Trẻ mắc tự kỷ vì lười vận động


Thứ Sáu, 3.9.2010 | 11:47 (GMT + 7)


(LĐO) - Mới đây, các chuyên gia tâm lí và tâm bệnh đưa ra nhận định, nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng tự kỷ ở trẻ là thói quen lười vận động.


TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, trường Đại học KHXH&NV cho biết mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về nguyên nhân dẫn đến tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên, các kết quả thống kê sơ bộ đều cho thấy một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng tự kỷ ở trẻ là thói quen lười vận động.


Từ lứa tuổi 1-3 tuổi và đến 18 tuổi, quá trình vận động, hoạt động ngoài trời khiến trẻ nhận biết thế giới xung quanh, hình thành các mối quan hệ xã hội, giúp trẻ sáng tạo, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, trẻ thường được bố mẹ quản lý trong nhà, chơi các đồ vật trong nhà và giao tiếp chủ yếu trong gia đình, thậm chí chủ yếu với người giúp việc khiến trẻ kém giao tiếp, chậm nói.


Theo các chuyên gia, chậm nói chỉ là một trong các dấu hiệu của tự kỷ. Qua cách quan sát con hàng ngày, có thể nhận ra bé có tự kỷ không nhờ các dấu hiệu sau: gọi không quay lại, thờ ơ với mẹ, khi cần lấy đồ vật thường lôi tay người lớn chỉ chứ không nói, xòe bàn tay nhìn, đi nhón gót, chạy vòng quanh.


Một số cháu có thể lẩn mẩn chơi với que tăm hay cái chai, cái lọ cả ngày, không thích giao tiếp. Có cháu lại có biểu hiện như: ít nói nhưng quá nghịch ngợm, hay cào, cấu, cắn, không biết sợ và lăn ra ăn vạ. Có trẻ dù đọc được cả các chữ cái, hát nhiều nhưng lại không nói chuyện được, không biết diễn đạt bằng ngôn ngữ.


Tuy nhiên, để xác định mức độ của bệnh thì cần những trắc nghiệm, khám lâm sàng từ bác sĩ. Nhưng nếu chịu khó quan sát và quan tâm đến trẻ, các bậc cha mẹ sẽ sớm phát hiện được dấu hiệu bất thường của con mình để đưa đi khám.


ThS Nguyễn Hồng Thúy, khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trẻ tự kỷ cần sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn từ gia đình. Trước khi đưa cháu đi điều trị, cần đưa cháu đến trường mẫu giáo để hòa nhập trong thời gian 1-2 tháng. Ở nhà, cha mẹ cần giao tiếp với con nhiều hơn. Nhìn thẳng vào mắt trẻ và trò chuyện, gọi tên con thường xuyên là cách chăm sóc cũng như điều trị tốt.


Nếu trẻ có yêu cầu gì mà chỉ ra hiệu, không nói thì nhất quyết không đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, nếu bé chỉ tay ra đường đòi đi chơi, cần dạy con nói “đi” thì mới được đi. Nếu cháu nói được thì cần có lời ngợi khen. Kiên nhẫn, trò chuyện với con nhiều hơn là một trong những cách để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng.


Trẻ em vui chơi tại Ngày hội trẻ thơ 1.6.2010. Ảnh: Hải Nguyễn


Cách tốt nhất để phòng bệnh tự kỷ ở trẻ là cho trẻ tham gia các trò chơi vận động, tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời để trẻ phát triển khả năng tư duy, giao tiếp. Ngoài ra, thông qua các trò chơi vận động, trẻ sẽ biết chia sẻ, đặc biệt là hình thành những kỹ năng sống. Nên cho trẻ tham gia những trò chơi có tính chất "động" sẽ kích thích trẻ kết hợp nhiều động tác khác nhau như: đi, chạy, nhảy, ném... giúp trẻ năng động, thích giao lưu, tăng sự sáng tạo của trẻ.



Theo thống kê của Bệnh viện Nhi TW, những năm 80 tỷ lệ trẻ tự kỷ là 3-4/10.000 em; những năm 90 là 15/10.000 em. Nhưng những năm gần đây tỷ lệ này là 65/10.000 em, tức là cứ 150 em thì có một em mắc bệnh tự kỷ từ nhẹ đến nặng. Hiện nay, mỗi ngày có từ 5-10 trẻ bị tự kỷ đến khám tại Bệnh viện Nhi TW.


Việt Lâm


http://www.laodong.com.vn/Tin-Tuc/Tre-mac-tu-ky-vi-luoi-van-dong/11695