Sáng nay đỉnh nước lớn tại TP HCM cán ngưỡng 1,53 m, khiến nhiều người dân Sài Gòn lo ngại cho đợt triều cường kế tiếp xảy ra vào đúng Tết nguyên đán.



Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đợt triều cường giữa tháng 1 sẽ kéo dài cho đến 20 Tết, tức là ngày 15/1. Đỉnh triều cao 1,53 mét cũng được xem là hung hãn hơn cuối năm trước gần 10 cm, tuy chưa bằng mức triều lịch sử năm 2008.


Trao đổi với VnExpress.net về hiện tượng triều cường cuối năm dâng cao hơn cuối năm trước, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết, ngoài chu kỳ lên xuống tự nhiên, đợt triều cường cuối năm nay còn do tác động của các đợt gió mùa đông bắc thổi mạnh liên tục trong 5-6 ngày liền.


Theo bà Lan, cứ gió càng mạnh và thổi liên tục trong nhiều ngày thì nước sẽ dâng cao hơn do bị gió thổi dồn từ biển vào các cửa sông. Dự kiến từ nay đến Tết Kỷ Sửu, nhiều đợt gió mùa đông bắc vẫn có thể vẫn tràn về phía Nam. Thủy triều do đó nhiều khả năng lên cao ngay trong những ngày tết.


Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TP HCM cũng cảnh báo, từ nay đến Tết Kỷ Sửu, các đợt không khí lạnh tăng cường xuất hiện có hướng di chuyển xuống phía Nam gây ra gió mùa đông bắc mạnh, khiến nước triều tăng cao.


Để người dân không bị ảnh hưởng bởi triều cường trong dịp Tết, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, yêu cầu các địa phương thường bị triều cường tấn công như: quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, cần tập trung kiểm tra các khu vực xung yếu, trọng điểm.




Hẻm 3065 được nâng cao 1 mét cách đây 8 tháng, lại tiếp tục


bị ngập sâu 40 cm trong đợt triều sáng nay. Ảnh: Thiên Chương.



Nhìn mực nước rằm tháng Chạp lên cao, lòng người dân ngụ tại các địa phương thường xuyên bị triều cường đe dọa cứ nơm nớp lo âu.
"Năm nào cũng vậy, cứ triều cường giáp Tết cao thì ba ngày xuân chúng tôi phải lội nước. Năm nay, nước còn cao hơn năm trước, Tết này chắc phải về quê để trốn", ông Lê Lập, phường 7, quận 8, trỏ nền nhà vừa được nâng thêm nửa mét cách đây một năm, hiện đã chìm trong nước, nói.


Không riêng gì ông Lập, nhiều người dân ngụ tại quận 6, quận 8, Bình Thạnh và nhất là hàng trăm hộ dân khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức - nơi vừa chịu trận vỡ đê hôm 10/1 do triều cường, cũng sống trong lo âu.


"Từ nhiều năm nay, chúng tôi chưa từng được đón Tết trong khô ráo, cứ bước chân ra ngõ là gặp nước. Đi chợ trong nước, chúc tết nhau cũng phải lội nước. Năm ngoái, mới sáng mồng một Tết cả nhà đã phải thay nhau tát nước, năm nay nhìn triều cuối năm quá cao, chúng tôi lo lắm", chị Huỳnh Thị Tuyết, nhà ở phường 6, quận 8, nói.


Phơi mớ bàn ghế, sách vở ướt sũng vì trận nước tràn do vỡ đê hôm 10/1, ông hai Nhất, nhà ở Hiệp Bình Phước, cho biết, theo kinh nghiệm của ông, đợt triều rơi vào đầu tháng Giêng có thể không cao bằng giữa tháng Chạp, tuy nhiên cũng theo ông, mực nước triều năm nay hoàn toàn khác thường.


"Chưa bao giờ con nước lại cao như vậy. Tôi cảm tưởng như cứ mỗi năm nước lại cao hơn một tấc, đợt triều đầu tháng năm nay thậm chí còn cao hơn đỉnh triều giữa tháng của các năm trước", ông Nhất nói.


Gần nhà ông Nhất, nhiều người đã nghĩ đến chuyện về nhà bà con ở quận khác trong thành phố để đón Tết vì lo ngại triều cường. Một số hộ dân sống ven kênh rạch trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6; khu vực cầu Băng Ky, quận Bình Thạnh; Phạm Thế Hiển (quận 8)... không có người thân đành phải dành những ngày cuối năm cho việc nâng sửa nền nhà.



Nguồn: http://www.quehuongoi.vn/CuocSongConNguoiMoiChiTiet.aspx?id_news=3988&id_news_type=6