Chủ nhật, 1/12/2013 10:02 GMT+7


Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vay nợ hơn 1,35 triệu tỷ đồng


Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới hàng chục lần. Các khoản vay quá hạn tại Tập đoàn Dầu khí hay Tổng công ty Hàng hải cũng lên tới hàng nghìn tỷ.


Ngay trước ngày bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa ủy quyền Thủ tướng có báo cáo gửi các đại biểu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp Nhà nước. Các đơn vị này bao gồm 846 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty, tính đến hết ngày 31/12/2012..


Vinalines là một trong những doanh nghiệp Nhà nước đang có khoản nợ quá hạn khá lớn. Ảnh: HH


Tại thời điểm này, nợ phải trả của tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ-con lên tới 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 1,46 lần. Trong đó, 48 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, như Tổng công ty lắp máy Việt Nam hơn 53 lần; Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng gần 21 lần; Tổng công ty xây dựng công trình giao thông I là hơn 18 lần…


Với những số liệu báo cáo như trên, Chính phủ nhận định rất nhiều tập đoàn, tổng công ty không tự chủ được về tài chính, đang hoạt động phụ thuộc vào nguồn vốn vay nên chi phí tài chính lớn. Một số tập đoàn, tổng công ty đang có nợ quá hạn lớn như Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) nợ quá hạn 2.174 tỷ đồng, Tổng công ty hàng hải (Vinaline)s nợ 6.681 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê 153 tỷ đồng…


Có 4 trong tổng số 127 tập đoàn, tổng công ty có hệ số thanh toán nợ tổng quát nhỏ như Tổng công ty xăng dầu quân đội, Vinalines, Haprosimex Hà Nội do kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu nên tài sản không đảm bảo khả năng thanh toán nợ hiện có.


Các khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại của khối 127 doanh nghiệp này tăng nhẹ 2% so với năm 2011. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Vinalines… được nhắc đến như một trong những đơn vị có số nợ khủng nhất. Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang nợ nước ngoài hơn 315.000 tỷ đồng, trong đó vay ODA và Chính phủ bảo lãnh chiếm hai phần ba.


Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, xét tổng thể, các tập đoàn, tổng công ty bảo toàn được vốn chủ sở hữu, hệ số bảo toàn vốn bình quân là 1,27 lần. Tuy nhiên, cũng có những đơn vị không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính dẫn đến vốn chủ sở hữu giảm sút (hệ số bảo toàn vốn nhỏ hơn một, thậm chí bị âm).


Các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm được điểm tên là Tổng công ty Xăng dầu Quân đội âm 205 tỷ, Vinalines âm 2.177 tỷ, Tổng công ty Cơ khí xây dựng âm 316 tỷ…


Về tình hình sản xuất kinh doanh, Chính phủ cho biết, năm 2012 lỗ phát sinh có 7 tập đoàn, tổng công ty lỗ phát sinh hợp nhất là 5.380 tỷ đồng và có 9 công ty mẹ, lỗ 1.448 tỷ. Các đơn vị có tên trong danh sách lỗ này là Vinalines với 4.562 tỷ đồng, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC lỗ 246 tỷ, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 lỗ 44 tỷ…


Báo cáo hợp nhất của 25 tập đoàn, tổng công ty cũng cho thấy đến cuối 2012 có số lố lũy kế là 17.033 tỷ đồng và 16 công ty mẹ lỗ 11.820 tỷ. Một số đơn vị được nhắc đến với khoản lỗ lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Vinalines...


Về tình hình đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp, báo cáo cho biết, vẫn diễn ra phổ biến, kém hiệu quả. Giá trị đầu tư vào chứng khoán, vào quỹ đầu tư, bảo hiểm của các công ty mẹ đều giảm, riêng đầu tư vào ngân hàng lại tăng 3% so với năm 2011, với 13.152 tỷ đồng. Việc đầu tư ngoài ngành vào bất động sản của các công ty mẹ là 6.089 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm trước.


Số nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty là khoảng 276.000 tỷ đồng, trong đó, số khó đòi xấp xỉ 13.500 tỷ đồng, tăng 24,5% so với 2011.