Hôm nay 8-1, hơn 4.300 học sinh trên cả nước bước vào kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Cuộc thi tuyển chọn nhân tài, dường như đã biến tướng thành cuộc chạy đua thành tích giữa các tỉnh.








Thí sinh đang làm bài thi môn văn kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2006 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ


Ấy là những suy nghĩ, trăn trở của tôi, từng là một học sinh lớp chuyên, đã trải qua kì thi này 2 năm liền.


Cuộc thi này là một đấu trường khắc nghiệt nhưng mục đích cuối cùng không phải như nó vốn có.


Đó là câu chuyện về bệnh thành tích.


Từ mục tiêu đó, cứ đến độ tháng 10, các tỉnh bắt đầu rục rịch tuyển chọn học sinh các đội tuyển. Và khi đã hình thành những đội tuyển chính thức thì các em cũng chính thức bước vào một chiến dịch dài hơi, kéo dài mấy tháng liền.


Trong đó một cường độ học tập gấp 3, gấp 4, thậm chí gấp 5 lần bình thường được đưa ra, học sinh trở thành những con gà chọi thực sự khi phải nhồi nhét một khối lượng kiến thức vô cùng lớn để đáp ứng yêu cầu đặt ra của đề thi.


Các trường sẽ mời các chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu về giảng dạy cho đội tuyển, hoặc là sẽ dẫn quân ra thủ đô học thầy. Ra thủ đô, học sinh phải ăn ngủ và học ngay trong các nhà nghỉ, trong một căn phòng chật hẹp, thầy đọc trò chép. Mỗi khóa học thầy dạy kéo dài 2-3 ngày, thậm chí có tỉnh, thầy dạy trọn gói cho cả một tuần.


Với trình độ học sinh THPT, dù là học sinh giỏi đi chăng nữa, liệu phải tiếp thu tri thức từ những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của các trường đại học, có phải chăng là quá sức?


Học sinh đã thực sự trở thành những con tốt trên bàn cờ thành tích của tỉnh, của sở, của nhà trường, của giáo viên.


Để rồi bước ra khỏi kì thi, nếu có giải thì mừng, nhưng nếu không sẽ là những sang chấn tâm lí lâu dài cho học sinh. Các em sẽ hụt hẫng, sẽ hoang mang khi trước mắt là một kì thi Đại học đầy quyết liệt, mà về mặt thời gian thì đã mất trọn cả học kì I lớp 12 cho ôn thi học sinh giỏi. Trong đầu chỉ có kiến thức một môn học được luyện để thi học sinh giỏi, liệu có kịp không?


Câu hỏi đó lại một lần nữa đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ về chuyện học tủ ở trường chuyên, về những tư vấn tâm lí cần thiết cho học sinh THPT hiện nay khi các em vấp phải những cú sốc lớn đầu tiên của cuộc đời.


Phải chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cần có những thay đổi, để giảm bớt tâm lí ăn thua giữa các tỉnh, để học sinh không còn là những con gà chọi, những con tốt trên bàn cờ thành tích, rồi loay hoay giữa một đấu trường khốc liệt…


Với các em đã, đang và sẽ trở thành học sinh bước vào cuộc chơi này, liệu có cho mình một tâm lý coi nó như một sự trải nghiệm của cuộc sống, một quãng thời gian đáng nhớ của thời học sinh. Và sau đó là suy nghĩ, hãy là chính mình, bất kể kết quả có ra sao, năng lực thực sự của bạn sẽ được chính cuộc đời sau này kiểm chứng chứ không phải ở một cuộc chơi…






Bạn có cùng quan điểm với tác giả bài viết? Theo bạn, có cần cải tiến gì cho những kỳ thi học sinh giỏi quốc gia? Cần lưu ý điều gì với các em học sinh khi bước vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia?


Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.





DƯƠNG ĐÌNH TRƯỜNG


http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150108/thi-hs-gioi-quoc-gia-lai-co-la-mot-cuoc-dua-thanh-tich/696261.html