Hà Nội: ’Thực phẩm bẩn độc, dân hãy tự bảo vệ mình’


Thứ Tư, 29/05/2013 14:35 (GMT + 7)


"Để trả lời khi nào người dân có một bữa ăn sạch thì rất khó. Nếu người tiêu dùng chọn lựa thức ăn tốt, sạch sẽ có một bữa ăn sạch, an toàn. Nếu tùy tiện, dễ tính thì sẽ có chuyện thực phẩm không an toàn".









Ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở y tế thành phố Hà Nội đã trả lời tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 28/5.



Người tiêu dùng phải chọn thực phẩm sạch



Người dân ngày càng hoang mang về tình trạng thực phẩm bẩn, độc tràn lan trên thị trường. Sáng phải nghe thông tin phở bẩn, trưa gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc, tối lại điệp khúc thịt thối, rau phun kích thích... Không biết đến khi nào dân mới yên tâm có được một bữa ăn sạch và không biết đến bao giờ Sở y tế mới đảm bảo cho người dân có được một bữa ăn an toàn.










Người tiêu dùng khó mà phân biệt được thực phẩm tươi, ôi ngoài chợ.





Trả lời vấn đề này, ông Hạnh cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm lúc nào cũng được Sở y tế Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trong tháng 5 vừa qua, Sở y tế có thực hiện tháng an toàn thực phẩm với chủ đề "bếp ăn an toàn".


Xét trên một góc độ nào đó thì có thể còn nhiều điểm chưa tốt, song xét một cách toàn diện thì an toàn thực phẩm cơ bản đã làm tốt, ông Hạnh nói.



Ông Hạnh ví dụ, đã có những siêu thị, điểm bán rau sạch, thực phẩm sạch, các chợ an toàn... ông cho rằng, có thể như ý muốn thì chưa được ngay mà cần phải có thời gian.



Người đứng đầu Sở y tế Hà Nội cũng cho biết, nếu để trả lời câu hỏi bao giờ ngành y tế mới đảm bảo được cho người dân một bữa ăn an toàn thì có lẽ phải cần đến nhiều người cùng trả lời trong đó có vai trò của người quản lý, người trực tiếp sản xuất và đặc biệt là người tiêu dùng.



"Nếu người tiêu dùng chọn lựa thức ăn tốt, sạch sẽ có một bữa ăn sạch, an toàn. Nếu tùy tiện, dễ tính thì sẽ có chuyện thực phẩm không an toàn", ông Hạnh nhắc nhở.



Về trách nhiệm của cơ quan quản lý mà cụ thể là Sở y tế Hà Nội trong công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Phan Đăng Long - Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tiếp lời Sở y tế Hà Nội bày tỏ mong muốn:



"Thực phẩm bẩn, độc báo chí phản ánh thời gian qua, thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí chúng tôi mong muốn gửi tới người dân thông điệp "hãy tự bảo vệ mình".



Ông Long nói thêm, trách nhiệm của cơ quan quản lý không chỉ riêng ngành y tế mà cả các cơ quan, ban ngành khác cũng không thể bao quát hết, vẫn còn nhiều hạn chế. Và các cơ quan chức năng sẽ không thể làm tốt nếu không có sự phối hợp từ phía người tiêu dùng.



Tự người tiêu dùng cũng nên có ý thức khi lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Tất nhiên cũng không nên suy diễn là đẩy trách nhiệm sang người dân mà đó là sự phối hợp giữa dân với cơ quan quản lý.



'Không biết y tá bớt vắc xin để làm gì'



Liên quan đến việc xử lý sai phạm xảy ra tại phòng tiêm số 70 Nguyễn Chí Thanh (Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội), ngay sau khi xử lý buộc thôi việc đối với y sĩ Bùi Thị Phương Hoa, ngành y tế đã chỉ đạo tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.



Dự kiến ngay cuối tuần này sẽ công bố hình thức kỷ luật (nếu có xác định sai phạm) đối với Giám đốc, Trưởng phòng Trung tâm y tế dự phòng Hà. Tuy nhiên cũng không thể vì bức xúc của dư luận mà xử lý một chiều, phải đúng người, đúng việc, đúng mức độ, ông Hoàng Đức Hạnh nói.



"Chưa thể kết luận nhân viên y tế ăn bớt vắc xin có để tiêm cho trẻ khác hay không, hay vì mục đích khác thì chưa thể xác định được. Chúng tôi phải xem xét cụ thể hơn để có thể đưa ra câu trả lời xác đáng", ông Hạnh cho biết.



Về việc có cần tiến hành định lượng kháng thể đối với cháu Phong (con anh Dương Thái Lam ở 198 đường Riêng Thông, Tích Sơn, Vĩnh Phúc bị tiêm thiếu vắc xin), ông Hạnh cho biết hiện ở Việt Nam chưa thực hiện được điều này vì nhiều lý do, trong đó có việc cơ địa của mỗi người sẽ có các kháng nguyên khác nhau…



Ông Hạnh cho biết, Sở đã đề nghị sẽ có Hội đồng cố vấn chuyên môn, những người đầu ngành về dự phòng, vắc xin, miễn dịch họp bàn xem xử lý như thế nào. Khi có kết quả Sở y tế sẽ trả lời có tiến hành định lượng hay không. Nếu làm thì sẽ như thế nào.



Về việc tiêm vắc xin tại nhà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện nay không có quy định nào về việc tiêm vắc xin tại nhà mà chỉ tiêm tại các cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế.



Còn ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, "khi người dân phát hiện tình trạng tiêm chủng tại gia đình, có bằng chứng hãy báo về cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để Trung tâm xử lý nghiêm khắc".





Theo báo cáo của các địa phương, chỉ tính riêng trong tháng 5 (tháng an toàn vệ sinh thực phẩm) đã xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 373 người bị ngộ độc, trong đó 11 trường hợp tử vong. Tính chung 5 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.110 người bị ngộ độc, trong đó 15 trường hợp tử vong.



Theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, trên địa bàn cả nước có 7,2 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 2,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 29 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 53 trường hợp mắc bệnh viêm não vi-rút (3 trường hợp tử vong) và 1 trường hợp mắc cúm A (H5N1).



Trong tháng 5, đã phát hiện thêm 1.009 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước lên 212,7 nghìn người, trong đó 62,4 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS.


Theo Đất Việt





http://tintuconline.com.vn/vn/thuongnhat/20130529143922727/ha-noi-thuc-pham-ban-doc-dan-hay-tu-bao-ve-minh.html


Mother chứ, nếu đúng như ông nói thì cần dog gì đến cái Sở táo bón của ông???