Để quảng cáo một loại lăn khử mùi dành cho nam, cô gái được cứu sau khi ngã (vì ngồi vắt vẻo trên bờ tường cao không biết để làm gì) đã khịt mũi chê “ân nhân” của mình hôi, không chịu bám vào để anh ta kéo lên nên... bị rơi xuống lần nữa. Tương tự, trong clip quảng cáo một loại trà, cô gái mặc váy công sở nhưng lại dạng chân ra để nhảy (!).


Nhiều người xem truyền hình cũng chưng hửng chẳng hiểu có mối liên kết nào giữa sản phẩm sữa đậu nành với chuyện một bà mẹ huyên thuyên khoe con gái mình sắp lấy chồng đại gia. Đoạn phim quảng cáo này không những có âm thanh không tốt, mà câu chuyện còn quá vô duyên, nhân vật lắm lời… Cũng cùng sản phẩm sữa đậu nành trên, trước đây khán giả đã từng rất dị ứng với hình ảnh cô vợ xinh xắn mặc kệ chồng cầm lọ tiêu rắc vào ly cà phê vì cô còn bận phải… uống hết hộp sữa cho đã thèm.


Không biết vô tình hay cố ý, đa phần những “hạt sạn” khó nuốt trong các mẩu quảng cáo lại thường mô tả người phụ nữ với những hình ảnh kém đẹp. Chẳng hạn, cô vận động viên trẻ cố tình giật tóc đối thủ vì không thể đuổi kịp ở cuối đường đua, nhưng vì tóc đối thủ quá mềm mượt nhờ dầu gội nên tuột khỏi tay cô. Hay hình ảnh cô gái xinh đẹp nhưng tham ăn đến mức giật tô mì của bạn trai ăn ngấu nghiến. Chưa hết, khi chỉ còn vài giọt nước mì trên chiếc muỗng nhỏ, cô còn cố tình lừa người yêu bằng ánh mắt nhìn âu yếm để dùng ống hút hút sạch.


Bên cạnh đó, còn có những quảng cáo lãng phí, sai sự thật, xem rất khó chịu. Trong clip quảng cáo cho một loại nước giặt, chỉ để chứng minh sức tẩy của nó, những “nhà sáng tạo” đã “trải vải trắng ra cả một khu phố cho mọi người thỏa sức làm bẩn” bằng cách đổ thức ăn lên đó một cách phí phạm. Tương tự, quảng cáo một loại nước giải khát, để nếm được hương vị “chua chua vị cam thật”, các bạn trẻ đã xịt vô số nước cam lên người nhau. Xem chương trình Master chef, khán giả cũng được nhồi nhét vào đầu thông điệp “nêm nước mắm vào mọi món canh”, “nêm bột nêm vào mọi món ăn” dù bà nội trợ nào cũng hiểu thực tế không phải như vậy.


Thực hiện quảng cáo nhưng lại không quan tâm đến văn hóa, suy nghĩ, tâm lý của khán giả Việt Nam không còn là chuyện hiếm ở những chương trình quảng cáo trên truyền hình. Sau một loạt “sự cố” quảng cáo khiến dư luận bất bình và "ném đá" như câu trả lời vô lễ của hoa hậu Mai Phương Thúy trong clip quảng cáo một nhãn hiệu dầu gội đầu; âm thanh phản cảm trong clip quảng cáo một loại máy lọc nước, clip quảng cáo cho một thương hiệu bánh ngọt của Trà Ngọc Hằng, Chan Tha San… những tưởng các thương hiệu sẽ cẩn trọng hơn khi thực hiện các clip quảng cáo, nhưng mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi.


Theo đại diện một công ty quảng cáo thì “Mỗi ngày, khách hàng tiếp xúc với quá nhiều quảng cáo, nên việc “gây ấn tượng” đã trở thành tiêu chí hàng đầu. Thậm chí, nhiều sản phẩm cũng chẳng ngại mời nghệ sĩ tai tiếng đóng quảng cáo, miễn là mau chóng được nhiều người biết đến”.


Thêm vào đó, sự lỏng lẻo trong khâu xét duyệt của cơ quan chức năng, sự hám lợi của nhà đài đã tạo điều kiện cho các quảng cáo vô duyên này tồn tại. Không chỉ gây phản cảm cho người xem, quảng cáo bất chấp yếu tố văn hóa còn ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của trẻ em, đối tượng xem quảng cáo nhiều nhất và dễ bị ảnh hưởng nhất.


http://phunuonline.com.vn/giai-tri/kheu/quang-cao-vo-duyen/a98420.html