Link nguồn: http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=7383


Kì I: “Hội chứng thành lập Viện” và hàng loạt cán bộ PGS, TS ra đi


Trong thời gian không dài, hàng loạt Giáo sư, Tiến sĩ có trình độ, năng lực “dứt áo ra đi”, thậm chí nhiều người đang giữ chức vụ Chủ nhiệm khoa, bộ môn thẳng thắn viết đơn từ chức, mặc dù họ rất yêu nghề và không dễ gì để được làm giảng viên một mái trường danh giá như Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Hiện tượng lạ này khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao? Sự thật đó được dư luận cán bộ, giảng viên trong trường giải thích, ấy là do GS. TS Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng nhà trường độc đoán, coi thường pháp luật; còn các “bộ hạ” của ông ta thì tham mưu vô lối...


Sự kiện PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, với phụ cấp trách nhiệm 0,5 đột ngột chuyển sang làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển của trường, phụ cấp 0,3 vào ngày 29-4-2010, gây xôn xao dư luận trong trường. Ai cũng sửng sốt, bởi ông Phạm Ngọc Linh là người có phẩm chất tốt, có năng lực.


Trước khi ông Nguyễn Văn Nam được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, ông Linh đã là Phó Chủ nhiệm khoa Kế hoạch và Phát triển. Sau khi nhậm chức, đích thân ông Nam mời ông Linh về làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Do gắn bó với chuyên môn, phải sau 10 ngày suy nghĩ, ông Linh mới nhận lời, vậy mà mới gần hai năm sau ông Nam đã quay ngoắt khi hành xử với ông Linh như vậy. Việc ra quyết định cho ông Linh thôi chức và chuyển công tác khác, ông Linh không biết trước, ngay Đảng ủy cũng chỉ được thông báo vào buổi sáng, thì buổi chiều quyết định đã ban hành, trong khi đương sự cũng là Đảng ủy viên, vi phạm nghiêm trọng quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ. Để rồi, sau đó PGS.TS Phạm Ngọc Linh phải “cắn răng” về giữ chức Phó Vụ trưởng ở Ban Tuyên giáo Trung ương. Cũng ngay buổi chiều 29-4-2010, ông Nam còn công bố các quyết định: Phân công PGS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng kiêm phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ; Phân công PGS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng kiêm nhiệm phụ trách Phòng Quản trị Thiết bị.



Cổng trường Đại học Kinh tế Quốc dân.


Theo phản ánh của nhiều cán bộ trong trường: Thực chất việc điều động này chỉ là bước đệm, để ông Nam đưa người của ông ta vào nắm giữ hai phòng có “quyền sinh, quyền sát” này (Phòng Quản trị Thiết bị, với chức năng, nhiệm vụ là quản lí các khoản mục mua sắm và đầu tư...). Bằng chứng là chỉ vài hôm sau, ông Nam tổ chức họp Ban Giám hiệu và Đảng ủy biểu quyết bằng hình thức giơ tay, bổ nhiệm Thạc sĩ Nguyễn Đức Hiển giữ chức Trưởng phòng Tổ chức cán bộ; bổ nhiệm Thạc sĩ Vũ Anh Trọng giữ chức Trưởng phòng Quản trị Thiết bị.


Khi đã nắm giữ hai vị trí quan trọng là nhân sự và tiền, việc đầu tiên ông Hiển và ông Trọng thực hiện là vô hiệu hóa các Phó Hiệu trưởng, thông qua Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam. Theo đó, quy định các Phó Hiệu trưởng không được kí các vấn đề liên quan đến tài chính, trong phạm vi họ được phân công phụ trách. Đối với các công việc của nhà trường, Hiệu trưởng không bàn bạc gì với các Phó Hiệu trưởng, mà chỉ bàn bạc với “bộ hạ” của ông ta là hai trưởng phòng trên. Không chịu nổi cách làm việc vô lối này, Phó Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn đành phải ngậm ngùi dứt áo ra đi. Lập tức ông Nam đề nghị Đảng ủy thông qua để làm văn bản xin Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm Thạc sĩ Nguyễn Đức Hiển làm Phó Hiệu trưởng, song Bộ Giáo dục và Đào tạo không chấp nhận, do ông Hiển mới chỉ là Thạc sĩ.


