Thông gia khẩu chiến, con rể thẳng tay tát mẹ vợ



Trong khi tôi cố gắng để can ngăn thì chồng tôi chỉ đứng nhìn với ánh mắt tức giận. Mẹ chồng tôi điên lên chỉ thẳng tay vào mặt thông gia: “Bà cút. Tôi cấm bà bước chân vào nhà này một lần nào nữa”. Mẹ đẻ tôi cũng không vừa, gạt phắt tay mẹ chồng tôi còn "tặng kèm" thêm cái tát. Thấy vậy chồng tôi lao ngay lại giơ tay táng thẳng vào mặt mẹ vợ rồi thản nhiên đỡ mẹ anh ta.


Nguyên nhân của sự việc xuất phát từ chuyện bất đồng trong cách chăm cháu của hai bà thông gia, mẹ tôi và mẹ anh. Ngày tôi sắp sinh con, vì mẹ chồng tôi còn bận công tác không nghỉ được nên vợ chồng bàn nhau đón mẹ đẻ tôi dưới quê lên giúp đỡ. Mẹ chồng tôi làm nhân viên trong khoa sản của một bệnh viện còn vài năm nữa mới được về hưu, còn mẹ đẻ tôi dưới quê làm ruộng nên có nhiều thời gian rảnh. Kế hoạch nhờ mẹ tôi lên chăm cháu cũng được mẹ anh nhiệt tình đồng ý, thậm chí còn vui mừng ra mặt vì không ảnh hưởng đến công việc của mình.


Mẹ chồng vốn trẻ hơn mẹ đẻ tôi đến cả chục tuổi, suy nghĩ lối sống cũng khác nhau. Vậy nên, hầu như mọi tình huống có thể xảy ra tôi cũng đã lường trước. Ngay khi mẹ tôi lên thành phố, mọi thứ như đồ đạc trong nhà, lối ăn uống ứng xử tôi đều dặn dò mẹ tỉ mỉ. Tránh trường hợp để mẹ chồng tôi phải phiền lòng hay gièm pha, khinh nhà quê không biết ý.


Mới đầu mẹ chồng tôi cũng có vẻ mãn nguyện, bởi mẹ tôi làm mọi việc rất chu toàn. Từ ngày tôi sinh, cả bà và con trai không một đêm nào phải thức để trông nom cháu. Chiều nào đi làm về cũng nhìn thấy cháu sạch sẽ thơm tho chỉ việc ẵm bồng, hít hà mùi hương thơm của cháu. Cơm nước nóng hổi sẵn chờ, chỉ việc tắm táp và ngồi vào bàn ăn.Thương mẹ vất vả, nhưng thấy gia đình yên ổn thế tôi cũng mừng thầm.


Mẹ tôi vốn người ở quê nên vẫn còn giữ nhiều quan niệm kiêng cữ, từ ngày con gái đẻ bà thường cho tôi một chế độ ăn riêng. Điều này tưởng mẹ chồng tôi biết nên bà không nói, chỉ lẳng lặng mua thức ăn và làm xong mang vào phòng cho con gái. Chuyện bắt đầu từ một bữa trưa cuối tuần, hôm đó mẹ chồng tôi nghỉ việc. Thấy con dâu đã cứng cáp nên bà có ý bảo ra ngoài dùng bữa chung.


Lúc tôi trong phòng đi ra thấy hai bà trò chuyện rất vui vẻ, thấy con gái, mẹ tôi liền đứng dậy bưng ra một bát đồ ăn riêng. Đang cười nói, bỗng mặt mẹ chồng tôi sa sầm ngay lại hỏi: “Sao bà mua thức ăn không mua nấu luôn cho cả nhà?”. Mẹ tôi giải thích là gái đẻ cần tẩm bổ riêng thì mẹ chồng tôi bốp chát: “Tôi làm trong viện sản, tiếp xúc với khoa học tôi biết. Các bà dưới quê chẳng được mở mang đầu óc gì cả, giờ gái đẻ chúng nó chẳng phải kiêng cữ hay riêng chung gì hết. Nhà có thế nào ăn thế, chỉ có sẵn tiền bày đặt tốn kém”.


Ảnh minh họa


Bữa ăn hôm đó mẹ tôi cứ cúi gằm mặt không nói gì, thỉnh thoảng len lén đưa tay lau nước mắt. Thương mẹ, nhưng tôi không muốn làm to chuyện mà để mọi thứ êm xuôi. Tưởng đâu “một sự nhịn chín sự lành”, vài ngày sau lại có biến. Bé nhà tôi bị lên mẩn ngứa, mẹ đẻ tôi chạy đôn đáo khắp nơi tìm xin lá khế chua về tắm. Đúng lúc mẹ chồng tôi đi làm về, thấy thông gia cầm nắm lá khế vào cổng bà đã la lên: “Chị hái là khế làm gì thế? Nhà có trẻ nhỏ, chị mang về khác nào rước sâu bọ vào nhà. Thôi đưa đây em vứt cho”. Nói chưa dứt lời, mẹ chồng tôi đã giành lấy nắm lá khế trong tay thông gia để vứt vào thùng rác.


