Đây là bài báo về các bệnh nhân nhi trong khoa ung buou BV Nhi Thuỵ Điển


Trẻ em bị ung thư- những câu chuyện rất buồn


Bước chân vào Khoa Ung bướu, bệnh viện Nhi Trung ương, người ta bắt gặp những em bé đầu trọc lốc như "sọ dừa". Đó là các cháu bé bị ung thư đang được xạ trị hoặc truyền hóa chất nên tóc không mọc được. Có bé vẫn đi lại cười đùa hồn nhiên như nhiều trẻ khác, nhưng cũng có bé trông rất mệt mỏi, chậm chạp- tùy vào diễn tiến bệnh tật và thể trạng của bé.


"Cứ vài tháng phải vào viện một lần, cháu rất buồn"


Buổi sáng hôm đó, chúng tôi chứng kiến một người đàn ông chạy từ phòng bệnh nhân về phía bác sĩ trực. Mặt anh ta đầy vẻ đau khổ, bất lực. Anh nấc lên: "Bác sĩ làm thế nào đi chứ! Con tôi chết mất!... Trời ơi! Máu cứ chảy mãi không dứt...". Người cha tội nghiệp ôm mặt đau khổ nấc lên từng hồi khiến cho mọi người đang đứng đó chợt thấy thắt ruột vì đồng cảm với anh.


Tai họa không báo trước


Trước khi đến Khoa Ung bướu, tôi không ngờ lại có nhiều bệnh nhi đến vậy. Thạc sĩ Bùi Ngọc Lan- chuyên khoa máu nói với tôi: Tại Khoa thường xuyên có trên dưới 60 cháu bé nằm điều trị nội trú. Thực tế con số trẻ bị bệnh còn lớn hơn nhiều so với số đang được điều trị trong bệnh viện.


Đầu tháng 9, chúng tôi vào Bệnh viện và gặp bé Nguyễn Vũ Thanh Hương (7 tuổi). Đó là một cô bé dễ thương. Trông đôi má bầu bĩnh, đôi mắt to thông minh và hai bím tóc dài, chẳng ai nghĩ rằng bé đang bị bệnh. Chị Vũ Thị Cẩm Giang, mẹ cháu Hương kể: Lúc đầu, cháu bị nổi mụn nước như phỏng rạ, đi khám da liễu, bác sĩ nói là bị Viêm da tụ cầu và cho thuốc bôi. Sau hai tuần cháu khỏi bệnh vài ngày rồi lại tái phát. Cùng thời gian đó, chị Giang thấy con bị những vết bầm tím dưới da, chị nghĩ đơn giản là do cháu bị va đập vào đâu đó khi chạy nhảy chơi đùa... Chỉ đến khi phát hiện những vết bầm này khá nhiều, chị mới đến hỏi các bác sĩ ở Bệnh viện Bưu điện, nơi chị làm y tá. Sau đó, chị mang con đi thử máu và nhận được kết quả: bé bị bệnh bạch cầu cấp (ung thư máu). Chị mang cháu vào Khoa Ung bướu của Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. 3 năm trước đây, chồng chị Giang- một bác sĩ Viện vệ sinh dịch tễ, qua đời ở tuổi 36, để lại cho chị 2 đứa con thơ dại. Một mình gắng gượng nuôi con, chị không thể ngờ rằng một ngày kia tai họa lại giáng xuống đầu gia đình nhỏ của chị.


Hai tháng trời không gặp, đầu tháng 11 chúng tôi liên lạc lại với chị Giang và thật buồn khi biết cuối tháng 9, bé Hương bị sốt rồi hôn mê cho tới tận bây giờ chưa tỉnh lại. Cháu hiện nằm ở phòng cấp cứu Bệnh viện Bưu điện...


