Đáp lại nghi vấn copy Doraemon, nhóm tác giả truyện tranh Việt DếRôBốt cho biết đây chỉ là sự dung hòa giữa bắt chước và sáng tạo.


DếRôBốt - tập truyện tranh dành cho thiếu nhi do một công ty truyền thông Việt chịu trách nhiệm ấn hành vừa ra mắt tập đầu tiên. Nhân vật chính của truyện gồm có chú dế rô bốt tên DeRotBo và 4 người bạn: Út Đa, Chi Hu, Bom Hô và Ù La.


Bộ truyện đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều fan yêu truyện tranh và cộng đồng mạng khi cho rằng DếRôBốt đang nhái lộ liễu bộ truyện nổi tiếng Doraemon về hình thức lẫn nội dung.


Fans bức xúc vì truyện tranh Việt 'nhái' Doraemon lộ liễu


Tập truyện tranh Việt mới mang tên DếRôBốt. Ảnh: FB


Xung quanh những ồn ào này, iOne có cuộc trao đổi với nhóm tác giả bộ truyện DếRôBốt để giải đáp thắc mắc.


- Các bạn giải thích thế nào về nghi vấn sao chép khi DếRôBốt vừa ra mắt tập đầu tiên?


- Nhóm không phủ nhận nhân vật và mô típ truyện DếRôBốt dựa vào Doraemon. Sự ra đời của bộ truyện là kết quả của quá trình nghiên cứu và học tập công thức thành công từ Doraemon nên chắc chắn sẽ có sự tương đồng. Nhóm gọi đây là phương pháp học tập và đổi mới (Innovation), một khái niệm trung gian giữa “bắt chước” và “sáng tạo” mà thế giới đã sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực.


Nhóm nghĩ rằng, dù Doraemon gần gũi với bao thế hệ trẻ nhỏ Việt Nam nhưng đó vẫn là một sản phẩm của nước ngoài, mang nhiều yếu tố truyền thông - văn hóa Nhật Bản. Do vấn đề bản quyền, đa số trẻ em Việt đến với truyện tranh Nhật đều phải đọc ngược. Tụi mình muốn thử nghiệm phương pháp Innovation để tạo ra một nhân vật mới vừa quen vừa lạ, thuần Việt và gần gũi, đặc biệt là cải thiện được lối đọc ngược cho các em.


- Nhiều độc giả cho rằng, DếRôBốt có cách dựng hình và nét vẽ quá giống với Doraemon?


- Nhóm hoàn toàn khẳng định DếRôBốt được hình thành dựa trên những công thức của Doraemon, trong đó có cả những công thức không thể thay đổi như số lượng nhân vật chính, nguyên tắc dựng hình: nét vẽ tròn trĩnh, ngộ nghĩnh, tạo hình dễ nhớ để các em nhỏ dễ dàng vẽ theo.


Nhóm tác giả xác nhận tập truyện DếRôBốt được phát triển dựa vào bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon. Ảnh: FB.


Có những công thức tạo nên sự thành công của Doraemon mà nhóm muốn giữ lại để tạo được sự tương đồng giữa hai bộ truyện. Điều này sẽ tạo nên hiệu ứng thân thiện cho các bạn đọc nhí, như Doraemon đã chinh phục nhiều người vào năm 1992.


Thoạt nhìn, tạo hình DếRôBốt khá giống với Doraemon nhưng Dế vẫn mang cho mình những đặc điểm rất riêng, rất Việt. Chúng mình đã tạo hình dựa vào chú dế gắn liền với nông thôn Việt Nam, thân thuộc với tuổi thơ... Màu xanh của chú Dế bị cho là giống màu da của Doraemon nhưng thực ra, đó là màu sắc trên đồng phục học sinh tiểu học với quần tây xanh, sơ mi trắng, khăn quàng đỏ.


- Nội dung truyện bị nhiều người cho rằng copy từ Doraemon ở nhiều chi tiết. Nhóm nói gì?


