Trong 9 tháng, bạn sẽ mang trong mình 1 mầm sống quý giá. BCare xin gửi đến bạn những thông tin này để bạn biết về sự phát triển của em bé trong 9 tháng thai kỳ.


Tháng thứ 1


Trứng thụ tin bắt đầu phân chia rồi tự bám vào thành tử cung. Ngay cả khi bạn chưa biết gì về sự hình thành 1 mầm sống mới này, dù bé chỉ mới dài vài milimet, các cơ quan quan trọng của thai nhi, bao gồm cả tim phổi não, tủy sống đã bắt đầu được hình thành.


Tháng thứ 2:


Thai nhi sẽ dài khoảng 2,5cm và nặng khoảng 3gram. Não, tim phát triển tương đối hoàn chỉnh, ngón chân, ngón tay và tay bắt đầu hình thành.


Tháng thứ 3


Bé dài khoảng 6 – 7cm, nặng khoảng 18gram. Tất cả các cơ quan quan trọng đều đã phát triển đầy đủ. Sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi trong giai đoạn này rất nhanh. Xương bắt đầu hình thành và lông măng bắt đầu xuất hiện. Cơ quan sinh dục cũng bắt đầu hình thành. Thỉnh thoảng cũng có vài chuyển động hoàn toàn tự phát của bé. Và bạn biết không, bạn sẽ có thể nghe thấy những nhịp đập đầu tiên của tim bé bằng ống nghe đấy.


Tháng thứ 4


Em bé của bạn bây giờ dài khoảng 12 – 18cm và nặng khoảng 110 – 150g. Cơ quan sinh dục đã định hình rõ ràng. Bạn cũng có thể bắt đầu nhận thấy những cử động đầu tiên của bé, bác sĩ thường gọi đó là thai máy và thường yêu cầu bạn theo dõi hiện tượng này sau đó kiểm tra sự phát triển bình thường của thai nhi.


Tháng thứ 5


Em bé nặng khoảng 300g, dài khoảng 25cm. Tóc mọc nhiều hơn. Nhịp tim nghe được dễ dàng bằng ống nghe. Qua siêu âm bạn có thể thấy bé đưa tay lên miệng. Bé sẽ phát triển rất nhanh trong thời kỳ này.


Tháng thứ 6


Em bé có một cái đầu to và da bắt đầu có các nếp nhăn. Cân nặng của bé bây giờ nặng khoảng 570g, dài 33cm, Lông mi và lông mày bắt đầu xuất hiện. Bé phát triển đầy đủ và bắt đầu biết thở. Bé sẽ hoạt động nhiều hơn và bạn sẽ cảm nhận những hoạt động này.


Tháng thứ 7


Bây giờ có 1 chất sáp màu trắng gọi là “chất gây” bao quanh bé. Bé dài khoảng 37cm và nặng khoảng 1100 – 1800g. Nếu không may bị sanh non, bé vẫn có thể nuôi dưỡng và phát triển được trong những điều kiện đặc biệt. Bé hoạt động mạnh hơn quẫy đạp nhiều hơn, biết phản ứng lại những va chạm, tiếng động cũng như những kích thích, tác động từ bên ngoài.


Tháng thứ 8


Bé bắt đầu tích trữ mỡ ở dưới da, bé trở nên mũm mĩm và đầy đặn hơn. Bé nặng khoảng 1800 – 2500g và dài khoảng 40 – 45cm. Não bộ bé phát triển mạnh mẽ, thị giác cũng vậy, bé có thể nhìn thấy và cảm nhận phần nào ánh sáng sáng tối..


Tháng thứ 9


Em bé của bạn đã phát triển hoàn toàn. Cân nặng khoảng 2500 – 3400g và dài khoảng 50cm. Bé bây giờ đã có thể cảm nhận, nếm và ngửi 1 ít nhưng chưa nhạy cảm lắm với ánh sáng và chưa biết đau. Ngày sinh của bạn đã sắp đến. Bạn sẽ sắp được gặp thiên thần nhỏ của mình.