Bác ơi "Tôi đi đẻ" của bác nè ...


http://www5.dantri.com.vn/tinhyeu-gioitinh/2007/7/188530.vip


Tôi đi… đẻ




Tôi đi đẻ theo yêu cầu của bác sĩ. Bác sĩ chỉ định cho đẻ mổ vì lần đầu sinh con tôi cũng đã bị mổ rồi. Bác sĩ nói: “Tử cung em nó giống cái ruột xe đạp, đã vá ép một lần rồi, lần 2 đừng cố đẻ thường làm gì, nguy hiểm lắm”, ví dụ rất ấn tượng nên tôi gật đầu cái rụp, vâng dạ rối rít.


Cùng với tôi hôm đó chỉ có 2-3 bà bầu, cũng là đẻ mổ chứ chưa biết đến cơn đau đẻ là gì. Sau khi xét nghiệm và làm thủ tục thì tôi “lên thớt” (nằm lên bàn trong phòng mổ) chờ gây tê. Một bác sĩ nam tiến vào chuẩn bị gây tê cho tôi, bác hỏi:


- Lần trước cũng đẻ mổ ở đây à?


- Vâng ạ, 3 năm về trước ạ.


- Thế hồi đó ai gây tê cho?


- Em có biết đâu ạ, bác nào cũng đeo khẩu trang như ninja, em còn không biết mặt bác nào với bác nào nữa là …


- Thế hồi đó gây tê có nhanh không?


- Hơ, em bị lụi 2-3 nhát đau lắm rồi mới tiêm đúng chỗ đấy ạ.


- Ái chà, chắc bác sĩ trẻ nào rồi, chứ tôi thì không có chuyện đó đâu.


- Vâng, em cũng hy vọng vậy, mà nếu gặp lại bác kia em cũng không sợ vì 3 năm rồi tay nghề phải khá hơn chứ!


Bác sĩ này cười hì hì rồi tiêm cho tôi đúng 1 nhát, êm ái và chính xác, sau đó chân tôi tê rần và từ bụng trở xuống chẳng có cảm giác gì nữa.


Truyền hình trực tiếp trong phòng mổ


Hồi đi đẻ lần đầu, tôi cứ lăn tăn cái khoảng “tê” vì thắc mắc làm sao bác sĩ biết mình tê đủ để mổ, lỡ chưa “tê” hẳn mà đã “bị thịt” thì chắc đau lắm. Đúng là lo vớ lo vẩn, sau khi thấy chân tê, bác sĩ yêu cầu tôi nhấc thử chân lên xem có điều khiển được không, và hình như ai đó còn nhéo vào chân tôi nữa thì phải. Sau khi thấy tôi lắc đầu bảo không nhấc được và không thấy đau hoặc cảm giác gì thì họ bắt đầu căng một tấm vải to ngang ngực tôi để che không cho thấy phía dưới (không che tôi cũng chẳng dám nhìn, ghê chết!).


Lúc này bác sĩ mổ chính bắt đầu bước vào, tôi biết giờ G đã điểm. Bác sĩ mổ chính bắt tay vào làm việc ngay, tiếng dao kéo lạch xạch, tiếng nói chuyện rù rì vẳng lên từ phía dưới làm tôi hết sức tò mò, không biết họ có bình loạn gì về cái “bó – đì” bèo nhèo của mình không (body: thân hình).


Vểnh tai lên nghe kỹ thì té ra không phải, họ đang bàn về chuyện đi ăn đám cưới một người đồng nghiệp! Yên tâm rồi, bác sĩ coi mình như heo gà bò lợn ấy mà, thôi kiếm chuyện khác giết thời gian vậy…


Vì tầm nhìn bị hạn chế, tôi bắt đầu loay hoay quay đầu tứ phía để quan sát: Trong góc phòng mổ là một cái tủ đầy thuốc, xung quanh có một số máy móc, phòng khá lạnh mà lại đang “xếch xi 100%” nên tự nhiên tôi muốn… ách xì. Làm sao bây giờ, lỡ bụng mình nảy lên làm lệch đường dao của bác sĩ thì… Mà nhịn không được, mũi ngứa ran lên rồi.


- Bác sĩ ơi, dừng tay cho em aaaa… ách xì một cái.