- Nhóm xác định ngay từ ban đầu, điểm thành công lớn nhất của Doraemon đó chính là bảo bối. Vì thế, bảo bối cũng là một công thức tụi mình giữ lại và học tập. Tuy nhiên, nếu bảo bối của Doraemon mang đậm ước mơ của người dân Nhật Bản về một tương lại hiện đại - tối tân - nơi mọi thứ có thể xảy ra thì với Dế lại khác.


Bảo bối của DếRôBốt gắn liền với những trò chơi, thú vui của trẻ em Việt, như những tấm đề can dán đầy màu sắc (Đề can bay), tò he với các hình thù ngộ nghĩnh (Tò he sống dậy)… hay những vật dụng, sự vật gắn liền với văn hóa người Việt, truyện cổ tích như chiếc giếng thần (Giếng thần như ý)...


Nhóm xây dựng cốt truyện có tình tiết ảo thuật để câu chuyện được dẫn dắt linh hoạt, tạo ra sự biến đổi liên tục. Đó cũng chính là yếu tố thu hút độc giả nhí mà nhóm nhìn thấy được từ Doraemon. Xoay quanh trong mỗi tập truyện là các món bảo bối nên cần phải có những tình huống cao trào liên quan. Từ đó, tạo ra điểm tương đồng với Doraemon như độc giả nhận xét.


Doraemon có hơn 4.500 bảo bối, và chính trong bộ sưu tập bảo bối của Doraemon cũng có những bảo bối với công dụng tương tự nhau. Nhóm luôn suy nghĩ và cân nhắc khi tạo ra bảo bối, nhưng với con số bảo bối khổng lồ của Doraemon thì khó thể tránh khỏi sự giống nhau.


Nội dung và nét vẽ của DếRôBốt khá giống với Doraemon. Ảnh: FB Minh Hoàng Anh Võ.


- Có ý kiến đây là chiêu trò PR để quảng cáo sản phẩm của các bạn?


- Toàn bộ kết cấu truyện và thiết kế nhân vật đã được chuẩn bị kỹ càng để thực hiện một bộ truyện dài hơi. Ngay từ đầu, bộ truyện được xác định sẽ dựa trên phương pháp học tập từ cái cũ nên không hề có chuyện dùng sự "giống Doraemon" làm chiêu trò PR.


Nhóm ý thức được việc học tập công thức thành công từ một bộ truyện quá nổi tiếng sẽ gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Thế nên, để những ai yêu Doraemon ngay lập tức hiểu và công nhận phương pháp sáng tạo này quả là một điều khó khăn. Nhóm và chú Dế cần thời gian để thuyết phục bạn đọc chấp nhận bộ truyện này.


- Mục tiêu của các bạn khi làm bộ truyện này là gì?


- Đó là phục vụ cho trẻ em Việt Nam. Tụi mình luôn làm việc với tiêu chí: làm sao để các em có thể đọc truyện bằng chính văn hoá đọc của người Việt mình. Hy vọng rằng, các em nhỏ sẽ có những giờ phút giải trí vui nhộn, bổ ích khi kết bạn với DếRôBốt. Nếu có bạn nhỏ nào cười vui khi đọc truyện DếRôBốt thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao cho nhóm.


- Nội dung của những tập tiếp theo có gì khác biệt để đánh tan nghi án này?


- Nhóm luôn ý thức mình đang làm truyện tranh cho trẻ em Việt (từ 6 đến 11 tuổi), vì thế nhóm muốn DếRôBốt phải thực sự gần gũi và chuyển tải được những câu chuyện quen thuộc của đời sống thường nhật. Dĩ nhiên, nhóm cần thời gian để điều chỉnh.


Sẽ có những “nghi án” cũng như phản hồi về sự giống nhau giữa Mèo ú Doraemon hay Dế ú DeRotbo cũng như những khiếm khuyết khác của nhóm. Dù ý kiến tích cực hay tiêu cực thì tụi mình vẫn luôn ghi nhận, xem đó như là bài học để tiếp tục cố gắng.


http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/tac-gia-derobot-thua-nhan-hoc-hoi-doraemon-2958143.html