(ĐSPL) - Ngày 13/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết phòng này đang thụ lý vụ lừa đảo qua mạng internet, nạn nhân là một phụ nữ do mất cảnh giác bị đối tượng tự nhận là "hoàng tử" Ai Cập lừa đảo 94.000 USD.


Theo tin tức báo Công an nhân dân, người phụ nữ nêu trên tên là Nguyễn Thị H, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội, đã trình báo vụ việc: Vào cuối tháng 11-2015, qua mạng internet, có một đối tượng người nước ngoài đã làm quen với chị, rồi dẫn dụ chị từ Hà Nội ra nước ngoài để đưa số tiền ngoại tệ nêu trên cho hắn...










Chị H. đã bị sập bẫy lừa của "Hoàng tử" và mất trắng 94.000 USD (Ảnh minh họa)


Qua quá trình xác minh cho thấy, chị H sinh ra và lớn lên ở tỉnh Phú Thọ nhưng gia đình đã chuyển vào TP Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) làm ăn và sinh sống nhiều năm nay, mình chị H ở và làm việc tại Hà Nội, nên gia đình chị H có điều kiện về kinh tế.


Khoảng đầu năm 2015, chị H thông qua mạng internet đã làm quen với một nam thanh niên người nước ngoài dưới cái tên là Mohammad Nazim. Sau một thời gian quen biết và trò chuyện, đối tượng này cho chị biết, anh ta xuất thân từ con một gia đình giàu có, dòng dõi hoàng tộc ở Ai Cập và đang nắm giữ một thừa kế gia sản hàng tỷ đô la.


Qua bạn bè và báo chí, anh ta biết và đã đến TP Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh miền Trung (Việt Nam) du lịch nhiều lần. Qua đó, Nazim thực sự rất có cảm tình với đất nước, con người Việt Nam, đồng thời có ý định muốn thành lập một “Quỹ phát triển cộng đồng” cho người Việt.


Số tiền Nazim sẽ đóng góp vào quỹ này khoảng 5 triệu USD sẽ dành một chỗ cho H trong Ban quản lý quỹ. Sau một thời gian trao đổi về việc triển khai “Quỹ” nêu trên, chị H nhận được đề nghị chuyển trước cho anh ta 20.000 USD tiền mặt để anh làm các thủ tục pháp lý.



Tuy chưa biết mặt người đó như thế nào, sau khi nhận được thông tin về số ngoại tệ triển khai quỹ (5 triệu USD) là khá lớn, do vậy, việc chuyển 20.000 USD với chị H là không phải suy nghĩ và chị đã tìm đến một đại lý chuyên đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) “gửi” 20.000 đô la vào đây.


Sau đó, chị H phải bay ra nước ngoài để “rút” số tiền này rồi trực tiếp đưa cho một người tên là Solomon, dưới sự ủy thác của Nazim. Chị H đã nhiều lần chuyển số ngoại tệ cho Nazim, tổng cộng là 94.000 đô la (khoảng hơn 2 tỷ đồng).




Và sau khi đã hoàn tất các lần chuyển tiền, chị H chờ mãi dự án do "hoàng tử" Ai Cập kia dựng lên vẫn "biệt vô âm tín", nhận thức được việc mình bị lừa nên chị H đã đến cơ quan Công an trình báo.
Tháng 9 vừa qua, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Mbouwe Ebubu (41 tuổi, Nam Phi) mức án 7 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Dẫn nguồn tin báo Vietnamnet, theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2014, chị N.T.K.V.(29 tuổi, TP.HCM) quen biết một người có tên là Alex Hopeson, đối tượng này giới thiệu sinh năm 1976, quốc tịch Mỹ.


Ngày 12/3/2014, sau thời gian quen biết, Hopeson liên lạc và báo cho chị V. biết sẽ gửi một két sắt bên trong có 320.000 USD thông qua một công ty vận chuyển tại Malaysia. Hai ngày sau, chị V. nhận được điện thoại của một người phụ nữ tự xưng là Farah – đại diện công ty vận chuyển yêu cầu chị V. gửi 1.000 USD gọi là tiền phí thuế địa phương và phí xách tay. Farah cũng nói thêm do công ty vận chuyển này không có văn phòng tại Việt Nam mà chỉ có người trung gian giao hàng.


Tin tưởng, chị V. đã gửi 21 triệu đồng vào số tài khoản đối tượng này cung cấp. Vài phút sau, chị V. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ đối tượng khác tự xưng là Owen yêu cầu chị chuyển tiếp 2.000 USD để làm thủ tục cho chiếc két sắt đang bị giữ tại sân bay. Sau đó, với lý do cần tiền để mua chứng nhận, mua hóa chất để xử lý số tiền trong két sắt…các đối tượng như Owen, Ebubu liên tục điện thoại yêu cầu chị V. chuyển tiền.



Ngày 24/3/2014, nhận thấy mình có dấu hiệu bị lừa đảo, chị V. đã làm đơn tố cáo. Chiều cùng ngày, khi Mbouwe Ebubu đang nhận 55 triệu đồng từ chị V. để mua hóa chất “xử lý” tiền thì bị cơ quan công an bắt giữ. Tổng cộng, chị V. đã chuyển cho các đối tượng lừa đảo trên 286,5 triệu đồng.