Trong vụ tai nạn của hãng Asiana Airlines tại Mỹ, nhiều người Trung Quốc mổ xẻ chuyện đồng hương của họ quên nguy hiểm của bản thân và người khác để cứu lấy của cải. Nhiều người trên mạng xã hội còn phàn nàn về các hành khách không đọc chú ý đến những hướng dẫn an toàn bằng lời của phi hành đoàn.



Nhiều người sơ tán khỏi máy bay đang bốc cháy vẫn cố vác hành lý trong vụ tai nạn xảy ra ngày 6.7 tại sân bay San Francisco (Mỹ).


Theo JoongAng Daily, một tờ báo của Hàn Quốc, hãng hàng không khẳng định nhân viên của họ đã giúp các hành khách ra khỏi máy bay một cách an toàn nhất. Và một trong những nguyên tắc của Cục Hàng không Liên bang Mỹ trong quá trình sơ tán đó là: bỏ lại hành lý. Tuy nhiên, nhiều hành khách Trung Quốc không chấp hành nguyên tắc đó.



Một bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh một vài hành khách Trung Quốc, trong đó có một phụ nữ đứng tuổi đi ra khỏi đống đổ nát đang bốc khói với chiếc vali đen và túi trắng khệ nệ trên tay.



Bức ảnh nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán của cư dân mạng. Một người có nick là MeganZhong nói trên trang Weibo, mạng xã hội Trung Quốc, rằng: “Tôi thực sự thất vọng vì những hành khách này xem hành lý quan trọng hơn tính mạng của những người khác. Họ còn có thời gian để đưa tin lên mạng xã hội trước khi cứu giúp những người bị thương”.



Một cá nhân khác có nick là Victory of Xiangzi viết trên trang cá nhân: “Người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ, không hiểu vì sao ở Trung Quốc, mạng người lại rẻ hơn tiền”. Nhiều lời chỉ trích khác tràn lan trên mạng xã hội Trung Quốc.



Trước làn sóng dư luận trên, một số hành khách phản bác rằng, hộ chiếu là vật dụng hết sức quan trọng. Một trong những hành khách đó là ông Xu Da, Giám đốc phát triển sản phẩm của Taobao, đơn vị kinh doanh trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.



Ông Xu Da viết trên trang cá nhân: “Một số người chỉ trích tôi cố mang hành lý theo và làm cản trở quá trình giải cứu những người khác, tôi phải lên tiếng. Thứ nhất, gia đình tôi (3 người) ngồi cùng hàng, túi hành lý của chúng tôi ngay trên đầu, chúng tôi không đứng ra ngoài lối đi để lấy đồ. Thứ 2, hộ chiếu, tiền… tôi đều để trong túi hành lý. Tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không mang theo chúng. Thứ 3, mọi người đang nhìn về phía cabin tại thời điểm đó và thực sự lúc đó không quá hỗn loạn. Không có ai ở phía sau chúng tôi”.



Lời giải thích của ông Xu Da khiến ông bị “ném đá” nhiều hơn. Một cá nhân khác có tên Olivia Yi bày tỏ ý kiến: “Ông có phải là kẻ ngu ngốc không? Lấy hành lý khi đang sơ tán, thật thiếu hiểu biết và ích kỷ! Ông có biết là hành động tưởng như phù hợp với ông có thể dẫn tới cái chết của người khác. Đề nghị hãy đọc chú ý an toàn cẩn thận trong lần bay sau! Của cải của ông quan trọng với ông nhưng không thể quan trọng bằng mạng sống của những người khác”.



Một công dân Trung Quốc có nickname Happy Beyond the Cloud, người tự xưng là một phi công, đưa ra ý kiến riêng: “Một phi hành đoàn từ hãng American Airlines phàn nàn với tôi rằng rất nhiều người Trung Quốc khi đi máy bay không đeo dây an toàn hoặc đổi chỗ ngồi khi máy bay đang hạ cánh. Họ còn để những túi hành lý quá trọng lượng ngay trên đầu. Một vài chuyến bay còn thông báo đi thông báo lại bằng tiếng Trung Quốc rằng nếu hành khách nào không hợp tác với phi hành đoàn sẽ phải chịu mức phạt lên tới 1.500 USD. Không hiểu sao họ không nhận thức rằng hành động của họ có thể giết họ trong những tình huống hạ cánh khẩn cấp”.



Tuy nhiên, cũng có một số người lên tiếng bảo vệ hành động trên của các đồng hương trên chiếc Boeing 777.



Người có nickname Jiqiongqiong lập luận: “Vồ lấy túi là phản xạ mang tính bản năng. Tuy nhiên, người Trung Quốc luôn ghi nhớ rằng mạng người quan trọng hơn của cải”.



Về vấn đề này, ông Tom Ballantyne, chủ biên tạp chí hàng không Orient Aviation nói: “Việc chộp lấy đồ đạc khi xảy ra tai nạn máy bay là một phản ứng tự nhiên nhưng rõ ràng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như đeo giày cao gót trượt chân hoặc túi hành lý chặn đường người đi phía sau. Thành viên phi hành được được đào tạo bài bản trong việc giải cứu hành khách, thậm chí ra lệnh cho họ trong những tình huống cần thiết. Để có thể làm việc trong các chuyến bay, họ phải thể hiện được khả năng sơ tán hành khách trong vòng 95 giây. Vấn đề ở đây là hành khách lờ đi những hướng dẫn an toàn. Nếu chúng ta không chấp hành, chúng ta có thể gặp nguy hiểm”.



Theo Infonet


http://laodong.com.vn/The-gioi/Tranh-cai-quanh-hanh-xu-cua-nguoi-Trung-Quoc-trong-vu-Boeing-chay/126982.bld