Trên các diễn đàn mạng, nhiều vị phụ huynh đã chia sẻ sự bối rối khi đứa con mới 3-4 tuổi đã hỏi họ: “Vì sao một người khỏe lại hai người vui?”. Với việc quảng cáo như hiện nay, một phần những từ ngữ đầu tiên trẻ tiếp nhận có thể sẽ là: “mãn dục”, “sinh lực”, “ham muốn”, “que thử thai”, “kinh nguyệt”, “khí hư”…


“Giờ vàng” dành cho... kích dục?


Để có cái nhìn sơ lược về thực trạng quảng cáo trên truyền hình, người viết đã thống kê về số lượng và nội dung các quảng cáo trên kênh VTV3 từ 19g kém 5 tới 22g vào thứ 6 ngày 24/2/2012.


Theo đó, nếu chưa tính những mẩu quảng cáo chạy trên banner ở 1/8 màn hình phía dưới tivi trong mỗi lần giới thiệu chương trình tiếp theo, có 14 lần quảng cáo với 144 clip. Một lần quảng cáo dài tối đa 8 phút, tối thiểu vài chục giây.


Cũng theo thống kê, trong khung giờ vàng (từ 19g kém 5 tới 20g), quảng cáo thuốc áp đảo, với 20/30 clip.


Các sản phẩm được quảng cáo chủ yếu thuộc về ba thương hiệu: Dược phẩm Hoa Thiên Phú (nhãn hàng Tê nhức chân tay Bảo Nguyên, Hoạt huyết Minh Não Khang, Hoàng Tiên Đan, Siro ăn ngon Hoa Thiên, Hoàng Tố Nữ), Dược phẩm Nhất Nhất (nhãn hàng: Tố nữ Nhất Nhất, Adam Nhất Nhất, Hoạt huyết Nhất Nhất), Công ty TNHH Thương mại Botania (nhãn hàng Boni Smok, Boni Diabet).


Ảnh bìa quảng cáo có hình Ngọc Trinh hở ngực


Hầu hết các clip quảng cáo đều được dựng theo dạng minh họa, phần lời thuyết minh cho hình ảnh. Chẳng hạn, đoạn quảng cáo Adam Nhất Nhất bao gồm những shot hình chính:


- Một người đàn ông bế một cô gái lên giường (thuyết minh về Testosteron quyết định sự khác biệt giới tính, nam tính mạnh mẽ của đàn ông)


- Cảnh trên giường, cô gái ôm người đàn ông nhưng bị gạt ra (thuyết minh: Suy giảm Testosteron làm giảm ham muốn, khả năng sinh lý…)


- Những người đàn ông uống Adam Nhất Nhất để kích thích sản sinh Testosteron, sau đó là cảnh một cặp nam nữ “âu yếm” nhau trên giường.


Hay đoạn quảng cáo que thử thai Chip Chips với những hình ảnh trẻ sơ sinh, vạch đỏ, vạch xanh cùng thuyết minh kiểu: “Bạn bị chậm mấy ngày, vui mừng hay lo sợ, muốn biết mình đã có thai. Đã có que thử thai Chip - Chips... Que phát hiện thai sớm, nhanh chóng, chính xác"…


Khổ vì trẻ con hỏi “mãn dục là gì”


“Phụ huynh xấu hổ vì quảng cáo khiếm nhã trên truyền hình” là chủ đề mới đây trên một trong những diễn đàn làm cha mẹ lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Thành viên với nickname cacomngon phàn nàn, con gái 3 tuổi, mỗi lần xem quảng cáo Nam Thận Bảo, Bổ Thận Nam lại bắt nhịp: "Một người khỏe hai người vui".


Lần lại mới thấy, những phàn nàn tương tự về slogan "Một người khỏe, hai người vui" đã xuất hiện trên diễn đàn này từ năm 2009, thời điểm clip quảng cáo của Nam Dược mới xuất hiện.


Thành viên mecukin bày tỏ bức xúc: "Nhà đài chỉ cần kiếm tiền thôi, còn nội dung có dung tục, phản cảm, rẻ tiền thì là việc của người xem với người bán hàng. Khổ nhất là trẻ con, chả hiểu gì suốt ngày hỏi: "Mãn dục là gì?", "Suy giảm khả năng sinh lí là gì?", "Sao lại ngại gần gũi?"...


Quảng cáo Adam Nhất Nhất ngay trước chương trình Thời sự 19g. (Ảnh chụp từ clip).


Nghiên cứu "Trẻ em, Thanh thiếu niên và Truyền hình" của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ công bố năm 2001 đã khuyến nghị, trẻ em dưới 2 tuổi không nên xem TV. Trẻ em trên 2 tuổi chỉ nên xem những chương trình bổ ích khoảng 1 đến 2 tiếng một ngày vì đó là quãng thời gian quan trọng trong việc hình thành trí não của trẻ.


Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Hiệp Hội Tâm lý Hoa Kỳ năm 2004 về tác động của quảng cáo tới trẻ em đưa ra thực trạng, chỉ sau một lần xem quảng cáo, trẻ có thể nhớ được nội dung. Như vậy, với hiện trạng quảng cáo như hiện nay, một phần số từ ngữ đầu tiên trẻ tiếp nhận có thể sẽ là: “mãn dục”, “sinh lực”, “ham muốn”, “que thử thai”, “kinh nguyệt”, “khí hư”…


Có vi phạm thuần phong mỹ tục?


Đó là câu hỏi của thành viên trên một diễn đàn mạng khi quảng cáo thuốc với những hình ảnh ốm yếu, bệnh tật, những shot hình nhạy cảm đang độc chiếm giờ “ăn cơm”(từ 19h -20h). Thành viên này diễn giải, truyền thống của người Việt là sum họp cùng ăn bữa tối và cùng tham gia chung một hoạt động (thông thường là xem chương trình thời sự của VTV).


Theo Khoản 2, Điều 5 của Pháp lệnh Quảng cáo năm 2011 thì đó là quảng cáo bị cấm vì “trái với thuần phong mỹ tục. Chưa kể, người Á Đông vốn kín đáo không phù hợp với những quảng cáo về Tố Nữ Nhất Nhất hay que thử thai.


Lý luận trên chắc hẳn chưa thuyết phục được những nhà hành pháp mạnh tay chấn chỉnh quảng cáo “giờ vàng” nhưng cũng đã nêu lên một khía cạnh nhiều người đồng tình: Thật khó nuốt trôi miếng cơm khi phải nghe TV lải nhải về đau chân, đau khớp, khí hư, mãn dục….!


Trong Nghị trường Quốc hội, khi bàn về dự thảo Luật Quảng cáo (sẽ thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001), ĐB Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định đề xuất bổ sung thêm các điều khoản "bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi" để tránh bị tác động bởi các clip, hình ảnh quảng cáo nhạy cảm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự phát triển bình thường của trẻ.


Ở các nước, để thực hiện điều này, về phía quản lý, người ta quy định khung giờ phát sóng với quảng cáo. Về mặt chuyên môn, những nhà quảng cáo thiết kế những clip không trực diện, ít lời thoại hay thuyết minh (không thu hút trẻ về mặt thính giác và phụ huynh có thể nhanh chóng tắt TV nếu thấy đoạn quảng cáo không phù hợp).


Trông người ngẫm ta, rằng biện pháp duy nhất để đối phó với quảng cáo truyền hình nhạy cảm hiện nay là “để TV ngoài tầm mắt của trẻ em”, và luôn sẵn sàng đáp án “trong sáng nhất” giải thích cho các bé về “một người khỏe, hai người vui” hay những câu hỏi tương tự.


Băng vệ sinh giúp trẻ... thông minh?


Thực hiện những phỏng vấn nhanh về ảnh hưởng của quảng cáo tới trẻ con, chúng tôi nhận được những câu trả lời như sau:


Anh Tiến Mạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội): "Tôi thấy dân văn phòng, ít thời gian chăm con nên hay mua đĩa quảng cáo về để dỗ con ăn. Cháu sếp tôi cũng thế, cứ nghe thấy nhạc quảng cáo là chạy cắm đầu cắm cổ vào gần cái TV, rồi ngồi lì ở đó xem. Hiện bé đang bị một dạng trầm cảm, bị cấm xem TV và phải đi học ở lớp dạy nói".


Chị Nguyễn Hiền (quận Thanh Xuân, Hà Nội): "Bé nhà tôi rất thích xem quảng cáo, xem rất chăm chú. Thường bé hay xem quảng cáo vào khoảng từ 7 - 8g tối, lúc ăn cơm và nghỉ ngơi sau ăn một chút. Trẻ thích quảng cáo là đương nhiên vì có nhạc, hình ảnh ngộ nghĩnh, chứ xem phim hay thời sự thì có gì thu hút đâu".


Anh Sơn Tùng (quận Long Biên, Hà Nội): "Đứa trẻ nào chẳng thích xem quảng cáo. Ai chẳng biết. Nhà nào có trẻ con thì hầu như đều có đĩa quảng cáo cho chúng nó".


Chị Lan Anh (quận Đống Đa, Hà Nội): "Con tôi mới 3 tuổi, bé chỉ thích quảng cáo có bóng bay hay có nhạc hay. Nếu đúng đoạn quảng cáo bé thích, đang chơi bé cũng chạy ra xem. Nhưng tôi thấy một số nhà cứ phải cho bé xem quảng cáo mới chịu ăn. Thế nên trên diễn đàn ********, người ta rao bán cả bộ đĩa quảng cáo để các mẹ "dụ" con ăn".