Có khá nhiều cháu bé còn đang được ẵm ngửa, vậy mà cũng đã mắc những khối u gan, u thận hoặc ung thư máu. Bé Vũ Ngọc Mạnh bị u gan, con chị Trần Thị Hằng ở Thái Bình là một trường hợp như vậy. "Em phát hiện ra cháu bị u từ khi cháu được 7 tháng. Em sờ bụng cháu thấy nó khô khô...". Chị Hằng chỉ kể được hai câu, rồi nước mắt rơi lã chã vì tủi phận. Kể từ đó đến nay, gần một năm trời cha mẹ bỏ ruộng lên trông cháu trong viện. Các bé dưới 6 tuổi được miễn viện phí, nhưng với một gia đình ở nông thôn chỉ trông vào vài sào lúa làm thu nhập chính, thì việc lên thành phố, vào viện chăm sóc con, không còn nguồn thu thì chi phí cuộc sống và nuôi dưỡng cháu cũng không biết trông vào đâu...


Cháu còn rất nhỏ, vậy mà đã bị ung thư


Bé Hà Ngọc Hải ở Hải Phòng, 38 tháng tuổi, bị u thận. Bé là con đầu lòng của chị Phạm Thị Vân. Bé được phát hiện ra bệnh cách đây gần 2 năm. Đầu tiên gia đình thấy bé có cái bụng hơi to, bất thường. Tuy nhiên cũng không thấy bé khó chịu gì, nên lúc đầu chỉ tưởng là cháu bị đầy bụng do tiêu hóa kém...


Thời gian đầu, mỗi đợt đi chữa bệnh chi phí hết từ 1 đến 2 triệu- cũng là khoản tiền đáng kể đối một gia đình ở nông thôn như nhà chị Vân. Con thì bé, lại thấy cháu ốm đau nhiều lúc thật đau xót. Chị Vân kể, lúc 16 tháng cháu đã trải qua một cuộc phẫu thuật. Vợ chồng chị còn nước còn tát, hy vọng cháu sẽ ngày một khá hơn. Cũng như tất cả những người mẹ có con bị ung thư mà chúng tôi gặp trong khoa Ung bướu, chị Vân cũng chỉ nói được vài câu bình tĩnh rồi khóc nghẹn ngào bật khóc làm cháu bé chị bế trên tay cũng khóc theo.


Nếu phát hiện sớm, sẽ có tiên lượng tốt


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ung Bướu cho biết, những năm gần đây, trong khi số trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng có xu hướng giảm thì số bệnh nhi ung thư lại tăng lên. Về nguyên nhân số trẻ bị ung thư có chiều hướng gia tăng thì vẫn chưa có được một nghiên cứu cụ thể, nhưng các chuyên gia cho rằng, ô nhiễm môi trường, việc sử dụng tùy tiện các hóa chất cũng là một trong các nguyên nhân.


Tuy vậy, đối với ung thư ở trẻ em, nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì khả năng các cháu sống sót và khỏi bệnh khá cao. Thực tế cũng có nhiều bệnh nhi đã được chữa khỏi ở Khoa Ung Bướu- Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng điều đáng buồn là ở Việt Nam phần lớn các trường hợp bệnh nhân không được phát hiện sớm nên tỷ lệ chữa khỏi bệnh thấp. Rất ít người quan tâm hiểu biết về triệu chứng của các bệnh ung thư ở trẻ em, nên khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở con mình, hầu như chẳng có cha mẹ nào nghĩ đến căn bệnh này.


Trẻ em thường mắc các bệnh bệnh bạch cầu cấp, bướu não, ung thư hạch (lymphôm), bướu nguyên bào võng mạc mắt, bướu nguyên bào thần kinh, sarcôm phần mềm, bướu gan, bướu buồng trứng… So với bệnh ung thư ở người lớn (thường gặp là ung thư phổi, gan, cổ tử cung, bao tử, đại trực tràng, vú, họng-miệng, da, buồng trứng, tuyến giáp, hạch…) thì bệnh ung thư ở trẻ em khác hẳn. Vì vậy các triệu chứng và xử lý cũng khác nhau. Theo các bác sĩ, trẻ bị ung thư thường có một số triệu chứng như: có khuynh hướng bầm hay chảy máu dưới da, xanh xao và mệt mỏi vô cớ (ung thư máu), có khối u hay một chỗ sưng bất thường ở bất kỳ vị trí nào như cổ, chung quanh mắt, vùng tai, đầu gối... (ung thư hạch, sarcom phần mềm), đau xương khớp kéo dài (u xương), nhức đầu tái đi tái lại, kèm nôn mửa, buồn nôn vào buổi sáng (u não), có đốm trắng ở tròng đen mắt (u nguyên bào võng mạc), sụt cân, sờ thấy cục to trong bụng (u ở ổ bụng)... Các bậc cha mẹ cần phải có kiến thức về lĩnh vực này để phát hiện sớm và đưa con đi chữa kịp thời nếu không may con mình bị mắc bệnh.


