Việc ngân hàng tiếp tục đòi tăng phí giao dịch qua ATM đang khiến người sử dụng dịch vụ phản ứng gay gắt.


Theo ghi nhận của Đất Việt, ngân hàng đang thu lợi rất nhiều từ dịch vụ ATM, như lãi suất qua đêm của tài khoản lương, phí các doanh nghiệp chi trả cho việc chi lương qua tài khoản, hay có thể dùng tiền từ tài khoản ATM của khách để phục vụ cho các hoạt động lưu thông tiền tệ... Thế nhưng, dường như "lòng tham vô đáy", một kế hoạch điều chỉnh biểu phí giao dịch liên mạng đã được phần lớn các thành viên của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam tán thành và có thể được áp dụng sớm nhất từ 1/6, tùy theo lộ trình của từng ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng đang lên kế hoạch tăng biểu phí giao dịch ATM liên mạng từ mức 3.000 - 3.300 đồng hiện nay lên 5.500 đồng, còn mức phí nội mạng cũng được xem xét thu.


Theo chuyên gia tài chính độc lập Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ các tổ chức ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đa phần các ngân hàng tại các nước trên thế giới đều thu phí sử dụng dịch vụ ATM, bởi chi phí để mua sắm, duy trì, bảo dưỡng và an toàn an ninh cho hệ thống ATM khá tốn kém. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hệ thống và dịch vụ ATM tuy đã được sử dụng phổ biến nhưng “tuổi đời” vẫn còn non trẻ, nên các ngân hàng cần tính toán chi phí thế nào cho hợp lý, để khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ rộng rãi hơn. Nhiều người sẵn sàng chịu mức phí cao để sử dụng thẻ tín dụng, nhưng vì sao với thẻ ATM, dù ngân hàng chỉ thu vài nghìn tiền phí mỗi lần giao dịch, họ lại phản ứng gay gắt? - Vì các dịch vụ của thẻ ATM hiện khá hạn chế, quay đi quay lại cũng chỉ có trả lương, rút tiền. Khi số tiền để trong tài khoản ATM chẳng sinh lãi là bao (lãi suất không kỳ hạn rất thấp), trong khi mỗi lần giao dịch, mức phí lại cao, thì nhiều người sẽ từ chối sử dụng dịch vụ này.


“Thật khó nói mức phí như thế nào là hợp lý thời điểm này, chỉ có các ngân hàng mới biết thu phí thực chất bao nhiêu là đủ bù chi phí. Song, mức tăng 70% lên 5.500 đồng một lần giao dịch ATM ngoại mạng có lẽ hơi cao, nhất là với những người làm công ăn lương, công nhân, viên chức hàng tháng nhận đồng lương eo hẹp qua tài khoản ATM”, ông Dũng nói.


Theo chị Trịnh Thanh Tâm, nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần lớn từng phát triển sản phẩm thẻ, ngân hàng được lợi rất lớn từ việc mở hệ thống ATM. Chẳng hạn, khi các đơn vị trả lương qua tài khoản của một ngân hàng, tiền được chuyển về tài khoản của ngân hàng đó, qua một đêm, ngân hàng được hưởng lãi từ bán vốn qua đêm từ nguồn tiền này. "Khoản này cũng khá lớn với những nhà băng có nhiều doanh nghiệp đăng ký trả lương qua tài khoản. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị trả lương qua tài khoản, mỗi lần chi lương với một khoản chi cho một thẻ, phí các đơn vị trả lương trả cho ngân hàng từ 1.100 đển 4.400 đồng một khoản. Đây là nguồn thu thứ hai", chị Tâm nói.


Còn một nguồn thu nữa cũng khá lớn là ngân hàng có thể dùng số tiền khách hàng để trong tài khoản ATM để phục vụ cho các hoạt động khác nhằm sinh lời. Một khách hàng có trong tài khoản ATM 10 triệu đồng thì chắc chắn khi rút họ thường rút ít hơn số tiền đó. Vậy ngân hàng có thể tính toán số tiền lưu thông trong máy cho phù hợp, để số còn lại ngân hàng có thể dùng cho các hoạt động của mình.


Một nguồn thu chính nữa của các ngân hàng từ dịch vụ ATM là phí giao dịch. Năm 2010, trong tổng doanh số sử dụng thẻ (cả nội địa và quốc tế) là 29,1 tỷ USD thì doanh số rút tiền mặt tại ATM lên tới 21,5 tỷ USD. Điều này cho thấy các ngân hàng thu được nguồn phí khá lớn từ giao dịch ATM.


Trong khi các ngân hàng thu lợi rất nhiều từ dịch vụ ATM, thì việc họ tiếp tục đòi tăng phí giao dịch qua ATM càng khiến người dùng phản ứng gay gắt. Anh Hưng, nhân viên kinh doanh của một salon ô tô lớn tại Hà Nội, cho rằng, ngân hàng thu lợi từ tiền của chủ tài khoản thì cũng cần bỏ ra một phần để đầu tư vào hệ thống ATM, chứ không thể chỉ dùng hoàn toàn từ tiền phí giao dịch của khách hàng.


Chị Bùi Thị Oanh, sinh viên khoa kế toán, ĐH Dân lập Thăng Long, cho hay, mỗi tháng chị được gia đình gửi cho 1,4 triệu đồng qua tài khoản ATM, mỗi lần rút tiền, chị Oanh chỉ rút khoảng 200.000 đồng. “Nếu ngân hàng tăng phí giao dịch lên 5.500 đồng một lần rút tiền thì mỗi tháng tôi mất gần 40.000 đồng, trong khi tiền gia đình chu cấp đã eo hẹp, không đủ sống khi giá cả leo thang. Tôi nghĩ, nếu dịch vụ viễn thông có gói cước sinh viên và sim sinh viên, thì cũng nên có thẻ ATM dành riêng cho sinh viên, trong đó giảm phí giao dịch cho họ. Nếu không, tôi sẽ không sử dụng dịch vụ ATM nữa”, chị Oanh cho biết.


Ông Đỗ Hoàng Thiệu, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á, cho rằng, đồng ý với việc các ngân hàng phải thu phí ATM để phục vụ việc đầu tư, vận hành, bảo trì bảo dưỡng đối với hệ thống các máy ATM. Thế nhưng, mỗi lần kiến nghị tăng phí, các ngân hàng cần chỉ rõ việc tính phí này dựa trên những tiêu chí, căn cứ nào, để khách hàng thấy rằng mức phí đó đã phù hợp hay chưa. Các ngân hàng cũng cần tính đến trường hợp thu phí đối với các giao dịch ATM, nếu cao quá, sẽ dẫn đến một hệ lụy là người dân lại quay trở lại với việc sử dụng tiền mặt như trước kia.


Thu Hạ


http://baodatviet.vn/Home/kinhte/Tang-phi-ATM-lo-ro-ban-chat-tham-tien-cua-ngan-hang/20115/145080.datviet


==============


Tốt nhất lương chuyển vào thẻ thì vào ngân hàng rút hết ra, chứ ko nhiều hôm lại như bà chị mình, hết tiền mà ỷ y ko chịu rút sớm, hết giờ làm việc, chạy 4-5 cái ATM ko có tiền, mặt mày xanh hết, trong túi chỉ có vài ngàn đồng