Thành Lộc - Người đàn ông có nhiều gương mặt...


Rất nhiều năm nay, Thành Lộc luôn là một nghệ sĩ hài sáng giá trên sân khấu kịch phía Nam. Là con nhà nòi nghệ thuật, sinh ra trong một gia đình mấy đời theo nghệ thuật, nhưng Thành Lộc đã trải qua một tuổi thơ nghèo khó và khác thường, một tuổi thơ mà sự sống và cái chết đối với anh chỉ còn là gang tấc. Để bây giờ, khi là một người đàn ông trung niên, anh vẫn là một người khác thường.


Câu chuyện sinh tử kì lạ và duyên nợ với đạo Phật


Sinh năm 1961, đã sang tuổi 50, nhưng Thành Lộc vẫn chưa lập gia đình. Anh sống hết mình với nghệ thuật và nguyện không bao giờ lấy vợ, sinh con. Nhiều người nói rằng cuộc đời Thành Lộc là cuộc đời của một con người kì lạ: anh có một tuổi thơ kì lạ và đến khi làm một người đàn ông trung niên, làm một nghệ sĩ hài nổi tiếng, anh vẫn là một người đàn ông kì lạ với những vai diễn kì lạ.


Nghệ sĩ Thành Lộc


Thành Lộc tên đầy đủ là Nguyễn Thành Lộc. Anh sinh ra trong một gia đình con nhà nòi nghệ thuật, ông nội là bầu Nở của gánh hát bội nổi tiếng ở Vĩnh Long, ông ngoại là bầu Thắng nổi danh ở Sài Gòn, ba là NSND Thành Tôn, mẹ là NSND Huỳnh Mai, nhưng tuổi thơ của Thành Lộc lại trải qua những năm tháng nghèo khó trong một khu xóm nghệ sĩ nghèo. Hồi đó, cả gia đình Thành Lộc sống trong một căn nhà quây tạm cạnh sân khấu đình, rộng chưa đến 10m. Cứ hôm nào có xuất diễn, chị em Thành Lộc lại phải di tản khắp nơi, đợi diễn xong mới được về ngủ. Buổi tối, 6 chị em Thành Lộc phải thay phiên nhau, 3 người ngủ trong nhà, 3 người ngủ ngoài sân khấu. Nhưng đó là những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất của Thành Lộc, nơi đã ươm mầm cho tình yêu nghệ sĩ của anh.


Thành Lộc vẫn còn nhớ như in những kí ức về khu xóm nhỏ nghèo nàn, nơi tập trung những gia đình nghệ sĩ hát cải lương, hát bội. Ở trong khu xóm đó, những ngày giỗ kỵ, mọi người lại cùng vẽ mặt rồi ngồi hát một cách vui vẻ, hạnh phúc, với lời nguyện sẽ được sống mãi với nghề. Trong ký ức của Thành Lộc, cái xóm nghệ sĩ nghèo khi xưa gia đình anh sống tuy nghèo về vật chất nhưng không bao giờ nghèo về tinh thần. Lúc nào trong xóm cũng có tiếng nhạc, tiếng hát. Nó ăn sâu vào tiềm thức những đứa trẻ như anh đến nỗi mà sau này lớn lên, anh nghĩ việc mình trở thành một nghệ sĩ có lẽ cũng chính vì những tiếng hát, tiếng nhạc đã ngấm sâu vào máu đó.


Khi sinh Thành Lộc, má Thành Lộc bị bệnh rất nặng. Ba má Thành Lộc đã quyết định cho Thành Lộc cho người khác nuôi. Nhưng sau rồi vì quá thương con, không đành lòng cho đi đứa con còn đỏ hỏn, bà lại đem về nuôi. Có lẽ vì lúc mang thai, má Thành Lộc cũng liên tục ốm đau. Thành Lộc thường được má mình kể lại là ngày bé, có lần anh bị lên sởi rất nặng, sốt cao và gần như đã chết trên tay. Lúc đó bế anh trên tay, má anh đã thấy người anh lạnh ngắt. Trong nỗi tuyệt vọng vì nghĩ là mình đã mất con, bà ẵm anh đến một ngôi chùa mà bà thường hay lui tới là chùa Tân Nghĩa ở quận Gò Vấp. Sư trụ trì chùa khi đó đã đặt dưới một cái chuông lớn, gióng một tiếng chuông và cầu kinh cho anh. Sau tiếng chuông đó, không hiểu vì sao cậu bé Thành Lộc đang ốm đau quặt quẹo bỗng mở mắt ra, ngồi dậy rồi cười khanh khách, khiến ba má Thành Lộc cứ bàng hoàng, không thể phản ứng gì. Chính thầy trụ trì chùa Tân Nghĩa đã nói: “Thằng nhỏ đã đi qua một kiếp. Bây giờ sẽ là một kiếp khác của nó”.


