"Một dân tộc triền miên chịu nhiễm độc thực phẩm thì làm sao đủ tráng kiện về cả thể chất và cả tinh thần để mà đứng lên thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, mặc dù thế giới đã mở rộng cửa chào đón chúng ta" - Nghĩ từ câu chuyện gói gia vị lẩu Tàu.



Từ gói gia vị lẩu Tàu...


“Sống có nghĩa là ta đang phải đối diện với cái Chết không thể tránh khỏi”. Lời kinh mang ý nghĩa xa xôi này trong thư tịch Tây Tạng nay bỗng trở nên đầy tính khẩn cấp và trần trụi khắc nghiệt. Nó lù lù xuất hiện ngay trong mỗi giờ phút ta đang sống, ngay trước mắt tất cả mọi người không trừ một ai. Và mấy ngày hôm nay, cái hiểm họa tiềm ẩn nhưng rộng khắp đó đang ló dạng hình hài ngáo ộp của nó trong những nồi lẩu thơm ngon, nghi ngút khói, với cái tên “Gia vị lẩu Tàu”.


Thế nhưng không phải chỉ lẩu Tàu có độc tố mà bây giờ bất cứ cái gì ta đưa vào miệng cũng khó lòng tránh khỏi nguy cơ ung thư đi theo. Bánh phở thì có formol, quẩy thì rán bằng dầu thải ô tô, bánh mì dùng bột nở cao su, gạo làm trắng bằng thuốc tẩy, đậu phụ và bún thì có hàn the, mạch nước uống nhiễm chất thải công nghiệp, cá và tôm nhiễm độc chì, rau xanh và chè thấm đẫm thuốc trừ sâu, thịt gà và lợn dư thừa chất tăng trọng, táo và cam bị tiêm thuốc, trứng thì có sudan, đồ hộp nào cũng đầy chất bảo quản độc hại, thuốc lá thì tẩm thêm nicotin... Hiện nay đố ai dám tin được là mình không thường xuyên nhiễm phải các độc tố nguy hiểm trong các đồ ăn thức uống hàng ngày. Vậy mà người ta vẫn cứ phải ăn, vì không ăn thì làm sao sống nổi?


Nghĩ xa thêm chút nữa thì không khỏi giật mình. Thôi thì cái thân ta thế nào cũng xong, nhưng còn con trẻ, còn cả một dân tộc. Đất nước sẽ ra sao nếu hai - ba mươi năm nữa, ung thư và các căn bệnh do nhiễm độc sẽ bộc phát trong đại đa số dân cư. Mà nếu bây giờ ta vẫn cứ ăn cứ uống như thế này thì cái hiểm họa ấy là nhãn tiền.


Chất độc da cam chỉ có ở một số nơi dân cư thưa thớt và đang ngày càng nhạt loãng đi theo thời gian. Còn chất độc trong thực phẩm hiện nay có ở khắp mọi miền đất nước, càng nơi đô thị đông đúc càng nhiều, và càng ngày nó ngày càng đậm đặc hơn về tỷ lệ, phong phú hơn về chủng loại, trắng trợn hơn về hình thức. So với tai nạn giao thông thì hiểm họa này còn kinh khủng hơn rất nhiều lần. Thế nhưng ta vẫn bình chân như vại vì không thấy máu chảy, không thấy thịt nát xương tan ngay trước mắt.


... Nghĩ về đạo đức kinh doanh


Hãy cùng ngồi lại, thử nghĩ xem tại vì đâu lại ra cái họa khó tránh như ngày hôm nay?


Một là, do đạo đức kinh doanh đã xuống cấp, lòng tham không còn giới hạn. Hãy thử hình dung, một buổi đêm trên phố lẩu Phùng Hưng. Hai vợ chồng bò xoài trên gác xép đếm tiền. Họ hí hửng vì đã giấu giếm mà tống được bao nhiêu ki lô hóa chất độc hại trong các thùng “gia vị lẩu Tầu” vào cổ họng của hàng trăm thực khách hôm nay. Ngày mai họ phải cố tìm mua các loại thịt và gan giá rẻ của các trại lợn siêu tăng trọng. Chẳng mấy lúc mà tậu được "con" Wave Tàu.