Quá bất ngờ, mẹ đẻ tôi sẵng giọng: “Cháu bị ngứa, tôi phải chạy tìm khắp nơi để về tắm cho cháu. Chứ tôi đâu có rảnh hơi rước rác về nhà…”. Mới nghe đến thế mẹ chồng tôi lại vội vàng tỏ ra hiểu biết: “Bà không biết rồi, tắm lá giờ là phương pháp nhà quê. Áp dụng chỉ rước họa vào người, bà không làm trong viện lại không đọc báo bao giờ nên bà chưa biết đấy thôi”. Nói đoạn, mẹ chồng tôi lôi trong túi xách ra chai sữa tắm dành cho trẻ nhỏ giơ lên cho mẹ tôi xem. Bà cưới đắc chí như thể vừa khai sáng được đầu óc cho thông gia vậy.


Nhìn mẹ đẻ chịu ấm ức, tôi chỉ biết khóc. Nhiều lần như thế, tôi đem chuyện nói với chồng mình. Nhưng chẳng hiểu mẹ tôi đã nói gì, lần nào anh cũng gạt đi và nói tôi đừng cổ súy cho những việc làm phản khoa học, rồi lại hại con.


Hôm rồi con tôi bị ốm mấy ngày, mẹ chồng cứ nói bóng gió rằng tại bà ngoại không biết chăm nên cháu mới ốm thế. Mẹ tôi giận quá nói nhà quê sao chăm bằng người thành phố, mẹ chồng tôi nghe vậy nhảy dựng lên trách thông gia bảo thủ, dỗi vặt. Mấy ngày con ốm là mấy ngày không khí gia đình tôi như đóng băng, không ai nói với ai câu nào.


Cả nhà nghỉ làm để chăm một đứa trẻ nhưng chẳng khá hơn, đành đưa bé đến bác sĩ. Bé bị viêm phế quản, nguy cơ xuống phổi nên phải nhập viện. Xót cháu, hai bà quay sang trách móc nhau. Mẹ tôi trách thông gia: “Bà không để tôi cho cháu uống mật ong hấp lá, không đã chẳng nên nỗi”. Thì mẹ chồng tôi cũng chẳng vừa: “Cháu nó bị thế này, có khi tại bà mà ra. Những lúc tôi đi vắng không biết bà đã nhét gì vào mồm nó nữa, tội nghiệp cháu tôi”. Chồng tôi đứng bên cạnh cũng tỏ vẻ không vui ra mặt, còn ném về phía mẹ tôi cái nhìn như kiểu: “Bà im mồm đi, làm con tôi ra nông nỗi này còn già mồm”.


Ngày con tôi ra viện, mẹ đẻ tôi vội vàng bưng nồi nước lá lên phòng xông cho cháu để giải độc. Thấy vậy, mẹ chồng tôi chẳng nói chẳng rằng bưng chậu nước hất toẹt vào nhà vệ sinh. Miệng mắng mẹ tôi xa xả: “Cháu nó ốm thế bà còn không tha, muốn hại chết cháu tôi nữa à?”. Mẹ tôi nước mắt nước mũi giàn giụa: “Bà bảo tôi hại chết cháu bà là sao? Nó là cháu của mình bà chắc? Nó là do con tôi đẻ ra, tôi còn xót gấp trăm lần bà. Bà bảo bà hiểu biết nhưng bà còn ngu lắm, người ta bảo cháu bà ngoại thì còn chắc chắn chứ cháu bà nội thì chưa chắc đâu mà bà vỗ ngực cháu mình…”. Chính tôi cũng không ngờ mẹ mình lại nói ra những lời như thế.


Trong khi tôi cố gắng để can ngăn thì chồng tôi chỉ đứng nhìn với ánh mắt tức giận. Mẹ chồng tôi điên lên chỉ tay thẳng vào mặt thông gia: “Bà cút. Cút ngay cho tôi, tôi cấm bà bước chân vào nhà này một lần nào nữa”. Mẹ đẻ gạt phắt tay mẹ chồng tôi ra, không hiểu thế nào bà lại tặng thêm cái tát. Thấy vậy chồng tôi lao ngay lại giơ tay táng thẳng cái tát vào mặt mẹ tôi và đỡ mẹ anh dậy.


Tôi choáng quá, không thể tưởng tượng nổi tại sao một con người có ăn học, thường ngày vẫn cư xử tử tế như chồng tôi lại có thể ra tay tát cả mẹ vợ của mình. Tôi không biết có phải mẹ chồng tôi đã “bơm” gì vào đầu anh không hay chỉ là hành động bột phát của một kẻ bám váy mẹ. Sau lần đó mẹ tôi bỏ thẳng về quê, gia đình tôi thì lẳng lặng không ai nói với ai câu nào. Thương mẹ, thương đứa con bé bỏng tội nghiệp mà giờ tôi không biết phải theo ai?


Độc giả Lê Hà


http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/212750/thong-gia-khau-chien--con-re-thang-tay-tat-me-vo.html