Mặc dù tiếng Việt chưa đến nỗi “xuống cấp trầm trọng”, song với tư cách là một người đã và đang nghiên cứu tiếng Việt trong nhiều năm qua, tôi thấy, tiếng Việt đúng là “đang có vấn đề”. Đã đến lúc Nhà nước cần có biện pháp mạnh mẽ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, mọi vấn đề liên quan tới yếu tố cấu thành (ngữ âm, từ vựng…) cần được chuẩn hoá. Mỗi năm, các nhà xuất bản trong nước cho ra đời trên 20.000 đầu sách. Có quá nhiều cuốn sách in ấn, biên tập, xuất bản theo kiểu chụp giật nên lỗi ngôn ngữ quá nhiều.Tại các quầy sách, chúng ta cũng bắt gặp không biết bao nhiêu cuốn từ điển tiếng Việt, từ điển song ngữ…


Từ điển là loại sách cần phải làm theo quan điểm khoa học, điển chế, mang tính chuẩn hoá. Nhưng tiếc thay, hình như người ta đang nghĩ rằng cứ rành tiếng Việt, cứ có ý chí là làm được. Nhà nhà làm từ điển, người người làm từ điển. Thật đáng ngạc nhiên và đáng lo ngại!




Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải được bắt đầu từ trong ý thức mỗi người.


Ảnh minh họa: Đức Long.


Cần thừa nhận, chúng ta buộc phải chấp nhận một số từ ngoại “nhập tịch”. Bởi lẽ, trong bối cảnh hội nhập, không có ngôn ngữ nào đơn phương bảo thủ “đứng một mình”. Trong sáng không có nghĩa là chỉ thuần nhất và vay mượn là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta không vay bừa bãi, mượn tràn lan vì dễ có nguy cơ biến tiếng Việt thành một mớ hổ lốn. Ngôn ngữ đời thường lộn xộn và cả chục vạn thuật ngữ của các ngành cũng lộn xộn nốt. Về vấn đề này, tôi nghĩ cần phải có một Ban Tư vấn xây dựng thuật ngữ làm việc dưới sự chỉ đạo của Nhà nước để hạn chế những bất cập hiện nay.


Một vấn đề đáng quan tâm khác là chuyện nói năng (nhất là giới trẻ, trên internet, điện thoại, trong đời thường...) đang bất chấp các chuẩn mực văn hoá giao tiếp. Tất nhiên, điều này khó có thể đưa thành luật. Tuy nhiên, chúng ta phải đưa vào nội dung giáo dục ngôn ngữ (trong nhà trường, trong báo chí ...) để dần dần hướng mọi người cùng học tập và trau dồi để hình thành một cảm quan ngôn ngữ và văn hoá cần thiết.


Ngôn ngữ là tài sản, là hồn vía làm nên thần thái của mỗi dân tộc. Tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét xây dựng và tiến tới thông qua Luật Bảo vệ tiếng Việt. Và có lẽ, chúng ta cũng nên chọn một ngày, lấy tên là Ngày Ngôn ngữ dân tộc để mỗi người dân sinh ra từ cội nguồn đất Việt có một dịp, một thời điểm thiêng liêng để tôn vinh tiếng Mẹ đẻ thân yêu của mình.



http://quehuongoi.vn/van-hoa-viet/5/6251/Tieng-Viet-lai-cang-co-van-de.htm