Theo một nghĩa nào đó, Thành Lộc đã được sinh ra lần thứ hai trong chính ngôi chùa này, gia đình anh lại nhiều đời theo đạo Phật, nên ba má anh đã gửi anh lên chùa, cho anh quy y ngay từ khi còn bé với pháp danh trong đạo Phật là Thích Thiện Tâm. Vì khó nuôi, nên nghe lời mách, má Thành Lộc đã cho anh mặc đồ con gái, để tóc dài và bắt cả gia đình không được gọi anh bằng tên thật, mà phải gọi là Thành Tâm. Vì thế mới có chuyện ngày bé Thành Lộc thường được mặc đồ bà ba và để tóc dài như con gái. Đến tận năm 7 tuổi, khi Thành Lộc bắt đầu học lớp 1, anh mới được ba má cắt tóc và mặc đồ con trai như những cậu bé bình thường khác. Chính vì sự gắn bó định mệnh với đạo Phật, nên ngày bé, Thành Lộc thường rất thích ngồi dưới chân đức Phật trong ngôi chùa Tân Nghĩa cả ngày, hoặc chui đầu vào chiếc chuông lớn. Đó là nơi khiến cho anh cảm thấy thực sự bình an.


Ngày bé, mỗi lần đến Đại lễ Phật đản, Thành Lộc thường được cha chở trên chiếc xe Vespa theo đoàn xe hoa đi khắp thành phố, để ngắm nhìn hình ảnh Đức phật đản sanh với gương mặt nhân từ ngồi trên tòa sen, một tay chỉ thiên, tay kia chỉ địa. Anh thích những ngày lễ Phật đản đến nỗi khi cuộc diễu hành kết thúc, anh cứ đứng thần mặt ra vì tiếc nuối, ba kêu về mà nhất quyết không nghe. Thành Lộc nói, điều khiến anh rất tự hào là năm 10 tuổi, trong một vở kịch tại một cô nhi viện về lịch sử Đức Phật Thích Ca do các diễn viên nhí đóng, anh đã được đóng vai Thái tử Sĩ Đạt Ta từ lúc thành hôn cho đến lúc ra đi tìm chân lý cứu khổ chúng sinh rồi tìm đến cây Bồ Đề huyền thoại.


Thành Lộc luôn tâm niệm mình mang nợ Đức Phật, mang nợ với đời vì đã cho anh được sống và cống hiến. Chính vì thế, đến bây giờ anh vẫn cố gắng dùng hết tài năng của mình để cống hiến cho cuộc đời, cho con người và làm những điều tốt. Đó là lời thề của người nghệ sĩ hài này với niềm tin tôn giáo của mình.


Tình yêu thương trong gia đình nghệ sĩ


Trong gia đình, người Thành Lộc yêu thương vô cùng chính là má anh – nghệ sĩ Huỳnh Mai – một nghệ sĩ hát bội nổi tiếng trên sân khấu Sài Gòn những năm trước giải phóng. Dù là một người nghệ sĩ được công nhận và yêu mến trên sân khấu, nhưng má Thành Lộc luôn dành sự ưu tiên trước nhất cho gia đình. Thương chồng, thương con, không muốn chồng con phải ăn uống khổ sở, bà chấp nhận từ bỏ ánh đèn sân khấu vào chính lúc đang ở độ chín nghề nghiệp và đầy đam mê với nghề, để ngày ngày chạy chợ, kiếm tiền nuôi chồng con. Những năm kinh tế khó khăn nhất, nhà nào cũng phải ăn cơm độn bo bo, thì nghệ sĩ Huỳnh Mai luôn cố gắng bươn chải để cả gia đình luôn có cơm ăn hàng ngày. Với tất cả những người trong gia đình Thành Lộc, đó là một sự hi sinh vô cùng lớn lao mà cả Thành Lộc và anh chị em của anh không bao giờ quên.


Trong gia đình, Thành Lộc lúc nào cũng được má cưng nhất, vì lúc nào cũng thương anh từ bé đã chịu nhiều đau ốm, thiệt thòi. Trong nhà có gì ngon nhất, bao giờ bà cũng ưu tiên Thành Lộc trước tiên. Bà chăm chút cho anh từng li từng tí, đến tận bây giờ, khi Thành Lộc đã là một người trưởng thành, bà vẫn không bỏ được thói quen đó. Thành Lộc bảo, trong mắt má, anh mãi mãi là một đứa trẻ, dù thực sự anh đã là một người đàn ông trưởng thành.


