Mỗi cặp vợ chồng có 2 con là gia đình lý tưởng nhất.



Mới đây, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã đưa ra những số liệu về mức sinh khá chênh lệch giữa Hà Nội và TPHCM. Trong khi số con của mỗi phụ nữ ở TPHCM đã giảm đáng kể, chỉ còn 1,33 con (năm 2012) thì số con của mỗi phụ nữ ở Hà Nội vẫn ở mức cao: 2,2 con. Vì sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy ở hai TP lớn nhất nước này?




Còn nhiều “điểm nóng” về dân số



Theo thống kê mới đây của Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội, số trẻ mới sinh, trