Kẽm là vi chất quan trọng duy trì sức khỏe và dinh dưỡng của con người. Thiếu kẽm có thể dẫn đến một số rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa, thần kinh...



Cho trẻ ăn thức ăn có nguồn gốc


từ động vật để bổ sung kẽm



Kẽm tham gia vào các hoạt động của trên 300 enzym trong các phản ứng sinh học quan trọng, trong đó có các enzym tiêu hóa. Đặc biệt là các enzym cần thiết cho sự tổng hợp protein, acid nucleic cũng như sự tổng hợp, bài tiết và hoạt động của nhiều hormon tăng trưởng quan trọng như GH, IGF-1, testosteron, insulin, thymulin.


Do đó, kẽm cần thiết cho việc phiên mã gien, sinh sản, tái tạo và nhân đôi tế bào; cần cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của các chức năng về miễn dịch, tiêu hóa, não, nội tiết, xương, cơ, sự trưởng thành giới tính cũng như chống oxyt hóa.


Thiếu kẽm gây ra tình trạng suy giảm tiêu thụ năng lượng nên thường kết hợp với thiếu năng lượng và nhiều dưỡng chất khác…


Nguyên nhân thiếu kẽm


Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Danh - Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, khi cơ thể tăng nhu cầu về kẽm nhưng không được đáp ứng thì trẻ sinh ra nhẹ cân, bệnh còi xương. Đối với người lớn, trong giai đoạn thai nghén, cho con bú, dưỡng bệnh... đều cần chất kẽm.


Thiếu kẽm nhẹ và vừa là tình trạng khá phổ biến. Theo TS Nguyễn Thanh Danh, tình trạng này do ăn uống kém kết hợp với các rối loạn có hại khác. Có thể nhận thấy trên một số biểu hiện cụ thể sau:


Thiếu dinh dưỡng: Chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao, giảm tiết sữa và các bệnh trầm trọng.


Rối loạn tiêu hóa và chuyển hóa: Trẻ có tình trạng suy giảm tiêu thụ năng lượng như chán ăn hoặc giảm ăn, giảm bú, không ăn thịt cá, chậm tiêu, táo bón nhẹ; buồn nôn và nôn kéo dài ở trẻ, buồn nôn và nôn (nghén) ở phụ nữ mang thai.


Rối loạn tâm - thần kinh: Rối loạn giấc ngủ (trằn trọc khó ngủ, mất ngủ), thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm kéo dài. Suy nhược thần kinh (đau đầu, thần kinh dễ bị kích thích, giảm trí nhớ…). Rối loạn cảm xúc (thờ ơ, lãnh đạm, trầm cảm, thay đổi tính tình). Suy yếu hoạt động của não, mơ màng chậm chạp, hoang tưởng, mất điều hòa lời nói, rối loạn vị giác và khứu giác, khuyết tật, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động...


Ngòai ra, ở người thiếu chất kẽm còn có thể bị suy giảm khả năng miễn dịch: Nhiễm trùng tái diễn ở đường hô hấp (viêm mũi họng, viêm phế quản tái đi tái lại, viêm đường tiêu hóa, viêm da, mụn bỏng, mụn mủ, viêm niêm mạc)…, khô da; tóc giòn dễ gãy, hói tóc.


Thiếu kẽm còn gây tổn thương mắt: sợ ánh sáng, mất khả năng thích nghi với bóng tối, mù đêm, quáng gà, khô mắt, loét giác mạc.


Trường hợp thiếu kẽm nặng, còn có thể dẩn đến viêm da, dầy sừng, sạm và bong da mặt ngoài hai cẳng chân (vẩy cá), hói, loạn dưỡng móng (móng nhăn, có vệt trắng, chậm mọc), khô mắt. Viêm quanh hậu môn, âm hộ, tiêu chảy. Tăng nhạy cảm đối với bệnh nhiễm trùng, gây ra nhiễm trùng tái diễn. Kích thích thần kinh, rối loạn nhận thức, mắc chứng ngủ lịm, chậm phát triển tâm thần vận động. Chậm phát triển giới tính, giảm năng tuyến sinh dục, ít tinh trùng, bệnh bất lực. Suy dinh dưỡng nặng, chứng lùn...


Phòng và trị bệnh


Khi ở vào các trường hợp nói trên, cần đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được chỉ định điều trị.


Để phòng chống thiếu kẽm, cần chọn thức ăn giàu kẽm hoặc có bổ sung kẽm.


Phòng chống thiếu kẽm cho trẻ phải được quan tâm cùng với phòng chống thiếu kẽm cho các bà mẹ từ lúc mang thai (khi có các biểu hiện nghén, biếng ăn, giảm ăn, bào thai chậm tăng trưởng). Nuôi con bằng sữa mẹ (không cai sữa sớm trước 12 tháng). Sau 4-6 tháng do bé phát triển nhanh và nhu cầu tăng, nếu thiếu sữa mẹ, phải cho bú sữa bò. Cần đưa thêm kẽm qua thứ ăn dặm hay bổ sung kẽm bằng đường uống (liều 5mgZn/ngày).


Trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5kg phải bổ sung kẽm từ tháng thứ hai sau sinh. Cho trẻ ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm, nhất là thức ăn có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, nhộng tằm, thịt bò, thịt cóc… (thịt cóc phải làm thật kỹ, bỏ hết ruột, gan, trứng và da).