"Sướng như... phim!" và "Ước gì được như phim!" ấy là những gì mà nhiều người đã thốt lên khi xem những bộ phim truyền hình đã và đang được trình chiếu lâu nay ( nhất là các đài truyền hình phía Nam).


Xin nói ngay khán giả bỗng dưng thốt lên như vậy vì những hình ảnh trên phim ảnh truyền hình quả là niềm mơ ước của đại đa số người dân Việt Nam ta hiện nay: Biệt thự, nhà lầu, xe hơi bóng loáng, rượu ngoại, tiệc tùng, vũ trường nhảy nhót thâu đêm suốt sáng v..v... là những hình ảnh chủ đạo trong các phim truyền hình hiện nay. Có một điều rất lạ là những nhân vật trong phim luôn là những người có ngoại hình rất đẹp (do dàn diễn viên đẹp), áo quần bảnh bao trong khi họ hầu như không phải làm gì - mà nếu có cảnh đi làm thì cũng chỉ thấy toàn là giám đốc, doanh nhân cùng lắm là nhân viên trong những văn phòng máy lạnh - và chủ yếu là yêu nhau với những cuộc tình tay ba, tay tư, những éo le trong cuộc sống tình cảm.


Chỉ tính tại thời điểm dịp Tết Nguyên đán Canh Dần đã có thể kể đến những bộ phim loại này được chiếc rộng rãi trên truyền hình như: "Cha dượng", "Tường vi cánh mỏng", "Cuộc chiến hoa hồng", "Lập trình của trái tim". Có thể nói ngoa rằng, cuộc sống trong những bộ phim này không chỉ khán giả Việt Nam mà ngay cả khán giả ngoại quốc là người thuộc các nước phát triển cũng phải ao ước.


Trong khi trong thực tế xã hội ta hiện có đến hơn 70% là nông dân đang lao động quần quật trên ruộng đồng, hàng triệu công nhân phải làm việc tăng ca kíp liên tục, thậm chí bị ngất xỉu trong khi đồng lương chưa nổi 2 triệu đồng/tháng, một số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, giáo viên lặng thầm hy sinh cho sự bình yên Tổ quốc và sự nghiệp trồng người nơi vùng sâu, vùng xa, biên cương,hải đảo xa xôi... Cả nước hiện có đến 12,3% hộ nghèo với chừng hơn 10 triệu nhân khẩu (với mức thu nhập chỉ có 200.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị). Vậy mà phim ảnh lại chỉ phản ánh cuộc sống của một bộ phận nhỏ những người giàu có không đại diện cho đa số nhân dân lao động. Có lẽ chính sự xa lạ trên phim ảnh đã làm mất đi tính hiện thực của cuộc sống và điều đó làm cho phim bây giờ kém hấp dẫn với đại đa số khán giả.


Thiết nghĩ, để khán giả đừng quay lưng lại với phim Việt Nam (một ngành giải trí, một công cụ truyền bá tư tưởng) có lẽ chính các nhà làm phim truyền hình cần xem lại đối tượng phục vụ của mình. Chỉ khi nào phục vụ cho đại đa số quần chúng nhân dân lao động thì nghệ thuật mới ghi được dấu ấn trong lòng khán giả.


Theo Thanh Tùng


http://tintuconline.com.vn/vn/sankhaudienanh/440476/index.html