- Được rồi, cứ ách xì đi, không sao đâu


- Aaa… ách xì! Hừ đã quá!


Quan sát tiếp cái phòng mổ, bên kia cửa kính hình như là phòng làm vệ sinh và cân em bé sau khi sinh. Đúng rồi, vậy là mình sẽ được xem con mình từ đây trở đi, thích quá!


Chiếu tia mắt qua bên trái cái cửa kính rộng này, tôi giật thót người: “Cảnh người ta đang mổ tôi phản chiếu trên kính! Trời, ghê thật. Máu me tùm lum trên vải phủ và trên tay bác sĩ, một người đưa và giữ các dụng cụ cho bác sĩ mổ chính, một người khác 2 tay cầm 2 miếng gạc to như đồ bôi bảng chầm chậm thấm máu từ vết mổ chảy ra. Và … con tôi kìa! Bác sĩ lôi nó từ trong bụng tôi ra, người nó trắng toát với một lớp sáp, bụng nó còn dính liền sợi dây rốn to như sợi dây thừng cỡ bự (tôi đâu có dè cái sợi dây rốn nó to dữ vậy). Bé con cất tiếng khóc oe oe liền ngay tại chỗ. Cảm giác thật khó tả, tôi hỏi dồn dập:


- Con em khỏe không bác sĩ? Nó có bình thường không bác sĩ?


- Bé khỏe, yên tâm, người ngợm bình thường, con trai, chim chóc đầy đủ!


Thoắt một cái, con tôi xuất hiện ở bên kia cửa kính rồi. Nó khua chân múa tay loạn xị như đang đánh võ trong khi cô nữ hộ lý loay hoay thao tác các việc làm vệ sinh. Nếu bé nào cũng giãy dụa kiểu này thì tôi nghi ngờ cái chiều dài của bé mà người ta đo được khi sinh lắm, làm sao mà đo cho chính xác được?


Nữ hộ lý đang luồn 1 cái dây, không, cái sợi, à không, cái ống hả, dài thật là dài để thông đờm trong cổ họng con tôi. Có đau không con? Ráng đi nhé, một chút nữa là con sẽ được ra gặp mẹ rồi, thương con lắm!


Trong tích tắc, bé con được gói vào khăn và đưa ra cho tôi xem mặt. Ái chà, trắng trẻo nhỉ, mà lại cũng nín khóc rồi, mắt không to bằng anh hai rồi cưng ơi, mũi thì cao đấy, môi dưới hơi bĩu ra … Hai mẹ con lạ lẫm nhìn nhau (mình nhìn nó thì đúng hơn) rồi cô hộ lý đem bé đi luôn. Tôi biết, từ kinh nghiệm lần trước, bé phải lên phòng dưỡng sinh khoảng 1 ngày rồi mới trả về phòng cho mẹ. Tạm biệt con, mẹ con ta sẽ sớm gặp lại nhau.


Làm ơn kiểm tra vật dụng khi “check out”!


Lâu nay vốn vẫn ám ảnh vấn đề các bác sĩ hay bỏ quên kéo, kẹp, gạc… trong người bệnh nhân “gây hậu quả nghiêm trọng” nên kỳ này tôi rắp tâm phải … nhắc bác sĩ khi ông ấy khâu vết mổ.


Đã định bụng là phải nhắc, thậm chí nếu bị đánh thuốc mê cũng phải ráng viết lên bụng mình câu : “Làm ơn kiểm tra lại vật dụng trước khi check-out” (check-out : từ dùng để chỉ việc trả phòng khách sạn) nhưng lúc nằm trên bàn mổ thì lại ngại. ngại bác sĩ tự ái, ngại bác sĩ cho là mình tài lanh v.v. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi hít một hơi lấy can đảm và thẽ thọt:


- Bác sĩ ơi, đừng để quên cái gì trong bụng em nhé.


- Ủa, sao em lại nói vậy?


- Dạ, tại vì gần đây em thấy các bác hay quên lắm ạ, báo chí đăng mấy lần rồi.


- Ừ, hình như tôi không quên cái gì, nhưng nghe em nhắc thì tay tôi lại táy máy muốn bỏ lại một cái gì đó.


- !?!?!


Sợ bác sĩ giận nên tôi im thin thít, không dám nói gì nữa...