Khách đến nhà chơi nghe anh Bảo gọi con là Gien-đa, tưởng bố mẹ có kỷ niệm liên quan đến trời Tây. Hỏi ra mới biết, vì bé càng lớn càng có nước da đen nên gọi chệch thành cái nickname kia.


Bi hài những cái tên sai chính tả


77 cái tên 'kỳ quái' cấm đặt cho con


Hiện nay, các bé chào đời ngoài tên trong giấy khai sinh thường được bố mẹ chọn cho con một cái tên ở nhà - phần lớn mang nghĩa gần gũi, dễ thương, hoặc theo quan niệm xưa, đặt tên xấu cho dễ nuôi. Và xung quanh chuyện đặt tên ở nhà cho trẻ cũng có không ít chuyện bất ngờ.


Hay gặp nhất có lẽ là nickname đặt theo tên các con vật đáng yêu như Cún, Miu, Ỉn, đến các loại rau, củ, từ Bắp Cải, Cà Chua, Khoai, Ngô đến Bí, Mướp... Những tên gọi đồ uống như Lavie, Coca, Cà phê... cũng được nhiều người lựa chọn.


Thông thường, tên ở nhà của con được ấp ủ ngay khi các bà mẹ mang bầu, và vì thế, nhiều những nicknam mang tên các món khoái khẩu của mẹ trong thời kỳ nghén.


Chị Thanh (Đội Cấn, Hà Nội) kể, hồi có thai, chị không ăn được món gì ngoài ruốc do mẹ đẻ làm, cùng với cơm trắng. Và hai vợ chồng quyết định gọi cô con gái đầu lòng là Ruốc. Cũng vì luôn thèm ốc suốt 9 tháng 10 ngày mà chị Thu (Minh Khai, Hà Nội) lấy tên này đặt cho cậu con trai của mình. Những cái tên như Kem, Nem, Bún, Dừa... cũng ra đời vì lý do này.



Những cái tên ở nhà có khi gắn với bé đến tận lúc trưởng thành. Ảnh minh họa: MT.


Cũng có khi "sự tích" của cái tên ở nhà của bé lại liên quan đến những kỷ niệm tình yêu của bố mẹ.


Trên một diễn đàn cha mẹ, một thành viên có nick NhatLamxxx kể, con chị chưa ra đời, nhưng hai vợ chồng đã quyết định đặt tên cho bé là Nho Xanh. "Hồi cưa cẩm mình, bố nó hay kể chuyện Con cáo và chùm nho. Lúc chưa cưới được thì hắn nói: Nho xanh lắm, không hái đâu, để dành. Đến lúc cưới rồi thì bảo: Nho xanh cứ hái, về ngâm rượu cũng ngon", bà mẹ tương lai chia sẻ lý do.


Hai bé nhà chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) thì đều mang tên một loại bia, bé đầu là Ken, bé sau là Tiger do ông xã chị mê loại đồ uống này.


"Mình không thích hai tên ấy, muốn đặt các con là Tun, Tĩn nghe cho ngộ nhưng bố nó nhất định không chịu, nói tên con trai như thế nghe yếu mềm thế nào. Ken, Tiger cho mạnh mẽ, ra dáng. Cuối cùng mình đành chịu", chị Hoa kể.


Hai bé nhà chị Thơm (Bạch Đằng, Hà Nội) có cái tên khá ngộ nghĩnh: Hà Hà, Hì Hì. Nói về sự ra đời của tên này, chị Thơm kể, hồi chị mang thai bé đầu, muốn đặt tên con có chữ "Hà" theo đệm của bố, thì mấy chị em cùng cơ quan hùa vào nói "đặt luôn là Hà Hà vì chị suốt ngày cười". Đến bé sau, cái tên Hì Hì cũng theo nghĩa đó.


Giờ bé lớn đã 9 tuổi, bé nhỏ 6 tuổi nhưng cả nhà vẫn được gọi bằng nickname đó. Các bé đến cơ quan mẹ, đi học cũng gọi như vậy. "Không hiểu sao bọn trẻ rất thích được gọi như thế. Mình cũng cảm thấy khi gọi con bằng những cái tên này thật gần gũi, đáng yêu", chị Thơm thổ lộ.


