Bác sĩ điều trị cho rằng không nhớ, không biết đã cho bệnh nhân uống loại thuốc gì! Đa thai, nguy cơ nhiều cho mẹ và con. Phải học bài bản mới điều trị được hiếm muộn.


Một năm sau khi cưới nhau, vợ chồng chị Lê Thị Việt Trinh (21 tuổi, An Giang) vẫn không có con mặc dù không dùng biện pháp tránh thai nào. Qua siêu âm, bác sĩ cho biết chị bị buồng trứng đa nang, khó có con. Vợ chồng chị đã chạy chữa khắp nơi ở quê nhà, uống Tây y, Đông y các loại nhưng không hiệu quả... Tuy nhiên, sau khi đi khám ở một phòng mạch tư, bác sĩ cho chị uống thuốc kích thích buồng trứng, một tháng sau chị Trinh có thai, không chỉ một mà đến bốn. Những khó khăn khi mang đa thai do bác sĩ địa phương không tư vấn kỹ cho gia đình và sản phụ khiến sản phụ sinh non khi thai 32 tuần tuổi, còn bốn đứa trẻ yếu ớt, nhẹ cân.



Tư vấn mập mờ


Điều đáng nói là khi có thai, chị Trinh đã thường xuyên đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản An Giang thăm khám. Từ lúc thai bốn tuần tuổi cho đến khi thai 16 tuần, qua ba lần khám, nơi này luôn siêu âm chẩn đoán tử cung có ba thai. Mãi đến tuần thứ 28 nơi này siêu âm tiếp mới biết sản phụ có đến bốn thai!


“Khi phát hiện, bác sĩ có tư vấn cho chị bỏ bớt thai nhi cho an toàn?”. “Tôi không nhớ rõ nhưng bác sĩ có hỏi bỏ bỏ gì gì đó hay là dưỡng. Vì lâu quá mới có con, nay có mừng muốn chết nên tôi nói là dưỡng. Bác sĩ không có nói cho tôi những nguy cơ khi có đến bốn thai” - chị Trinh kể. Gia đình chị Trinh thì cho rằng đến khi lên BV Từ Dũ khám, các bác sĩ nói mang bốn thai rất nguy hiểm nhưng lúc này không thể can thiệp được nữa.



Bốn đứa con của chị Trinh vừa mới sinh tại BV Nhân dân Gia Định. (Ảnh do BV cung cấp)


Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với BS Khương Trọng Sửu (bác sĩ cho chị Trinh uống thuốc kích thích buồng trứng - PV), vị bác sĩ này cho biết không nhớ để trả lời là có khám và cho chị Trinh thuốc kích thích buồng trứng hay không. “Tôi làm tư thì chỉ ghi sổ sách để đáp ứng nhu cầu kiểm tra. Nhưng nó cũng đơn giản, chỉ tên tuổi, địa chỉ chút đỉnh thôi. Do đó, trường hợp anh hỏi tôi không nhớ gì đâu mà trả lời cho chính xác. Tôi không quảng cáo điều trị vô sinh nhưng lâu lâu có một, hai trường hợp đến thì tôi vẫn điều trị. Chủ yếu dùng thuốc thông thường hay điều chỉnh kinh nguyệt, hướng dẫn sinh hoạt vợ chồng thì họ có con”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi loại thuốc ông thường cho bệnh nhân uống thì ông Sửu lại nói: “Cho thuốc phải theo sách vở” (?).


Chúng tôi liên hệ với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản An Giang để tìm hiểu về quy trình tư vấn, siêu âm cho bệnh nhân đa thai thì nơi này cho biết ban giám đốc, các trưởng, phó phòng đều đi cơ sở. Còn bác sĩ siêu âm thì đang nghỉ phép.


Đa thai, nguy cơ nhiều cho mẹ và con



ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Hiếm muộn, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết thuốc kích thích buồng trứng có hai nhóm, nhóm uống và nhóm chích. Chỉ định dùng thuốc kích thích buồng trứng chỉ áp dụng đối với bệnh nhân hiếm muộn. Lượng thuốc chích tùy theo mỗi người, 50-450 đơn vị/ngày, trung bình chích là 10-12 ngày, một số đáp ứng kém thì 15-20 ngày. Nếu uống thì dùng năm ngày.


