao, con đứng nắng xếp hàng thì cũng kêu, con dính mưa thì trách thầy cô không cẩn thận, con đi tập quân sự thì đi theo lo từng miếng ăn, cốc nước, hay con đi du lịch phải phái cả vệ sĩ đi cùng...



Tất cả những sự bao bọc, che chắn như vậy sẽ khiến trẻ khó chấp nhận những thất bại để nâng cao lòng tự trọng của mình. Trong khi, một người lãnh đạo giỏi phải có khả năng trì hoãn sự hài lòng và làm việc chăm chỉ hơn cho những điều quan trọng.



Đặc biệt, một trong những kỹ năng quan trọng khác để trở thành một lãnh đạo tốt chính là kỹ năng độc lập xử lí các tình huống. Nếu cha mẹ cứ liên tục giải quyết các vấn đề cho trẻ, con sẽ không bao giờ phát triển được tư duy phản biện hay óc suy xét để đứng trên đôi chân của chính mình.



Những đứa trẻ luôn có ai đó lao mình xuống giải cứu và dọn sạch mớ hỗn độn của chúng thì cũng sẽ mang theo tư tưởng phụ thuộc ấy vào cuộc sống của chúng sau này.



Nói về hệ lụy của việc trên, ông Điều lo ngại: "Chúng ta cần nhớ, nếu như trẻ quá được quan tâm, trẻ sẽ hình thành suy nghĩ mình là nhất, ỷ lại, ai cũng phải quan tâm tới mình, dần dần không biết cách quan tâm đến người khác, người chịu tổn thương đầu tiên chính là cha mẹ.



Như tôi chứng kiến, nhiều hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng con cái luôn hỏi han, quan tâm, phụ giúp cha mẹ, biết ơn, nhưng con nhà giàu thì về đến nhà là vào phòng đóng cửa, có người phục vụ tận chân răng, quen với sự thụ hưởng.



Chúng ta cần biết rằng, điều quan trọng nhất là đứa trẻ sống có thoải mái, có sức khỏe để làm mà nuôi sống bản thân hay không. Chắc chắn lãnh đạo là không học được, lớn lên trưởng thành mới học được, dạy mà lãnh đạo được thì lại khác.



Như ở nước ngoài họ chỉ dạy cho con trở thành một con người, đóng góp cho đất nước, hay các trường nổi tiếng như Trung học Phổ thông Quốc tế Cambridge trên 70 năm nay thu hút con nhà giàu vào học, họ có 4 tiêu chuẩn.



Đầu tiên, cha mẹ phải làm chủ tịch nước, tổng thống, thủ tướng hoặc tỷ phú đô la. Tiếp theo, tiêu chuẩn phải cực kỳ thông minh, chỉ số IQ: 140. Trong trường vẫn dùng hình phạt bằng roi vọt, sai là đánh, rèn từ lúc còn bé.



Nghĩa là sẽ dạy cho đứa trẻ đủ phẩm chất để sống tự lập, chứ không phải phụ huynh có tiền là thầy cô giáo sợ. Họ không để cho trẻ bị ám ảnh bởi thành tích, chỉ cần làm điều mình muốn.



Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ cho con hay cháu đi học các lớp như vậy vì không có lợi ích gì đối với trẻ".



Châu An


http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/truong-hoc-dua-nhau-day-tre-lam-lanh-dao-qua-vien-vong-3342542/