Các anh chị mỗi người đều có gia đình riêng, người sống trong nước, người sống ngoài nước, nên vì nhiều lí do riêng không thể thường xuyên ở bên cạnh má, nên Thành Lộc là cậu con trai gắn bó với bá nhất. Đổi lại bà cũng hết lòng chăm sóc anh. Bà lo cho anh từ chuyện cơm nước đến chuyện đi đứng. Khi dịch H5N1 bùng phát, trước khi anh đi đâu bà cũng dặn con trai không được ăn thịt gà, trứng gà khi ra ngoài, để về nhà bà nấu món khác cho ăn. Mỗi lần thấy anh lấy xe chuẩn bị đi ra phố, bao giờ bà cũng dặn anh: “Đi đường cẩn thận nghen con. Nhớ dòm chừng đèn xanh đèn đỏ”. Đã có nhiều lần, thấy má chăm sóc mình quá, anh giả bộ mếu máo trêu má: “Má ơi, con 47 tuổi rồi, mà má xem con như con nít hoài”.


Trong gia đình Thành Lộc, tất cả những đứa con hết lòng yêu thương và kính trọng má, bởi thấm thái và thấu hiểu sự hi sinh và tình yêu bao la mà bà dành cho con cái. Cả nhà đều là nghệ sĩ, giờ giấc sinh hoạt thất thường, nhưng tất cả mọi người đều có một nguyên tắc bất di bất dịch là đến giờ cơm phải có mặt ở nhà, để cùng nhau kể chuyện, quây quần bên mâm cơm, như một cách thắt chặt tình cảm gia đình và an ủi, động viên má. Bây giờ là nghệ sĩ nổi tiếng, không tránh được những buổi ăn uống, tiệc tùng ở ngoài. Nhưng mỗi khi về nhà, Thành Lộc vẫn cố gắng ngồi ăn một hai chén cơm để làm má vui lòng, vừa nghe má kể dăm ba câu chuyện bình thường.


Đó là lúc bà có thể tâm sự, chia sẻ với cậu con trai út mà bà vô cùng yêu quý. Những lúc đó, anh thấy gương mặt má mình tràn ngập hạnh phúc và sự bình yên. Các anh chị đều đã có gia đình, không thể thường xuyên sum họp bên mâm cơm mỗi ngày, Thành Lộc thường chú ý đưa mẹ đi thăm các anh, các chị, dù là ở nước ngoài, để bà không cảm thấy buồn vì phải xa con, xa cháu. Mỗi lần đi thăm con như thế, bà không khóc trước mặt con, nhưng sau đó, Thành Lộc lại bắt gặp má ngồi khóc một mình. Không muốn làm phiền con cái, nên mỗi khi con gái từ nước ngoài gọi điện về, má thường nói chuyện rổn rang, cố tình làm cho giọng mình sang sảng, để các con yên tâm. Lúc đó chỉ có Thành Lộc ngồi cạnh là hiểu má đang “diễn”. Đáp lại ánh nhìn tinh quái và nụ cười tủm tỉm của cậu con trai, bà chỉ biết cười đầy “biết ơn” với “đồng minh” của mình.


Là người sống tình cảm, nên Thành Lộc rất dễ xúc động và đôi khi rất yếu đuối. Khi ba anh – NSND Thành Tôn lâm bệnh nặng, lúc đó, tất cả các anh chị đều đang ở nước ngoài, chỉ có một mình Thành Lộc ngày đêm túc trực bên ông. Những ngày cuối cùng của ông là những ngày anh không ăn, không ngủ. Cứ đi diễn thì thôi, chứ về nhà anh chỉ chăm chăm ngồi cạnh cha, canh cho ba từng miếng ăn, giấc ngủ.


Ròng rã mấy tháng trời ba ốm nặng là mấy tháng anh không hề ngủ một đêm ngon giấc, bởi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nếu mình ngủ, ba mình sẽ ra đi lúc nào mà mình không hay biết. Ngày ba mất, anh khóc nhiều đến nỗi tưởng không còn nước mắt để khóc. Đến nỗi mà một thời gian dài sau khi ông mất, anh vẫn giữ thói quen đi qua chiếc giường nơi ông thường nằm lúc còn sống để vơi bớt cảm giác trống vắng. Với Thành Lộc, NSND Thành Tôn – cha anh luôn là người khiến anh học hỏi về cả tài năng, đạo đức và nhân cách. Chính vì thế, mất ba là một nỗi mất mát vô cùng lớn lao với anh. Có lần đi diễn, bỗng dưng nhớ ba, anh đã bật khóc trước mặt mọi người khiến tất cả người xung quanh đều ngơ ngác vì không hiểu chuyện.