Không những thế, ông Nam còn vô hiệu hóa Đảng ủy và các phòng ban của nhà trường. Tuy Đảng ủy có hai Phó Bí thư, năm người trong Thường vụ, song mọi việc đều do ông Hiển bàn bạc với Bí thư, rồi đưa ra lấy ý kiến Đảng ủy cho “có chuyện”. Nhiều phòng, ban của nhà trường hiện nay tồn tại chỉ là hình thức, không được làm các công việc thuộc chức năng của mình. Ngoài ông Hiển và ông Trọng, ông Nam còn cho PGS.TS Nguyễn Xuân Quang thôi giữ chức Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, để đưa ThS Cấn Anh Tuấn vào thế chỗ. Chưa hết, TS Nguyễn Quang Hồng cũng bị cho thôi giữ chức Phó Chủ nhiệm khoa Tại chức, PGS.TS Nguyễn Thị Mai phải thôi giữ chức Viện trưởng Viện Chính sách công... Ông Nam còn đơn phương kí Quyết định số 832/QĐ-ĐHKTQD-TCCB, điều động bà Nguyễn Thị Thế Anh, đang làm Trợ lí giáo vụ Khoa Kinh tế và Quản lí nguồn nhân lực, xuống làm văn thư lưu trữ tại Trạm Y tế của trường, trong khi suốt 12 năm công tác, bà Anh chưa hề có sai phạm hay bị hình thức kỉ luật nào, lại còn được cử đi học Thạc sĩ Kinh tế Chính trị, tốt nghiệp loại xuất sắc. Riêng việc này, bà Nguyễn Thị Thế Anh đã có đơn khởi kiện tại TAND quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.


Không khí trong trường ngày càng ngột ngạt, đó là lí do hàng loạt giáo viên có năng lực, tâm huyết với nghề phải giũ áo ra đi, trong đó nhiều người có học hàm, học vị cao: PGS.TS Đào Văn Hùng, PGS.TS Phạm Quý Thọ, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, PGS.TS Nguyễn Văn Định, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, TS Vũ Thiện Vương, TS Lê Trung Thành, TS Trần Thị Thanh Tú, TS Nguyễn Văn Dinh, TS Trần Thị Minh Hòa... Thậm chí có nhiều người làm đơn xin từ chức như: PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, cựu Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh; PGS.TS Nguyễn Thế Phán, cựu Phó Trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên; bà Hoàng Thị Thúy Ngọc, Chủ nhiệm bộ môn Ngoại ngữ không chuyên.


Kí quá nhiều quyết định điều chuyển cán bộ vô lối, ông Nam còn cho thành lập mới và đổi tên hàng loạt khoa, trung tâm thành Viện: Khoa Quản lí Đào tạo quốc tế thành Viện Đào tạo quốc tế, Trung tâm Ngoại ngữ thành Viện Ngoại ngữ, Trung tâm Việt Nam - Hà Lan thành Viện Chính sách công Việt Nam - Hà Lan, Trung tâm Tin học kinh tế sáp nhập bộ môn Công nghệ thông tin thành Viện Tin học kinh tế; thành lập Viện Quản lí châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, ông Nam quyết định chuyển Khoa Ngân hàng -Tài chính thành Viện Ngân hàng - Tài chính, do đích thân ông kiêm Viện trưởng. Tính chất nghiêm trọng là, việc chuyển đổi này không bàn bạc với Đảng ủy, Chi ủy, Ban Chủ nhiệm các khoa... Chưa bàn đến việc chuyển đổi và thành lập mới các Viện trên có được cơ quan quản lí Nhà nước phê duyệt không, nhưng với hình thức cho ra đời hàng loạt Viện trong một trường đại học đã là không bình thường. Hơn nữa, đích thân Hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, thì càng bộc lộ mục đích vụ lợi.


Bất ổn hơn, tại Nghị quyết số 161-NQ/ĐU ngày 19-12-2011 của Đảng ủy nhà trường khóa XXVI, về việc thành lập Viện Ngân hàng - Tài Chính, do Bí thư Đảng ủy GS.TS Nguyễn Văn Nam kí, tại mục “Tên gọi”, phần tiếng Việt ghi là: Viện Ngân hàng - Tài chính, nhưng phần tiếng Anh lại dịch là: School of Banking & Finance (trường Nghiệp vụ Ngân hàng và Tài chính), trong khi Viện phải dịch là Institute. Không hiểu sự nhầm lẫn này do trình độ hay cố ý? Về thể thức văn bản cũng không đúng. Trong khi ghi là Nghị quyết, nhưng nội dung lại như một văn bản hành chính, với những quy định rất cụ thể về vị trí pháp lí, chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy... Song, nghiêm trọng hơn, Nghị quyết này quy định: “Viện Ngân hàng - Tài chính được thành lập theo quyết định của Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân”; quy định cụ thể việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ, trong đó cử GS.TS Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng kiêm nhiệm giữ chức Viện trưởng...


Kì II: Từ mất dân chủ đến những bê bối khó bề tháo gỡ


Hoàng Kim - Sơn Hùng