Chị Xuân Anh (quận Ba Đình, Hà Nội): "Bé nhà tôi thích xem quảng cáo lắm nhưng tôi không cho xem. Nhà ông cậu tôi ngày xưa có đủ các loại đĩa, bật cho trẻ xem cả ngày. Kết quả là bé hư, phụ thuộc vào quảng cáo. Nghe nói, xem quảng cáo nhiều còn có thể gây ra các bệnh về thần kinh".


Xem quảng cáo bé mới chịu ăn!


Chị Đỗ Thị Hằng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vừa nhờ mua đĩa quảng cáo dành cho trẻ em tại cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng. Chị bảo: "Bật đĩa quảng cáo là bé Tôm (4 tuổi) bê bát cơm tự xúc ăn. Còn Tép (2 tuổi) cũng dán mắt vào màn hình TV, mẹ xúc gì ăn nấy, không õng ẹo như mọi khi".


Bà mẹ này nhận xét, hình ảnh và âm thanh trong DVD quảng cáo này đều rất sắc nét, chất lượng không thua kém các quảng cáo trên TV. Đa phần các quảng cáo là về những sản phẩm dành cho trẻ em: kẹo Alpenliebe, Sugus, bánh gấu Koala, sữa, kẹo mút, kem, tã giấy... với những hình ảnh nhiều màu sắc, gây ấn tượng mạnh với lũ trẻ đến mức bé Tôm ra hàng tạp hóa là đòi mua kẹo Alpenliebe, Sugus...


"DVD được biên tập cho trẻ em nhưng lại có những hình ảnh không phù hợp. Ví dụ, quảng cáo dao cạo râu rất dễ khiến trẻ con bắt chước, cầm dao cạo râu của bố nghịch dại. Hay quảng cáo băng vệ sinh Diana Làm con gái thật tuyệt... Phải thừa nhận là ý tưởng và hình ảnh rất đẹp nhưng đưa vào đĩa cho trẻ con thì không nên. Gì chứ quảng cáo này thì không biết giúp trẻ thông minh ở chỗ nào?" - chị phàn nàn.


Tuy nhiên, đối với chị Hằng, đó là những nhược điểm có thể chấp nhận vì "quảng cáo trên TV còn nhiều cái phản cảm hơn". Chị cho rằng, dù sao, kiểm soát trẻ con xem quảng cáo trên đĩa dễ hơn trên TV nhiều.


Bìa DVD cho trẻ em quảng cáo "ảnh nóng"


Theo chỉ dẫn của các mẹ, các chị, chúng tôi tìm đến các hàng bán băng đĩa để tìm mua loại đĩa "giúp trẻ ăn ngon" này. Tại một cửa hàng băng đĩa trên đường Hai Ba Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, mới chỉ thốt lên ba từ "đĩa quảng cáo", chị bán hàng đã mau mắn dẫn tôi tới kệ, rút ra đĩa "DVD quảng cáo dành cho trẻ em".


Mặt trước của bìa đĩa là hình ba bé chừng 1-2 tuổi rất ngộ nghĩnh vời lời giới thiệu ấn tượng "Giúp trẻ em thông minh, mau ăn, chóng lớn".


Mặt sau của bìa đĩa là hình hai bé với dòng giới thiệu được in đậm, lớn "Giúp bé yêu của bạn thong minh, mau ăn, chóng lớn" (Chữ "thông" viết sai chính tả thành "thong" - PV).


Ngay dưới dòng chữ đó là hình Ngọc Trinh hở ngực rất khêu gợi, hình một cô gái cũng sexy không kém "dụ dỗ" nhắn tin tải "cảnh phim nóng bỏng" hay "Khám phá Tuyệt chiêu là những câu hỏi đại loại "Kiềm chế xuất binh có hại gì không, Nguyên tắc điều trị xuất binh sớm..." (nhắn tin để nhận câu trả lời - PV)


Chị bán hàng cho biết: "Thời gian này, cửa hàng chỉ có loại đĩa này thôi. Thỉnh thoảng lại có người hỏi mua".


Tới một hàng đĩa trên phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, người bán hàng cũng giới thiệu loại đĩa giống như ở cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng.


Khi nghe chúng tôi hỏi có loại đĩa khác không vì đĩa này vừa mua rồi, anh bán hàng cười nói: "Các cửa hàng khác cũng chỉ có đĩa này thôi chị. Đĩa quảng cáo dành cho trẻ em này có khi cả năm mới có hàng mới".



http://2sao.vn/p1005c1040n20120321150416731/tham-hoa-quang-cao-bang-ve-sinh-%E2%80%98giup-tre-thong-minh%E2%80%99.vnn