Cách đây gần 2 năm, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nói trước báo giới: “Sẽ giải quyết tình trạng một giường bệnh cho 2,3 bệnh nhân sau 2,3 năm”. Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn chẳng có gì thay đổi. Lời hứa của Bộ trưởng Y tế vẫn chỉ là lời hứa...



Chỉ cần lướt qua các bệnh viện trong thành phố, người ta sẽ thấy sự quá tải hiện lên rất rõ. Tình trạng vài ba bệnh nhân một giường rất phổ biến, ngay cả hiện tượng 5-7 bệnh nhân một giường cũng không phải là hiếm. Từ lãnh đạo bệnh viện cho tới các bác sĩ, từ bệnh nhân cho tới người nhà đều căng thẳng như nhau.




Quá tải ngày càng căng thẳng




Bệnh viện (BV) Bạch Mai – trung tâm y tế lớn nhất miền Bắc, là bệnh viện tuyến cao nhất, một ngày có hàng ngàn bệnh nhân từ khắp các tỉnh, thành phố đổ về để khám chữa bệnh. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp để giảm tải bệnh nhân nhưng toàn bộ khu nhà dành cho việc đón tiếp, khám chữa bệnh ban đầu lúc nào cũng trong tình trạng kín người.




Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc BV cho biết: “Trung bình một bác sĩ phòng khám tại BV Bạch Mai mỗi ngày phải tiếp nhận, chẩn đoán và phân loại bệnh cho từ 100 – 150 bệnh nhân. Chúng tôi đã tăng cường mô hình điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày nhằm giảm bớt những bệnh nhân không cần thiết phải điều trị nội trú, BV cũng đã mở rộng thêm 36 phòng khám đa khoa, đưa tổng số phòng khám lên 70 phòng. Khu nội trú cũng đã được xếp thêm giường nhưng tình trạng quá tải vẫn rất nặng nề”.




Theo thống kê của BV Bạch Mai năm 2008, các bác sĩ của BV đã khám cho 500.000 - 600.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, điều trị cho 80.000 – 90.000 bệnh nhân nội trú, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2007. Con số thống kê chưa đầy đủ của 4 tháng năm 2009 này cũng đã tăng lên vài chục ngàn trường hợp so với cùng kỳ năm trước.




Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là một trong những địa chỉ mà sự quá tải đã trở nên hết sức nặng nề. Ngay tại hành lang khoa khám bệnh BV Nhi Trung ương lúc 9h sáng ngày 22/5, chúng tôi đã gặp rất nhiều các bà mẹ bế con chờ đến lượt khám vào buổi chiều. Hàng chục dãy ghế ngồi chờ khám bệnh không còn một chỗ trống. Tiếng trẻ con khóc cùng với không khí oi bức đầu hè khiến cho khu Phòng khám BV Nhi Trung ương trở nên vô cùng ngột ngạt. Nhiều cháu bé trong số này mắc những bệnh rất thường của trẻ con như: ho, viêm họng, sốt nhưng cũng được những ông bố, bà mẹ tha lôi lên tận BV Trung ương để “khám cho chuẩn”.




Trước cửa phòng khám hô hấp, vợ chồng anh chị Nguyễn Kim Hoa (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang thay phiên nhau dỗ dành đứa con mới 4 tháng tuổi đang quấy khóc vì sốt cao than thở: “Chúng tôi đưa cháu lên đây từ 7h sáng, xếp hàng lấy số thì đã đến số 23. Tiếp tục chờ xếp hàng từ sáng sớm đến giờ (hơn 9h sáng – PV) mà vẫn chưa đến lượt vào khám”.




Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh BV Nhi Trung ương cho biết: “Mặc dù phòng khám của BV được xây dựng đạt tiêu chuẩn phục vụ cho 500 bệnh nhi, nhưng hiện nay mỗi ngày phòng khám tiếp nhận từ 1.000 - 1.200 bệnh nhân. Dịp này, bắt đầu vào mùa hè, thời tiết thay đổi khiến cho số trẻ đổ bệnh gia tăng, nhiều ngày có 1.800-2.000 cháu tới khám. Không chỉ bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng mà ngay cả giao thông quanh khu vực bệnh viện cũng thường xuyên trở nên hỗn loạn và ùn tắc. Các bác sĩ đã phải hoạt động thông tầm để giảm tải là chuyện thường ngày”.



Còn theo bác sĩ Lê Thanh Hải, PGĐ BV thì nhằm giảm bớt tình trạng quá tải, BV đã cải tạo cơ sở tại khoa Khám bệnh, tăng số buồng bệnh từ 20 lên 32 buồng. BV cũng điều động bác sỹ, y tá từ các khoa phòng chuyên khoa bổ sung cho khoa khám bệnh. Lợi ích của việc này là giải quyết bệnh nhân khám chung đỡ ùn tắc giờ cao điểm, nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với số lượng trẻ đến khám hàng ngày.



Hàng năm, con số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam liên tục tăng. Mỗi năm, trung bình có tới 150.000 bệnh nhân mới. Điều này càng khiến cho việc giải quyết tình trạng quá tải của bệnh viện K trở nên khó khăn hơn. Một bác sĩ ở bệnh viện K cho biết, mặc dù bệnh viện đã có tới 2 cơ sở nhưng số người tới khám và điều trị mỗi ngày đều vượt hơn 40% khả năng của bệnh viện.



Hậu quả trước mắt



Quá tải BV luôn song hành với tình trạng chất lượng khám - chữa bệnh không đạt chuẩn, không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Cùng một thời gian, một bác sĩ thay vì chỉ điều trị hoàn chỉnh cho 1 bệnh nhân thì nay là 10, thậm chí 20 bệnh nhân. Chất lượng khám, chữa bệnh vì thế không thể không bị ảnh hưởng.



Tình trạng quá tải bệnh viện cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho giao thông đô thị bị tắc nghẽn, xả rác bừa bãi, rác thải y tế không được quản lý và đặc biệt là sự nhũng nhiễu, vòi tiền bệnh nhân của một bộ phận y bác sĩ thiếu y đức. Bên cạnh đó tình trạng mất trật tự an ninh trong BV cũng là một vấn đề nhức nhối. Tại nhiều BV, đội ngũ “Cò” đã lợi dụng tình trạng quá tải để ngang nhiên hoạt động, lừa bệnh nhân đến những phòng khám tư, hoặc dùng những chiêu lừa để kiếm khoản tiền ăn chặn từ bệnh nhân.



Nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên đã được các nhà quản lý chỉ ra từ nhiều năm nay. Đã có hàng trăm cuộc họp, rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng “bệnh” quá tải thì vẫn ngày càng trầm trọng và gần như chưa có giải pháp nào triệt để. Các bác sĩ thì ngày càng vất vả, căng thẳng, các nhà quàn lý thì tiếp tục đau đầu tìm hướng giải quyết, còn bệnh nhân thì vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất.


Theo con số thống kê của Bộ Y tế, ở khu vực điều trị nội trú của hầu hết các BV đều xảy ra tình trạng “người bệnh nằm ghép, người nhà nằm hành lang”. Công suất sử dụng giường trung bình hiện tăng đến 122%. Trong năm 2008, công suất sử dụng giường bệnh của các tuyến trung bình là 122,4%, trong đó các tuyến TƯ quá tải 140%, tuyến tỉnh 125%, tuyến huyện 120%. Sang đến năm nay (2009), tình trạng quá tải tại tuyến TƯ đã gấp 4 lần, lên đến 285%.