Đôi khi, việc chọn tên ở nhà của bé cũng gây tranh cãi cho các thành viên trong gia đình. Một thành viên có nick Chonchonxxx trên một diễn đàn trẻ thơ kể, khi có bầu, vợ chồng chị định sẽ gọi con là MonMon và Chin Chin, gần giống với nickname của bố mẹ. Sau đó, ông xã chị cho là tên này khó gọi, muốn đặt con là Bư (nhân vật Ma Bư trong chuyện Bảy viên ngọc rồng), nhưng khi kể cho ông bà ngoại nghe thì bị phản đối vì các cụ cho rằng Bư nghe như con gà bư thóc.


Tiếp theo, hai vợ chồng chị nghĩ ra tên Củ Tỏi - một gia vị không thể thiếu trong món cơm gà hai người thích, và nghĩ gọi như vậy thì con sẽ không sợ ma."Chồng mình còn tính sau này búi tóc củ tỏi cho nó, rồi tưởng tượng ra cảnh mình nấu ăn, bảo chồng đưa cho củ tỏi thế là có một Củ Tỏi chạy lũn chũn vào. Mình cũng tính luôn gọi bé sau là Hành Phi", bà mẹ trẻ kể.


Khi thấy vợ chồng chị nói chuyện với em bé trong bụng bằng tên này, ông bà kịch liệt phản đối vì cho rằng nó liên quan đến cụm từ "Ngủm củ tỏi". Vậy là một loạt các tên khác lại được nghĩ ra: Guru, Gugu, Rugu (có nghĩa là con Kanguru vì bé được hình thành ở Australia) rồi Bơ Gơ... nhưng vẫn không vừa ý ông bà.


Vì quen gọi tên ở nhà của bé mà nhiều khi chính người trong gia đình "quên" cả tên thật của con. Hai tuần trước, đưa cậu con trai 10 tháng tuổi đi tiêm phòng, chị Kiều (Cầu Diễn, Hà Nội) không phản ứng gì khi cô nhân viên y tế gọi tên bé Nguyễn Hải Phong, cho tới khi ông xã níu tay nhắc "Bế con vào đi em". "Từ lúc con còn trọng bụng tới giờ mình đã quen gọi bé là Bờm rồi, nên khi người khác gọi tên trong giấy khai sinh thì lại nghĩ thầm 'không biết mẹ nào đưa con đến tiêm không ngồi đợi còn đi đâu", chị Kiều kể.


Còn anh Quang (Đặng Tiến Đông, Hà Nội) mới đây đến trường mầm non đón hai cháu hộ chị gái, khi cô giáo hỏi anh đón bé nào, anh nói tên Sò và Hến thì cô ngẩn người vì trong lớp không có bạn nào như vậy. Cho tới khi anh phải ghé hẳn vào trong lớp, nhìn mặt các cháu và gọi to thì cô mới biết đó là hai bạn Thảo My và Thảo Trang.


"Ở nhà có bao giờ gọi tên khai sinh của cháu đâu nên không nhớ. Cái tên Sò, Hến cũng do chính mình đặt, nghe lạ lạ, dễ thương, nên chỉ nhớ tên đó thôi", anh Quang kể.


Nếu như tên khai sinh thường được chọn sao cho đẹp, chứa đựng những kỳ vọng, mong ước của bố mẹ về tương lai của con, thì đa số các cặp vợ chồng trẻ đặt tên ở nhà cho con dựa trên yếu tố ngộ nghĩnh, dễ thương, và độc đáo. Tuy nhiên, không phải cái tên nào cũng khiến trẻ thích và thấy thân thương.


Chị Hải Linh, giáo viên một trường tiểu học ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, khi đi học vẫn được bố mẹ và bạn bè gọi bằng tên ở nhà, nhiều em thấy thân quen và vui, nhưng không ít trẻ cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ, nhất là những cái tên quá "độc".


Theo chị, bố mẹ không nên đặt tên ở nhà cho con bằng những cụm từ dài, bởi thường khi quen gọi, mọi người sẽ chỉ đọc chữ cuối, ví dụ như Cà Rốt thành Dốt, Oliver là Vơ, Cà Pháo thành Pháo... Nhiều gia đình lại chọn tên cho con liên quan đến giới tính của bé. Chẳng hạn các bé trai là: Cò, Cu, Ngẩu, Chim, bé gái là Hĩm, Dím, Bím, Tẹt... Điều này không nên chút nào vì có thể khiến trẻ bị bạn bè trêu chọc, chính các con khi lớn hơn sẽ xấu hổ, tự ti...


Vương Linh


http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/ten-doc-o-nha-cua-be-2761839.html