Theo Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Phạm Xuân Tiến, số tiền một tháng uống sữa là khoảng 70 nghìn đồng, chỉ tương đương với 2 bát phở vào buổi sáng. Trong khi đó, một số phụ huynh vẫn băn khoăn...



Báo VietnamNet đưa tin, tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 25/9, sở GD-ĐT đã thông tin về chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh trên địa bàn giai đoạn 2018 – 2020.



Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết, theo đề án này, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại Hà Nội sẽ được thụ hưởng chương trình trợ giá uống sữa theo năm học, từ năm học 2018- 2019 đến hết năm 2020.



webtretho



Phó Giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến




Với định mức mỗi trẻ mẫu giáo, học sinh được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.



Theo cơ chế hỗ trợ Đề án Sữa học đường, trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học thuộc diện nghèo cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí. Trong đó ngân sách hỗ trợ 50% tiền sữa, doanh nghiệp (DN) cung cấp sữa hỗ trợ 50%.



Đối với học sinh bình thường, ngân sách hỗ trợ 30% tiền sữa, DN cung cấp sữa hỗ trợ 20% tiền sữa, 50% tiền sữa sẽ do phụ huynh học sinh đóng góp.



Ông Tiến cho biết, mức giá một hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/ hộp/180ml. Tức mỗi học sinh bình thường phải đóng góp 3.400 đồng/hộp, số tiền một tháng uống sữa là khoảng 70 nghìn đồng, chỉ tương đương với 2 bát phở vào buổi sáng.



Theo ông Tiến, phụ huynh hoàn toàn có thể không đăng ký và cho con tự đưa sữa ở nhà đến trường uống được.



"Về tinh thần, việc tham gia là tự nguyện, không bắt buộc. Với những phụ huynh không có nhu cầu cho con tham gia thì hoàn toàn không cần phải đăng ký và không ai có thể bắt buộc.



Thậm chí, kể cả dù đã đăng ký tham gia, nếu thấy không phù hợp và cần thiết thì có thể dừng tham gia bất cứ lúc nào. Không có chuyện thi đua trong việc uống sữa nhiều", ông Tiến nói.



webtretho
Nhiều phụ huynh băn khoăn trước khi đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường (ảnh minh họa)




Tuy nhiên, tờ Dân Trí thông tin, mặc dù chưa triển khai chương trình Sữa học đường nhưng phản ánh tới báo Dân Trí, một số phụ huynh tại Hà Nội cho biết có tình trạng giáo viên chủ nhiệm vận động phụ huynh đăng kí cho học sinh tham gia vì thành tích. Nhiều người lo ngại, mục tiêu đề án tốt nhưng việc triển khai có vấn đề và nhiều câu hỏi về cách thực hiện chưa có lời giải đáp thỏa đáng.



Một phụ huynh có con đang học tiểu học tại quận Hà Đông cho biết, vài hôm trước, trên nhóm chat của lớp, cô giáo chủ nhiệm (GVCN) thông báo về chương trình Sữa học đường.



Trong tin nhắn của giáo viên này gửi đến các phụ huynh, một số lớp khác có số học sinh tham gia gần 100% sĩ số lớp. Và nếu lớp này không tham gia đầy đủ, nghĩa là cô chưa hoàn thành công tác chủ nhiệm.



“Chúng tôi đang tìm hiểu và ít nhất phải hỏi con xem muốn uống loại sữa gì để quyết định tham gia hay không. Tuy nhiên, với tin nhắn như trên, chúng tôi nghĩ phụ huynh khó mà từ chối”, phụ huynh này cho biết.



Chia sẻ với PV Dân Trí, một số phụ huynh đồng quan điểm dường như chương trình được phổ biến "hơi gấp".



"Một chương trình lớn như vậy, có tác động tới thể chất của các cháu, đương nhiên phụ huynh nào cũng quan tâm. Tuy nhiên chương trình chỉ gói gọn trong tờ A4 với những thông tin chung chung, nhà trường cũng không có thông báo, giới thiệu gì nhiều, chỉ có giáo viên ở lớp bảo phụ huynh về đọc và điền vào ô "Đồng ý" hoặc "Không đồng ý" và bảo hôm sau nộp.



Chưa kể trong thực đơn hàng ngày ở trường cũng đã có sữa. Hiện tại nếu con gặp vấn đề gì thì đầu mối trách nhiệm là nhà trường. Nếu chuyển sang sữa này, nếu có vấn đề gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm?



Vẫn còn nhiều câu hỏi như vậy thì bảo sao chúng tôi yên tâm chi tiền để con tham gia được?", một phụ huynh xin phép giấu tên chia sẻ.



Chia sẻ với PV Dân Trí, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, trong cuộc họp mới đây, Phòng đã quán triệt đến từng Hiệu trưởng nhà trường phải có cách thức triển khai phù hợp để Chương trình sữa học đường phát huy được tính chất nhân văn. Nhiều hiệu trưởng nắm được đây là chương trình tự nguyện.



“Ngày thứ 3 tới đây, tôi tiếp tục có cuộc họp với các Hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở để không thể xảy ra trường hợp “ép” phụ huynh tự nguyện như phản ánh.



Mặt khác, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn về việc uống nhiều sữa, trẻ có dậy thì sớm, béo phì?



Chia sẻ trên
Zing.
vn
, PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết sữa là một trong 8 nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ hấp thụ trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.



Theo bà Nhung, viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày.



Trường học đang áp dụng cho trẻ uống sữa có thể chuyển thành sữa chua hoặc phomai. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng, khiến học sinh bị béo phì.



Khi thấy con béo phì, nhiều phụ huynh cắt sữa. Tuy nhiên, thực tế, các thực phẩm như bánh
bao
, bánh giò, xôi đều có lượng calo nhiều hơn sữa. Trẻ béo phì không phải do sữa mà bởi nếp sống chuộng đồ ăn nhanh. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn chiếc bánh quy, bánh giò hay bánh rán.



Bà Nhung khẳng định việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày. Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm.



H.Y


https://www.nguoiduatin.vn/sua-hoc-duong-phu-huynh-ban-khoan-so-giao-duc-noi-chi-bang-tien-hai-bat-pho-a405279.html