Quỹ hỗ trợ trẻ em ung thư, tại sao không?


Thạc sĩ Bùi Ngọc Lan cho biết: Hiện theo chỉ tiêu khoa có 25 giường bệnh, nhưng thường xuyên bị quá tải bởi số bệnh nhân thường xuyên có khoảng 50-60 cháu. Trong số này, khoảng 2/3 mắc phải bệnh ung thư máu, còn lại là các chứng ung thư khác. Theo thống kê của bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2004 bệnh viện đã khám, điều trị hơn 1700 bệnh nhi bị ung thư các loại, ở độ tuổi từ 3 đến 15, trong đó đông nhất là số trẻ bị bệnh bạch cầu cấp.


Chị Ngọc Lan xót xa khi nói với phóng viên rằng, mỗi tháng có tới 100-150 em bé tới khám bệnh, và chỉ có chừng 10% được nằm lại điều trị bởi đa số trẻ đều không được phát hiện kịp thời và chỉ được đưa tới bệnh viện khi đã quá muộn.


Trẻ em, sức chịu đựng kém nên khi truyền hoá chất vào người rất hay bị lở loét mồm miệng, chảy máu, nhiễm trùng, nhiễm độc thuốc... Trong khi các bệnh viện hiện tại quá thiếu những trang thiết bị hỗ trợ cho việc chẩn đoán sớm bệnh ung thư. Muốn trị bệnh phải có những thiết bị chụp cộng hưởng từ, kết hợp phóng xạ, xét nghiệm sớm để phát hiện những khối u kích cỡ nhỏ. Đồng thời khi điều trị cũng đang rất thiếu những dụng cụ như tiêm máy để truyền hoá chất, nên hiện giờ các y tá vẫn phải tiêm truyền hóa chất cho các cháu bệnh nhân bằng tay.


Trẻ dưới 6 tuổi được miễn viện phí, đa số trẻ lớn hơn thì chữa bệnh nhờ vào bảo hiểm y tế... Những hóa chất không có trong danh mục thì gia đình các cháu phải mua. Gia đình nào có người ốm, lại phải cứu chữa rất dài kỳ như bệnh ung thư, đều trở nên nghèo túng. Nhất là những gia đình ở nông thôn, thu nhập thấp, khi con ốm phải có người đưa con lên thành phố chữa bệnh, thiếu đi người làm mà chi phí đi lại, ăn ở cũng tốn kém. Đa số bệnh nhân rất nghèo, nghèo đến nỗi có bé phải ăn mì tôm trong khi nằm bệnh viện!


Nói chuyện thì không sao, nhưng cứ hỏi đến con là khóc


"Giá như có một Quỹ ủng hộ bệnh nhi ung thư thì tốt biết mấy!"- Thạc sĩ Bùi Ngọc Lan ước ao. Thực tế cũng đã có một vài trường hợp bệnh nhi được cứu sống nhờ bệnh viện đề nghị báo chí kêu gọi từ thiện: ủng hộ cho các cháu về vật chất, hiến máu để "thay máu" cho những trường hợp bị bạch cầu cấp, rồi động viên cha mẹ các cháu về tinh thần... Sự chia sẻ về tinh thần cũng có ý nghĩa rất lớn, như trong câu chuyện mà hẳn mọi người chưa quên về trang web www.ungthu.net...


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm cũng đồng ý như vậy. Nếu có một tổ chức nào đó đứng ra thành lập Quỹ ủng hộ bệnh nhi ung thư, sẽ huy động được sự quan tâm của mọi người, nhằm phát hiện sớm bệnh để tăng cơ may cứu chữa cho các bệnh nhân trẻ em, giúp đỡ những trẻ nghèo và nhờ đó sẽ có thêm nhiều bệnh nhi được cứu sống./.


Nguyễn Hoa- Phạm Hòa


http://www.vov.org.vn/2005_11_12/vietnamese/xahoi1.htm#7