Những tâm sự của người được coi như “Phù thủy” trên sân khấu


Sinh ra trong một gia đình có nòi nghệ thuật, lại sống trong bầu không khí nghệ thuật từ bé, nên việc Thành Lộc trở thành nghệ sĩ dường như là con đường không thể khác. Kỉ niệm đầu đời với nghiệp diễn của Thành Lộc là khi được nghệ sĩ Kim Cương mời diễn trong vở kịch “Lá sầu riêng” rất nổi tiếng thời đó. Năm đó, Thành Lộc mới 7 tuổi. Biết cậu bé Thành Lộc là con nhà nòi, lại quen với ba má Thành Lộc nên nghệ sĩ Kim Cương đã lặn lội đến xóm nghệ sĩ nghèo của gia đình Thành Lộc và mời Thành Lộc nhận vai diễn đầu đời. Nhưng khi đó, vì đang mải chơi, nên khi có người bắt về gặp nghệ sĩ Kim Cương, cậu bé Thành Lộc vừa đi vừa khóc. Thấy thế, nên nghệ sĩ Kim Cương kêu lên: “Con nghệ sĩ mà sao nhát hít vậy? Coi vậy sao mà diễn”.


Sau đó, nghệ sĩ Kim Cương đã nhờ một cậu bé khác đóng thế vai diễn của Thành Lộc. Điều đó khiến Thành Lộc bị cả xóm nghệ sĩ trêu suốt cả năm sau đó. Đó là lần đầu tiên trong đời, Thành Lộc cảm thấy tâm hồn “nghệ sĩ” của mình bị tổn thương, và cái máu nghệ sĩ, cái bản năng nghệ sĩ của anh nhờ đó đã được đánh thức.


Sau “thất bại” với vai diễn đầu tiên bị hụt đó, Thành Lộc đã quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật, chỉ để sau này có thể gặp lại nghệ sĩ Kim Cương và để cô thấy rằng Thành Lộc không phải là “một cậu bé nhát hít” như cô từng nghĩ. Một năm sau, khi được nghệ sĩ hài Xuân Phát mời tham gia diễn kịch, Thành Lộc đã không bỏ lỡ cơ hội này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cái tên Thành Lộc đã trở thành nổi tiếng trên đài truyền hình.


Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc qua các vai diễn- Ảnh: Trần Tiến Dũng


Sinh ra trong một gia đình nhà nòi, cha mẹ, anh chị đều là những người nổi tiếng trên sân khấu thời đó, nên Thành Lộc rất sợ mỗi khi bị so sánh với cha và các anh chị mình, sợ nhất là bị họ chê “con nhà nòi mà sao hát với diễn dở quá”. Chính vì thế, có lần khi đang tập diễn cho vở “Tướng cướp Hổ Đầu Sơn”, được nghệ sĩ nhân dân Phùng Há bấu má trêu: “Thằng này con nhà ai mà hát hay vậy ta!” đã khiến Thành Lộc vui suốt một thời gian dài và thấy tự tin hơn vào bản thân mình.


Con đường nghệ thuật từ một cậu bé ốm đau cho đến một nghệ sĩ hài nổi tiếng đã để lại cho Thành Lộc nhiều kỉ niệm không bao giờ quên. Anh kể, vì đã thấm thía sự cơ cực, khó khăn của một người nghệ sĩ, nên khi thấy các con có thiên hướng theo nghệ thuật, NSND Thành Tôn một mặt không cấm cản con cái, nhưng mặt khác vẫn bắt buộc các con phải học hành đến nơi đến chốn để đảm bảo tương lai sau này.


Năm Thành Lộc học lớp 11, vì niềm đam mê nghệ thuật, anh đã giấu ba mình đăng kí dự thi vào trường Nghệ thuật sân khấu 2. Trớ trêu thay, ngày thi vào trường trùng đúng với ngày thi học kỳ 2 lớp 11. Sau một hồi cân nhắc tới lui, cuối cùng Thành Lộc cũng quyết định bỏ thi học kì để tham gia kì thi tuyển sinh vào trường Nghệ thuật sân khấu. Ngày hôm đó, vừa làm bài thi, anh vừa cầu trời khấn phật cho mình thi đỗ, bởi hiểu rằng nếu không đậu, hẳn anh sẽ bị ba mình trừng phạt bằng một trận đòn nghiêm khắc. Qua vòng 1, Thành Lộc lọt vào vòng 2. Nhưng vòng thứ 2, oái oăm thay cũng rơi vào đúng ngày thi vớt của kì thi học kì 2. Một lần nữa, Thành Lộc lại đặt cược số phận của mình khi quyết định thi vớt. Đến lúc bị Hội đồng giám khảo chấm thi “xăm xoi” chiều cao vì thấy Thành Lộc còi quá, anh đã nghĩ thế là mất tất cả: cả kì thi tuyển sinh và cả kì thi hết lớp 11. Nhưng cuối cùng Thành Lộc đã đỗ vào trường và bắt đầu con đường nghệ thuật thực sự của mình.