Rồi ta lại thử hình dung ra các đồi chè bao la. Ở đấy đang có không biết bao nhiêu gia đình nông dân cả đời hiền lành lương thiện, nhưng bây giờ đành thản nhiên phun đẫm thuốc sâu lên các búp chè. Mà người ta biết chắc rằng chỉ mấy ngày nữa thôi là nó sẽ nở ra để từng giọt thuốc sâu tan đẫm vào trong các ấm trà của hàng ngàn hàng vạn đồng bào. Còn trong các nhà máy thực phẩm thì khỏi phải nói. Giá cả cạnh tranh và lợi nhuận trước mắt. Đó là tất cả. Miễn là biết ứng xử theo kiểu Win-Win, hai bên cùng có lợi, mỗi khi bị thanh tra đến thăm.


Hai là, lúc này người ta đã mất hết niềm tin rằng những người tốt, những người tử tế sẽ được xã hội kính trọng, kẻ xấu sẽ bị trừng phạt. Nói khác đi, đó là do luật pháp và đạo đức xã hội đã không còn đủ mạnh.


Ba là, người ta cũng không còn niềm tin gì vào nhân quả, luân hồi. Trước kia ai làm việc này đều sợ rằng như thế là thất đức. Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước, thần Phật trên cao xanh sẽ chứng giám và phán xử. Bây giờ thì lòng tin từ hàng ngàn năm này đã không còn làm cho người ta phải kính sợ như xưa nữa.


Bốn là, bất cứ dân tộc nào nghèo khó, đất nước nào lạc hậu thì đều phải chịu thua thiệt, hèn kém. Ở các nước tiên tiến giàu có, người kiểm soát an toàn thực phẩm hết sức ngặt nghèo. Thế nhưng ở ta thì câu nói cửa miệng là: "Lấy đâu ra tiền mà kiểm tra, mà kiểm nghiệm", rồi "đói chẳng đủ ăn thì đành phải vậy chứ sao"... Chẳng những thế, lại thi nhau nhập khẩu các loại thực phẩm độc hại về để kiếm lời, nhập các nhà máy lạc hậu và các đồ phế thải về để chịu ô nhiễm môi trường.


Tất cả những hiểm họa này đều diễn ra ầm thầm nhưng bền bỉ và vô cùng ngoan cố, trong khi người tiêu dùng thì vừa bất lực lại vừa thiếu thông minh. Rất nhiều người tặc lưỡi chấp nhận, hầu như không có các phản ứng đủ mạnh mẽ nào. Chỉ còn có báo chí lên tiếng. Hầu như tất cả các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm đều do báo chí nêu ra, gây áp lực đòi hỏi thì rất lâu sau đó mới thấy chính quyền và các cơ quan hữu quan động đậy đôi chút chứ chưa coi đó là trách nhiệm tiên phong của mình.



Ngăn chặn


Vấn đề cấp bách bây giờ là phải liên tục phát động các phong trào người dân tự bảo vệ mình trước hiểm họa thấm độc từ thực phẩm. Trước hết là thông tin tuyên truyền, sau đó là dùng áp lực dư luận và sức mạnh kiểm tra giám sát của quần chúng. Đồng thời phải cấp tốc xây dựng các khung luật pháp đủ mạnh để trấn áp và ngăn chặn hành vi vô lương tâm của các cá nhân và đơn vị vi phạm luật an toàn thực phẩm.


Nếu ngay ngày hôm nay chúng ta chưa ý thức hết nguy cơ tiềm ẩn của hiểm họa này, nếu ngay ngày hôm nay chúng ta không hành động kiên quyết và hiệu quả thì giấc mộng sánh vai với các cường quốc năm châu chỉ là ảo tưởng. Một dân tộc triền miên chịu nhiễm độc thực phẩm thì làm sao đủ tráng kiện về cả thể chất và cả tinh thần để mà đứng lên thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, mặc dù thế giới đã mở rộng cửa chào đón chúng ta.


Phạm Hoàng Hải