Tình trạng nâng giá xe của Honda Việt Nam chưa đến hồi kết:


Có thể khởi kiện Cty Honda Việt Nam?



20/04/2009
10:19 (GMT +7)


http://tintuconline.com.vn/vn/xahoi/218047/index.html


Mặc dù đã có sự “nhắc nhở” từ cục Quản lý cạnh tr
anh
(Bộ Công thương) nhưng hai sản phẩm của Cty Honda Việt Nam là Air Blade và Lead vẫn đang bán với giá cao hơn hoá đơn từ 4 – 6 triệu đồng/chiếc. Sự việc cho thấy sự coi thường pháp luật của Cty Honda Việt Nam và các Head...


Lỗi không chỉ thuộc về các HEAD!


Tại buổi họp báo, giới thiệu xe Lead cuối tháng 12/2008, Tổng giám đốc Honda Việt Nam đã thông báo, mẫu xe Air Blade khan hiếm do sản xuất không kịp so với nhu cầu. Để khắc phục vấn đề này, tháng 8/2008, Honda đã đưa nhà máy lắp ráp
xe máy
thứ 2 vào hoạt động. Chủ yếu lắp xe tay ga với công suất 500.000 xe/năm nên sẽ giải quyết được tình trạng thiếu xe ga, gây ra phản ứng của người tiêu dùng.


Xe Lead của Honda Việt Nam đang được bán với giá cao hơn nhiều so với giá đề xuất


Có lẽ khi công bố như vậy, lãnh đạo của Honda Việt Nam đã quá biết chuyện trong nhiều năm trước hầu hết các xe máy mới của hãng này khi ra mắt thị trường đều được bán cao hơn giá đề xuất, kể cả những mẫu xe “cỏ” như Wave @, Wave RS... Người tiêu dùng còn chưa kịp mừng thì ngay khi ra mắt, xe Lead đã “làm mưa làm gió” trên thị trường với mức giá bán lẻ cao hơn hoá đơn tài chính từ 3 – 7 triệu đồng/chiếc.


Theo Honda Việt Nam công bố, lò xe Lead đầu tiên họ sản xuất trong tháng 1/2009 là 10.000 xe. Với khoảng 400 HEAD trên toàn quốc thì mỗi cửa hàng có thể được phân phối 25 xe. Nếu trừ những khu vực bị “đóng băng” với xe ga như nông thôn thì các HEAD ở TP hoàn toàn có thể đủ xe ga để bán.


Tại TP Hà Nội, hầu hết các HEAD, các cửa hàng bán xe Lead đều khẳng định lượng xe ga đến tay họ rất ít. Theo tiết lộ của chủ một cửa hàng kinh doanh xe máy trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), phải lấy 100 xe Honda các loại mới được khoảng 10 chiếc xe ga/tháng, có nghĩa là họ bị ép phải lấy một số mẫu xe lỗi mốt và chấp nhận bán lỗ để lấy xe đang tiêu thụ mạnh.


Để không mất khách, chủ một số HEAD tại Hà Nội phải về tận Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang để mua lại xe Air Blade và Lead với giá cao hơn giá đề xuất bán lẻ từ 2,5 triệu đồng - gần 4 triệu đồng/ chiếc. Trả lời câu hỏi: “Tại sao Honda Việt Nam không điều tiết giảm bớt xe lỗi mốt để tập trung cho xe đang hot?”. Chủ cửa hàng kinh doanh xe máy này cho biết: “Nếu chưa xét đến chuyện phải thăm dò thị trường thì Honda cũng sẽ không tập trung cho các dòng xe đang “hot”, vì khi sản phẩm nào khan hiếm, sản phẩm đó sẽ nổi tiếng, sẽ tạo nên “cơn sốt” dù đó là “sốt” giá. Khi sản phẩm đã “sốt” càng có nhiều người để ý và lợi nhuận chảy vào túi nhà sản xuất, kinh doanh càng nhiều. Trước kia, các HEAD hưởng lợi nhuận phần trăm trên đầu xe bán ra nhưng vài năm gần đây Honda Việt Nam đã thực hiện cách bán hàng “mua đứt, bán đoạn” nên lỗ lãi các HEAD phải tự chịu. Vì vậy, để bù cho những xe lỗi mốt bị lỗ, các HEAD phải nâng giá các mẫu xe bán chạy là đương nhiên. Nếu các HEAD không bị ép mua các sản phẩm lỗi mốt, chỉ mua những gì mình cần với số lượng theo yêu cầu thì không có chuyện xe Air Blade, Lead bị nâng giá”.


Với xe Air Blade, Honda Việt Nam đã biện minh, do đã sản xuất vượt quá công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đến xe Lead, khi đã mở rộng nhà máy, nâng công suất sản xuất vậy mà vẫn... thiếu, điều này khiến người tiêu dùng khó có thể “xuôi tai” lời giải thích của Honda Việt Nam: lượng xe tiêu thụ ngoài dự kiến?!