Thành Lộc có lẽ là một người có năng khiếu bẩm sinh, bởi ngày học ở trường Nghệ thuật sân khấu, anh luôn khiến các thầy cô và bạn bè trong trường “choáng” vì không bao giờ chuẩn bị tư duy tiểu phẩm trước khi lên sân khấu. Mỗi khi lên sân khấu, nghĩ cái gì trong đầu, anh diễn cái đó. Ấy thế mà Thành Lộc luôn nổi tiếng là người biết tung hứng với các bạn diễn trong nghề cho đến tận bây giờ.


Trời phú cho Thành Lộc sự nhạy cảm và nhập vai tuyệt vời. Anh hóa thân vào nhiều loại nhân vật mà nhân vật nào cũng thấy “ngọt”, cũng khiến công chúng “nghiêng ngả”, say mê. Báo chí gọi anh là phù thủy trên sân khấu. Đồng nghiệp trong nghề gọi anh là “quỷ”, bởi họ không hiểu điều gì Thành Lộc làm không được hay vai diễn nào Thành Lộc diễn không nổi: Từ vai chính diện đến vai phản diện; Từ vai bi đến vai hài; Từ vai người đến vai thú; từ vai một người đàn ông thâm trầm đến một người đàn bà nhí nhảnh; từ vai người già đến vai trẻ em…Thành Lộc đều đóng một cách ngọt ngào. Người ta đã từng chứng kiến anh khổ sở vì những tin đồn giới tính, bởi thấy anh vào vai phụ nữ thật hơn cả những người đàn bà thực sự.


Những người bạn diễn bảo Thành Lộc có một đôi mắt buồn, dù đóng vai bi hay vai hài. Một người thầy từng dạy anh đã nói, đôi mắt buồn đó sẽ vận vào cuộc đời anh. Là người đàn ông đa cảm, dễ xúc động, lại là một người nghệ sĩ, Thành Lộc đã từng tổn thương và thất vọng đến suy sụp khi mang trong mình cảm giác bị phản bội. Với anh, không gì so bằng những người bạn, những người đồng nghiệp mà anh yêu quý, kính trọng như cha, như anh lại đâm sau lưng anh, giáng cho anh những đòn đau của số phận.


Đã có những lúc vì những nỗi đau đớn đó, Thành Lộc đã tuyệt vọng đến mức muốn từ bỏ tất cả, muốn buông xuôi tất cả, thậm chí là tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Nhưng cuối cùng, anh vẫn vượt qua tất cả, để vẫn luôn là một trong những nghệ sĩ hài đương đại được công chúng yêu thích nhất, với gần 600 vai diễn từ lúc nhỏ cho đến giờ, trở thành một người nghệ sĩ thực sự chinh phục trái tim hàng triệu công chúng yêu sân khấu.


Nhiều năm nay, Thành Lộc vẫn vấp phải những tin đồn về giới tính. Nhưng anh không chọn cách lấy vợ, sinh con để xua tan những tin đồn đó. Bởi sau nhiều năm làm nghệ sĩ, anh đã học được cách đạp lên dư luận để sống. Người ta thường cho rằng lấy vợ, sinh con để có chỗ nương tựa lúc về già. Nhưng Thành Lộc nói, nếu anh lấy vợ, sinh con, là chỉ bởi anh muốn dành tình yêu thương và sự hi sinh của mình cho họ, một cách vô điều kiện, không cần những toan tính cho tương lai sau này. Mỗi con người có một cách cống hiến, đó không nhất thiết phải là sinh những đứa con để nó kế thừa mình. Anh chọn cách cống hiến của riêng mình: đem lại nụ cười và những giọt nước mắt cho khán giả qua những vai diễn thâm thúy của mình. Để lại những “đứa con” nghệ thuật có giá trị, đó cũng là cách tạo ra sự kế thừa cho mình sau này…


http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/nguoinoitieng/481998/index.html