- PV: Bộ GD-ĐT có ý kiến gì trước việc liên tiếp phát hiện những nhóm trông giữ trẻ tư nhân không đảm bảo chất lượng?


- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Sự phát triển nhanh của các cơ sở mầm non đặt ra hàng loạt vấn đề như cơ sở vật chất thiếu thốn, diện tích chưa đủ theo quy định, các trang thiết bị nghèo nàn nhất là đội ngũ giáo viên, nhiều nơi các thầy cô chưa đạt trình độ theo yêu cầu, chưa đạt chuẩn.


Cá biệt có cô nuôi dạy trẻ vi phạm pháp luật, đối xử thô bạo với các cháu, chăm sóc không tốt gây phản ứng trong xã hội. Bộ GD-ĐT cùng với các cơ quan địa phương đã và sẽ có sự phối hợp để chấn chỉnh, rà soát hiện tượng này.


Còn về quy mô các trường mầm non thuộc về các tỉnh, các địa phương, Bộ GD-ĐT không chịu trách nhiệm. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm trên cơ sở thực tế nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất các giải pháp trao đổi với địa phương để giải quyết.


- PV: Đang có rất nhiều hành vi tiêu cực xuất phát từ trình độ, ý thức giáo viên mầm non, Bộ GD-ĐT có điều chỉnh gì về bồi dưỡng, đào tạo đối với đội ngũ này, thưa ông?


- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Nói chung đội ngũ giáo viên mầm non hiện thiếu cả về số lượng và chất lượng. ở những tỉnh, thành phố kinh tế phát triển, quy mô trường mầm non lớn thì có thể yên tâm được, nhưng ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư chưa có cơ sở mầm non nên đã xuất hiện lớp chui. ở các vùng cao, vùng sâu vùng xa khó khăn thì thiếu tất cả, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cô giáo chưa được đào tạo đến nơi đến chốn, cập nhật thông tin.


Vấn đề đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở mầm non đang khá bức xúc, chúng tôi cũng phải khẩn trương đánh giá nghiên cứu lại biện pháp quản lý Nhà nước với các cơ sở mầm non, khắc phục tồn tại hiện nay.


Chương trình đào tạo giáo viên mầm non cũng đang được các trường nghiên cứu thực hiện. Khi cơ sở đào tạo giáo viên mầm non được thay đổi chúng tôi hy vọng trên cơ sở đó, toàn bộ chương trình sẽ được thay đổi.


- PV: Với những giáo viên làm cho các nhóm trẻ gia đình thì có cơ chế đào tạo như thế nào, thưa ông?


- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Sẽ phải kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở nào đủ điều kiện thì có thể cho đăng ký, không đủ điều kiện thì phải dẹp bỏ. Đồng thời phải đào tạo trước, không thể mở nhóm rồi mới nói là không có điều kiện đào tạo giáo viên.


- PV: Nhưng thực tế nhiều nhóm trẻ gia đình đã tồn tại lâu năm, khó có thể dẹp bỏ do nhu cầu thực tế?


- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Vì vậy phải nghiên cứu phối hợp, việc này thuộc quyền quản lý chính quyền địa phương, Bộ GD-ĐT sẽ chủ động phối hợp, làm việc với Bộ Y tế, các địa phương giải quyết cho phù hợp.


- PV: Ngân sách dành cho giáo dục mầm non thấp, nhưng đây lại là bậc học quan trọng, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT có kiến nghị gì về vấn đề này?


- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận:
Giáo dục phổ thông thuộc dòng ngân sách phân về cho địa phương, Bộ GD-ĐT không có trách nhiệm trong việc đó. Nó thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Bộ GD-ĐT cũng đang có kiến nghị, đề xuất thành lập các dự án. Nếu được sẽ hình thành một số chương trình mục tiêu để giải quyết theo chiến lược lâu dài.


Còn về việc đầu tư cho từng cơ sở mầm non thì Bộ sẽ tổng hợp và trên cơ sở đó sẽ có những kiến nghị với Thủ tướng và đề nghị với chính quyền các tỉnh, thành phố.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận


Duy Anh (Báo ANTĐ ghi)