Đáng thất vọng là dù đã có mặt trên thị trường 2 năm nhưng xe Air Blade cũng vẫn... thiếu. Một thương hiệu mạnh như Honda Việt Nam lại yếu về chiến lược kinh doanh và năng lực sản xuất đến thế sao? Hay còn nguyên nhân “bí mật” nào khác mà Honda Việt Nam vẫn tiếp tục để các HEAD hành thượng đế đến vậy?


Chị Nguyễn Thị Phương (Thịnh Yên, Phố Huế, Hai Bà Trưng), thất vọng khi không mua được xe Lead đã tâm sự: “Nếu thực sự Honda Việt Nam như họ quảng cáo trên ti vi thì chắc chắn không có chuyện họ để các HEAD “móc túi” chúng tôi như vậy. Một thương hiệu uy tín cần phải làm nhiều hơn nói. Honda hãy yêu chúng tôi bằng cách bán xe đúng giá...”. Có hay không chuyện sản xuất cầm chừng, tạo khan hiếm giá để trục lợi? Các cơ quan chức năng cần làm rõ để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam.


Chúng tôi đã đề cập đến những “bí mật” trong hợp đồng bán xe giữa Honda Việt Nam với các HEAD, vì đây chính là mấu chốt để kết luận Honda Việt Nam có “quyền” trong việc định đoạt giá bán lẻ xe máy hay không. Về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), Bộ Công thương cho biết: “Trong hợp đồng ký với HEAD, Honda ghi rất rõ là HEAD phải bán theo giá của hãng Honda đưa ra. Song, cũng trong nội dung ghi tại hợp đồng, Honda lại chỉ coi các HEAD là nhà phân phối chứ không phải bán hàng dưới dạng các đại lý. Theo Luật Cạnh tranh thì khái niệm phân phối và đại lý hoàn toàn khác nhau. Nếu là đại lý thì HEAD chỉ bán hàng theo giá của hãng và HEAD ăn hoa hồng mà không được quyền tăng giá. Còn nếu là nhà phân phối thì họ có thể mua một sản lượng nhất định của Honda sau đó bán với giá tuỳ thích. Nếu là nghĩa thứ hai thì Honda trả lời chính xác là họ không có quyền can thiệp vào giá bán của các HEAD”.


Ông Hải cũng cho rằng: “Nếu Honda tiếp tục duy trì sản lượng bán xe Lead với số lượng như hiện nay và tiếp tục duy trì tình trạng “sốt” thì lúc đó Cục hoàn toàn có cơ sở để xử lý”. Tuy nhiên, đến ngày 13/4/2009, giá xe Lead tại một số HEAD vẫn là 34 triệu đồng/xe, Air Blade vẫn ngất ngưởng ở giá 33 triệu đồng/xe... Một số luật sư đã khẳng định, việc Honda đổ lỗi cho các HEAD là vô trách nhiệm, họ hoàn toàn có thể yêu cầu các HEAD bán theo giá đề xuất. Khi giao kết hợp đồng với HEAD, lợi thế luôn thuộc về Honda Việt Nam.


"Hãy tẩy chay sản phẩm Honda!"


Đó là phản ứng của người tiêu dùng trong vụ việc Air Blade và Lead của Honda Việt Nam bị nâng giá trong gần 2 năm qua. Biện pháp tẩy chay được coi là nhẹ nhất trong vụ việc cụ thể này nhưng trong bối cảnh các cơ quan chức năng vẫn im lặng thì nó là một giải pháp tốt nhất nhằm “trả đũa” những kẻ coi thường pháp luật!.


Ông Fumihiko Ike, Giám đốc điều hành Honda Motor Nhật Bản từng nhận định: “Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của Honda, không chỉ bởi quy mô mà còn bởi chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ một quốc gia nào khác mà tại đó, xe máy lại thông dụng và là một phần của cơ cấu xã hội như Việt Nam”. Thay vì được bảo vệ, người tiêu dùng ở một nước được coi là quan trọng nhất của Honda lại đang bị “móc túi” mấy năm liền, thật là nghịch lý của Honda.


Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, phản ứng từ phía các cơ quan chức năng trong việc các HEAD bán giá cao để trốn thuế, trục lợi là quá yếu ớt. Hiện, mới chỉ có Cục Quản lý cạnh tranh và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam chính thức vào cuộc.


Ngày 12/2/2009, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN đã có công văn gửi Honda VN, để yêu cầu trả lời trước Hội và người tiêu dùng về chính sách, bán hàng của Honda VN nhưng chưa nhận được câu trả lời. Ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội đã khẳng định, nếu cần thì có thể tẩy chay các sản phẩm của Honda. Đã đến lúc, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam thay mặt người tiêu dùng khởi kiện Cty Honda Việt Nam về các hành vi vi phạm pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 55/2008/ND-CP qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước mắt, Hội cần đứng ra tổ chức những chiến dịch tẩy chay các sản phẩm của Honda Việt Nam vì đã xâm hại quyền lợi người tiêu dùng, có như vậy mới giải quyết được tình trạng “ăn chặn” trong việc bán xe honda... tại Việt Nam.


Theo M.Tuấn