(VnMedia) - “Tôi biết đi xe máy năm 1970, hơn 40 năm cầm lái, chưa bị ngã và gây tai nạn. Cấm xe máy vào giờ cao điểm là “đụng chạm” tới nhiều người nhưng những người làm công sở, công ty có phải là người bị tổn thương nhất không?”, tác giả đề xuất cấm xe máy trong nội thành phản biện.



>Đề xuất cấm xe máy nội thành giờ cao điểm



Sau ý kiến tranh luận của hàng trăm bạn đọc VnMedia về sáng kiến “Giờ không xe máy” của mình, tác giả Vũ Tuyên đã gửi đến tòa soạn bài viết phản hồi những tranh luận của bạn đọc. VnMedia giới thiệu bài viết trên.


Trước hết xin cảm ơn VnMedia đã khởi xướng một diễn đàn thú vị mà ở đó mọi người được bày tỏ quan điểm của bản thân về một vấn đề đang gây bức xúc dư luận là ùn tắc giao thông. Xin cảm ơn cộng đồng mạng đã cùng quan tâm đến vấn đề ùn tắc giao thông của Thủ đô cho dù đó là ý kiến ủng hộ hay trái chiều.


Điều đáng mừng là không ai phản đối việc cần phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho phương tiện cá nhân. Theo tôi, về mặt vĩ mô, đúng là chúng ta đã có sai lầm khi để mô tô, xe máy trở thành phương tiện giao thông chủ yếu mà nếu sai thì nên sửa.



Trong đề án, tôi có trình bày: “ ... cái mà người dân cần ở xe buýt là chạy đúng giờ, đúng hành trình thì xe buýt không có. Nhưng thứ cần để xe buýt chạy đúng giờ là đường thì chúng ta đang dành cho xe máy...”.


Cơ quan chức năng hiện nay cũng chỉ mong có đường dành riêng cho xe buýt. Nhưng thử hỏi tiền ở đâu để làm được hàng chục tuyến đường riêng. Thậm chí, nếu có thì lấy đất ở đâu để cho các tuyến đường mới len chân. Có đường riêng nhưng ai đảm bảo nó không bị xe máy lấn làn khi ùn tắc như họ đang lấn người đi bộ trên vỉa hè?.



Rõ ràng chúng ta bị vướng trong một vòng luẩn quẩn giữa chất lượng của hệ thống vận tải công cộng và mong muốn của cộng đồng mà nguyên nhân sâu xa không hẳn là hạ tầng kém. “Giờ không xe máy” chỉ là cách để tạo đường riêng một cách tạm thời để xe buýt chạy nhiều hơn, đúng giờ hơn.


Tác giả đề xuất "Giờ không xe máy" ông Vũ Tuyên. Ảnh: Tùng Nguyễn



Phương án tôi nêu ra không nhằm đáp ứng lợi ích của những người có ô tô riêng nhưng mặc nhiên họ là người được hưởng lợi. Có lẽ nên chấp nhận lợi ích này vì dùng ô tô là xu thế chung. Không biết 30 năm tiếp theo, loài người có tạo ra loại phương tiện nào thay thế và phổ biến như ô tô hay không? Vả lại, 30 năm trước đây, ai dám nghĩ xe máy ở Việt Nam lại nhiều và thông dụng như hiện nay.



Cuộc sống luôn phát triển nên chăng cần nhận thức đúng để định hướng thay vì cấm đoán. Để hạn chế ô tô cá nhân trong "Giờ không xe máy", tôi cũng đề nghị : “Giờ cao điểm, trên xe ô tô bắt buộc phải có thêm một người ngồi ở ghế trước”. Điều này tưởng là nhỏ, nhưng nó giúp lượng xe con lưu thông trong giờ cao điểm giảm đi nhiều.



Ngoài ra, chúng ta có thể tổ chức tuyến phố một chiều với xe con, theo hướng ưu tiên xe buýt và xe đạp. Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng:” Bắt một chiếc ô tô tuân thủ luật lệ giao thông dễ hơn nhiều so với một chiếc xe máy” (hãy lấy quy định lái xe ô tô phải đeo dây an toàn làm ví dụ). Như vậy, nếu có “thương” ô tô, cũng là vì nó dễ chế ngự bằng luật.


“Cấm xe máy trong nội thành vào giờ cao điểm” là “đụng chạm” tới rất nhiều người nhưng thử hỏi người làm ở công sở, công ty có phải là người bị tổn thương nhất không? Theo tôi không hẳn vì họ còn có phương án đi xe buýt hoặc làm lệch giờ.




Cảnh thường thấy trên các tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Tùng Nguyễn


Còn vấn đề những người hành nghề xe ôm sẽ kiếm sống ra sao khi mỗi ngày họ bị cấm dùng xe đến 6 tiếng? Khi đó, ngoài việc xây dựng hệ thống xe buýt đủ đáp ứng yêu cầu xã hội, nhà nước cần có chính sách, cho vay vốn để người lái xe ôm có thể tổ chức mạng lưới trung chuyển khách từ ngõ sâu ra trạm xe buýt bằng xe tải (5 tạ) hoán cải. Thậm chí có thể dùng xe này đưa, đón trẻ con đi học. Nếu như vậy, thì xe con đi trong giờ cao điểm đâu chỉ là các “đại gia”.


Một điều nữa cũng nên bàn, đó là sự phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Việc nhiều vấn đề xã hội được nhìn nhận theo góc độ này cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu “áp chặt quá” thì dễ bị phiến diện. Mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn nếu cùng nghĩ đến lợi ích chung của xã hội.


Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Thuở nhỏ phải đi học trường làng vì gia đình cũng chẳng thân thế gì. Lớn lên thì đi bộ đội và chiến đấu tất cả các chiến trường A, B, C, K . Sau chiến tranh, tôi đi học để trở thành cán bộ nhà nước. Tuy chẳng bao giờ bị kỷ luật nhưng với tôi, chế độ đãi ngộ đang là một con số “không” rất tròn. Tôi biết đi xe máy năm 1970 và có xe máy riêng từ 1975 tới nay. Hơn 40 năm cầm lái, chưa bị ngã và gây tai nạn.



Ô tô riêng thì tôi có hơn 10 năm nay nhưng chưa một lần chủ tâm lái xe vào thành phố. Tôi đã lái xe tới chân Cột cờ Lũng Cú nhưng không thích đi xe trong Hà Nội. Từng ấy năm lái xe nhưng chỉ một lần phải trình bằng lái với cảnh sát. Con tôi còn nhỏ, nên gần 10 năm nay, tôi phải đưa các cháu đi học bằng xe máy. Chúng chưa một lần được bố đưa bằng ô tô đến trường.



Tôi viết đề án này năm 2009 và đã có ý thức chuẩn bị để tham gia “ Giờ không xe máy”. Tôi viết thêm những dòng này chỉ để nói rằng "Tôi là người bình dân và muốn làm một việc cũng bình dân”.


Tùng Nguyễn


http://vnmedia.vn/VN/tac_gia_de_xuat_cam_xe_may_gio_cao_diem__phan_phao_426_241276.html