- Hàng chục cơ sở tái chế hạt nhựa và sản xuất gioăng kính từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc của nhân dân xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).


Có khói mới... có tiền



Thôn Dược Hạ được nhiều người làng ví là “thủ phủ” của nghề giặt rửa ở xã Tiên Dược, bởi nghề sản xuất hạt nhựa và sản xuất gioăng kính chiếm tới 90% cơ sở sản xuất toàn xã. Ông Bùi Văn M-chủ một cơ sở tái chế hạt nhựa cho hay: Nghề tái chế hạt nhựa xuất hiện ở địa phương từ hơn 10 năm nay.



Ban đầu, người dân trong xã chỉ làm nghề thu gom, giặt, rửa bao nylon, đồ nhựa cũ để cung cấp cho các cơ sở tái chế ở địa phương khác, nhưng dần dần, nhiều hộ đầu tư máy móc, tổ chức nấu ngay tại địa phương. “Tôi cũng biết là gây ô nhiễm và độc hại nhưng nó là nghề mưu sinh chính của nhà tôi, của nhiều hộ khác và hàng trăm lao động làm thuê trong xã. Nếu không có khói bay lên thì làm sao... có tiền” – ông M phân trần.




Nghề tái chế ở xã Tiên Dược gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.



Theo Trưởng thôn Dược Hạ - Nguyễn Văn Dãi: “Dù chưa được kiểm tra, kết luận chính thức của cơ quan nào, nhưng tôi khẳng định, sức khoẻ của người dân trong thôn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số người mắc bệnh ung thư, viêm phổi, các bệnh về mắt, bệnh ngoài da trong mấy năm nay tăng lên nhiều lắm”. Còn ông Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dược thì so sánh: “Chi phí đầu tư một dây chuyền tái chế hạt nhựa chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng lại đảm bảo việc làm cho 3-5 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nếu so với làm ruộng thì rõ ràng nguồn thu nhập này cao hơn rất nhiều”.



Chưa có phương án khả thi



Vẫn theo ông Hoàng Hải, xã đã nhiều lần nhận được kiến nghị của người dân, nhưng không đủ thẩm quyền giải quyết mà chỉ phối hợp với cơ quan cấp trên kiểm tra, đôn đốc và kiến nghị biện pháp xử lý. Trong tờ trình từ tháng 8.2012 do chính ông Hải ký gửi UBND huyện Sóc Sơn đã thống kê 14 hộ sản xuất gây ô nhiễm và đề xuất nhiều biện pháp, từ xử phạt hành chính, đình chỉ kinh doanh đến thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...



Liên quan tới vấn đề này, bà Lê Thị Hải – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết: Đã có rất nhiều hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ, nhưng chưa có phương án khả thi để hài hoà lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo bà Hải, với những cơ sở có đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ xem xét chấp thuận cho hoạt động với điều kiện phải đầu tư và có cam kết bảo vệ môi trường, còn với các cơ sở không đủ điều kiện, sẽ vận động chuyển đổi sang ngành nghề khác.



http://danviet.vn/nong-thon-moi/song-chung-voi-khi-doc-ngay-giua-long-ha-noi/20131121112930368p1c34.htm



Gửi từ ứng dụng Cafe trên iPhone