KTĐT - Những ngày gần đây, Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn, một loại bệnh lây từ lợn sang người. Những trường hợp mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp.



Mặc dù các chuyên gia
y tế
đã cảnh báo người dân không ăn tiết canh và TP Hà Nội cũng đã có văn bản cấm bán tiết canh từ nhiều năm nay, nhưng ở nhiều điểm trên địa bàn Thủ đô, tình trạng bán tiết canh vẫn hoạt động khá công khai.


Trên đường Nguyễn Trãi, khu vực gần trường ĐH Kiến trúc, Học viện Bưu chính viễn thông hiện có nhiều quán ăn vẫn bán tiết canh. Có quán còn bày công khai trưng bày những bát tiết canh lợn đỏ tươi trong tủ kính trước cửa. Tìm hiểu được biết, quán ăn ở khu vực này treo biển bán tiết canh từ rất lâu, song không có cơ quan nào đến nhắc nhở hoặc yêu cầu cấm bán. Thấy chúng tôi, chị chủ quán mau miệng “có gì mà ngại, ở đây rất nhiều khách vào ăn tiết canh, có ngày quán bán được 30 – 40 bát, ngày ít cũng bán được 20 - 25 bát”.


Tại đường làng Phùng Khoang, chỉ với đoạn đường ngắn khoảng chừng 50m có tới 2 quán cháo lòng tiết canh, sáng nào cũng đông nghịt khách. Mặc dù xung quanh khu vực này có dán khá nhiều tờ rơi tuyên truyền các biện pháp giữ vệ sinh phòng bệnh, trong đó có cả những khuyến cáo không ăn tiết canh nhưng nhiều khách hàng vẫn không ngần ngại sử dụng món khoái khẩu này. Không chỉ vậy, những sản phẩm chế biến sẵn được bày lộ thiên, không hề che đậy.


Tương tự, trên đường Kim Giang, địa phận xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cũng không ít hàng quán bán tiết canh và sáng nào cũng đông khách. Hỏi chủ quán và thực khách thì đều nhận được câu trả lời chung là: không sợ bệnh tả hay liên cầu khuẩn.


Đáng nói, dù tình trạng bày bán, ăn tiết canh công khai như vậy song chả mấy khi có cơ quan chức năng nào của địa phương đến nhắc nhở, xử phạt. Việc quản lý VSATTP, Thành phố đã phân cấp cho các quận, huyện, xã, phường nhưng hiện nhiều xã, phường vẫn hết sức lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh
thực phẩm
.


Về những trường hợp bị bệnh liên cầu cầu khuẩn đã và đang nằm điều trị tại Viện Truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, hầu hết đều do ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết,
viêm màng não
mủ hoặc kết hợp cả hai. Cũng theo ông, hiện bệnh chưa thành dịch. Các bệnh nhân mới chỉ rải rác ở các tỉnh đang có dịch tai xanh. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Hơn nữa, dịch lợn tai xanh đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành vì thế người dân cần rất cảnh giác, đề phòng bệnh. Người tiêu dùng không nên mua bán, ăn lợn bệnh, không ăn thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết.


Theo Kinh Tế & Đô Thị


http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=55&newsid=217832