Việc phòng và kiểm soát tình trạng trẻ béo phì rất quan trọng bởi giống như người trưởng thành, trẻ thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, các vấn đề về xương… Có tới 30% trẻ béo phì bị tăng huyết áp.




Hãy kiểm soát dinh dưỡng của trẻ



Nhận biết


Có nhiều cách nhận biết trẻ béo phì như luôn ăn hết phần và đòi ăn thêm, thích những món ngọt béo, không chịu ăn rau, ăn tối muộn, tăng cân nhiều mỗi tháng. Trẻ trên 1 tuổi thường tăng trung bình mỗi tháng khoảng 200 – 300g. Nếu tăng trên 0,5 kg/tháng và giữ mức này liên tục thì nguy cơ béo phì rất cao. Những dấu hiệu này nếu xảy ra trong thời gian ngắn và liên tục thì bệnh béo phì đã đến gần.



Đây là căn bệnh nguy hiểm phát sinh ra nhiều loại bệnh nan y, đặc biệt là bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, ung thư khi trưởng thành. Cách tốt nhất để đánh giá được trọng lượng của trẻ là tới bác sĩ để đo chiều cao và cân nặng. Đừng để việc phát hiện tình trạng thừa cân của trẻ khi đã muộn bởi lúc đó, trẻ đã có nguy cơ mắc các bệnh lý.



Những nguyên nhân phổ biến là lười vận động, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh. Ngày nay trẻ nhỏ thiếu không gian để vui đùa, chạy nhảy tiêu hao năng lượng mà thay vào đó là những thói quen ngồi một chỗ như xem tivi, chơi game... Chỉ một vài trường hợp ngoại lệ là do ảnh hưởng của nội tiết tố gây ra béo phì.



Một điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy: Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở ta lên đến 5,6%. Tỷ lệ này ở các thành thị là 6,5% và đã có xu hướng tăng rõ rệt. Trẻ em có cha mẹ thừa cân bị tăng nguy cơ béo phì do ảnh hưởng từ gia đình như ăn uống, thói quen sinh hoạt.



Phải hành động ngay



Như đã nói, khẩu phần ăn dư thừa năng lượng và thiếu hoạt động thể lực là các nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ thừa cân.



Giúp trẻ giảm cân không phải chỉ tuân theo những bài tập, chế độ ăn uống kiêng khem một cách cứng nhắc, mà cái chính là giúp trẻ có cuộc sống tốt và phát triển khỏe mạnh. Hạn chế ngồi xem ti vi, chơi điện tử và thức quá khuya. Chơi thể thao với trẻ, giúp trẻ thêm năng động và cha mẹ phải gương mẫu luyện tập để trẻ cảm nhận được niềm vui rèn luyện. Cả gia đình có thể cùng tham gia như đi bộ, xe đạp, bơi lội. Những bài tập phải thật thoải mái, kiên trì nhưng không gây áp lực với trẻ.



Tại hội nghị "Béo phì: Tiếp cận từ khía cạnh lâm sàng và cộng đồng” diễn ra đầu tháng 8 này, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP HCM bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết: Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở các TP lớn đáng báo động khi lên đến 29%, nghĩa là cứ 3 em nhỏ thì có một bé thừa cân.



Đừng bắt con tuân theo một chế độ ăn kiêng, thay vào đó hãy bắt đầu bằng những lựa chọn thông minh cả nhà cùng thực hiện như xây dựng cho được những bữa ăn lành mạnh, khoa học. Cân đối thực phẩm gồm đủ 4 nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ, vitamin, khoáng chất trong các bữa ăn chính và phụ trong ngày. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị: Với trẻ cần 30% năng lượng cho bữa sáng, 35% năng lượng cho bữa trưa, 25% năng lượng cho bữa tối và 10% năng lượng cho bữa phụ. Hạn chế cho trẻ ăn vặt. Hạn chế thời gian nằm của trẻ.



Hãy kịp thời khen ngợi những nỗ lực giảm cân của con và giúp con khám phá ra lối sống lành mạnh hơn. Chú ý đến hành vi, thói quen ăn uống, tập luyện và kiểm soát cân nặng của trẻ thường xuyên để phòng cho trẻ tránh bệnh béo phì và hệ lụy nghiêm trọng mà béo phì gây ra. "Ăn uống theo đúng nhu cầu dinh dưỡng thì trẻ mới phát triển tốt cả thể lực và trí tuệ, giúp gia đình đạt được ước mơ con cái khỏe mạnh, thông minh, học giỏi, tạo nguồn nhân lực có chất lượng, bảo tồn tinh hoa nòi giống, xã hội phát triển” - Giáo sư, bác sĩ Từ Giấy nói.



Thủy Hòa




Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67724&menu=1425&style=1