Theo BS Tuyết, khi dùng thuốc kích thích buồng trứng, đặc biệt là thuốc dạng chích sẽ đối diện hai biến chứng thường gặp là quá kích buồng trứng và đa thai, tức có nhiều trứng rụng một lúc. Đa thai sẽ làm cho mẹ và con có nguy cơ rất cao. Đối với mẹ sẽ gây cao huyết áp, tiểu đường, còn với con thì dễ bị sinh non, dễ mắc các bệnh lý sơ sinh. Tuy nhiên, đa thai cũng có biện pháp hạn chế. Ở Từ Dũ, khi bệnh nhân được kích thích buồng trứng và có thai rồi sẽ hẹn 6-7 tuần siêu âm, đánh giá xem có bao nhiêu thai. Nếu trên hai thai sẽ chỉ định chủ động can thiệp giảm thai, ba giảm một, bốn giảm hai.


ThS-BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cho biết thêm ở Việt Nam, thuốc kích thích buồng trứng được sử dụng rộng rãi, bác sĩ nào chỉ định cũng được, tuy nhiên phải cẩn thận theo dõi tác dụng phụ và tư vấn theo dõi bệnh nhân. Việc kích thích buồng trứng thì vấn đề đa thai là luôn có, quan trọng nhất là theo dõi và tư vấn giảm thai.


Phải ráng nuôi con chứ biết làm sao!



Ngày 23-8, gia đình đưa chị Trinh lên BV Từ Dũ, TP.HCM khám, sau đó chị được cho về và ở nhờ một người bà con ở quận Bình Thạnh. 7 giờ sáng hôm sau, chị Trinh không thể đi đứng được nên gia đình đưa vào BV Nhân dân Gia Định. Lúc này sản phụ đã có dấu hiệu sinh nên các bác sĩ quyết định mổ bắt con khi thai kỳ mới 32 tuần. Kết quả là ba bé gái (một nặng 1,1 kg, hai nặng 1,65 kg) và một bé trai nặng 1,7 kg đã chào đời. Hiện bốn bé đang được chăm sóc tại khoa Bệnh lý sơ sinh và sức khỏe tạm ổn định. Có thể các bé sẽ nằm bệnh viện một tháng.


Gia đình sản phụ Trinh thuộc diện khó khăn, cả nhà bốn miệng ăn (thêm cha mẹ chồng) chỉ trông cậy vào số tiền ít ỏi do chồng chị đi làm công nhân tại kho đông lạnh, nay thêm bốn đứa trẻ ra đời thì hoàn cảnh càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, chị Trinh nói: Phải ráng mà nuôi con chứ biết làm sao!



Phải học bài bản mới điều trị được hiếm muộn



Để chẩn đoán hiếm muộn là chẩn đoán hồi cứu, hỏi bệnh nhân mong con chưa. Chẩn đoán xem lý do người ta có thật sự hiếm muộn chưa. Có cặp vợ chồng cưới nhau ba năm mà chưa có con nhưng hỏi kỹ thì ông chồng gặp vợ một năm có một tháng. Sau đó làm các xét nghiệm cần thiết chẩn đoán nguyên nhân hiếm muộn mới chỉ định điều trị. Điều trị hiếm muộn phải học một cách bài bản chứ không phải ai điều trị cũng được. Bác sĩ thấy thuốc thì cứ cho xài nhưng thật sự thuốc không tốt tuyệt đối 100%, nó là con dao hai lưỡi, muốn điều trị phải học hỏi, phải đọc sách, phải tham gia các lớp tập huấn để điều trị bệnh nhân cho an toàn.


ThS-BS HOÀNG THỊ DIỄM TUYẾT, Trưởng khoa Hiếm muộn, Phó Giám đốc BV Từ Dũ



DUY TÍNH - VĨNH SƠN


http://phapluattp.vn/20110826122937468p1060c1104/qua-kich-buong-trung-sinh-bon-bac-si-noi-gi.htm