Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) vốn có tới 10.000 lượt khách mua sắm mỗi ngày, bỗng mấy ngày nay chỉ còn lác đác vài nhóm người. 58 trên 60 doanh nghiệp tại đây đã ngừng kinh doanh…



Tại Khu thương mại này - nằm trên đường Xuyên Á thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh, giáp ranh tỉnh Long An và biên giới Campuchia, cách trung tâm TP HCM 70 km, giao điểm quan trọng giữa hệ thống đường quốc tế và đường quốc gia - vào những ngày đầu tháng 7 là một quang cảnh vắng lặng. Siêu thị đóng cửa, có nơi công ty cử người đứng trước cổng thông báo tạm nghỉ. Khu kinh tế vốn sầm uất giờ như chốn không người, trừ những khi có đợt khách làm thủ tục xuất nhập cảnh.



Siêu thị miễn thuế đóng cửa. Ảnh: Ngọc Ly


Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe gắn máy, xe ôtô từ Tây Ninh hoặc từ tỉnh khác vào bến xe gần khu thương mại rồi sau đó vội vã quay trở ra. Họ không biết khu vực này đã bắt đầu “bế quan” từ ngày 1/7. Trên đường 786, phải hơn một tiếng đồng hồ mới có một chuyến xe buýt tuyến Mộc Bài - thị xã Tây Ninh chạy qua, trên xe trống trơn. Đường Xuyên Á trước đây tấp nập ôtô các loại, xe buýt, xe gắn máy dập dìu, thì nay trở nên yên ắng khác thường


Nguyên nhân tình trạng trên, theo các doanh nghiệp, là hệ quả từ quyết định không cho khách nội địa qua cửa khẩu đường bộ được mua hàng miễn thuế của Chính phủ, khiến khu thương mại 'điêu đứng'.




Thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Mộc Bài, toàn khu có tổng cộng 60 doanh nghiệp. Tháng 3 khi nghe thông tin trên, đã có 10 đơn vị rút lui, còn lại 50 doanh nghiệp. Đến đầu tháng 7, một số công ty treo trước cổng đã khóa kín băng rôn có dòng chữ: “Tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/7 để kiểm kê hàng hóa”. Đến hôm nay, 6/7, chỉ còn đúng 2 doanh nghiệp “can đảm” tiếp tục kinh doanh nhưng cắt giảm đến gần 90% nhân viên.





“Khi không còn được mua hàng miễn thuế, khách nội địa đến đây rất hạn chế và cũng mua hàng rất ít bởi mức giá tính thuế ở đây so với ngoài thị trường là tương đương hoặc cao hơn”, ông Nguyễn Ngọc Qui, Giám đốc chi nhánh SaTra thuộc Tổng Công ty cổ phần Thương mại Sài Gòn cho biết.





“Khi không còn được mua hàng miễn thuế, khách nội địa đến đây rất hạn chế và cũng mua hàng rất ít bởi mức giá tính thuế ở đây so với ngoài thị trường là tương đương hoặc cao hơn”, ông Nguyễn Ngọc Qui, Giám đốc chi nhánh SaTra thuộc Tổng Công ty cổ phần Thương mại Sài Gòn cho biết.






Chợ Đường Biên vắng tanh như chùa Bà Đanh. Ảnh: Ngọc Ly


Trước khi chính thức hoạt động vào tháng 1/2006, đã có 5 nhà đầu tư bỏ tổng cộng gần 480 tỷ đồng để biến khu đất ruộng đồng nước phèn tại biên giới Campuchia này thành trung tâm thương mại. Họ xây dựng hạ tầng, làm mới đường, tổ chức siêu thị… Kinh doanh gần 3 năm, giờ hầu hết các đơn vị nhỏ lẻ đã rút hết nên 5 nhà đầu tư lớn này đang gặp khó khăn vì không thu hồi vốn được.




Giài thích về nguyên nhân của việc khu kinh tế sầm uất đang có nguy cơ đình trệ buôn bán, đại diện Ban quản lý cho rằng chính sách về thuế không nhất quán làm mọi việc rối tung.




Dự án hình thành khu kinh tế này có từ năm 1998 nhưng chỉ trên giấy. Đến năm 2002, Ban quản lý đề xuất ý tưởng dùng chính sách phi thuế quan để thu hút đầu tư. Năm 2004 Chính phủ phê duyệt ý tưởng, 2 năm sau đi vào hoạt động





“Từ năm 1998 đến nay, nhà nước chỉ cấp tổng cộng 110 tỷ đồng, trong đó 45 tỷ đồng cho đền bù giải tỏa. Chính nhờ chính sách nếu mua hàng dưới 500 nghìn đồng một người một ngày sẽ được miễn thuế cho khách nội địa, rồi điều chỉnh 500 nghìn đồng một người một tuần nên Khu mới thu hút được đầu tư”, ông Thành nói.





Tuy nhiên từ đầu tháng 7 chính sách này đã thay đổi, không cho bán hàng ở cửa khẩu miễn thuế cho khách nội địa. Hiện hầu hết các tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu đều kiến nghị thay đổi quy định mới này, song chưa nhận được phản hồi từ Chính phủ.




Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, một trong 8 khu kinh tế của khầu của cả nước, theo quy hoạch khu thương mại này là 21.300 ha, trước mắt đã đưa vào sử dụng gần 2.500 ha.


Trong 6 tháng đầu năm, có gần 1,6 triệu lượt người (trong đó có khoảng 15% là khách từ Campuchia) đến tham quan mua sắm. Doanh thu trong 6 tháng đầu năm đạt gần 691 tỷ đồng.


Sau quyết định cho phép sử dụng chính sách miễn thuế cho du khách nội địa (khách nội địa mua hàng dưới 500 nghìn đồng một người một ngày sẽ được miễn thuế), đến ngày 2/3, Chính phủ ban hành quyết định loại bỏ chính sách này và có hiệu lực từ đầu tháng 7.


Trong tháng 3, lãnh đạo các tỉnh Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh đồng kiến nghị Chính phủ thay đổi quy định mới. Các Bộ Công Thương và Tài Chính được yêu cầu rà soát các thông tin liên quan đến chính sách không nhất quán và báo cáo cho Chính phủ trước ngày 20/4. Ngày 24/6 Chính phủ tiếp tục có văn bản yêu cầu 2 bộ này báo cáo vụ việc trước ngày 26/6. Đến ngày 1/7 - ngày quy định mới có hiệu lực, Chính phủ vẫn không có phản hồi cho các tỉnh.



Kiên Cường - Ngọc Ly




http://www.vnns.vn/2009/Thiet_ke_web_0607/sieu_thi_mien_thue_cua_khau_moc_bai_dong_cua.html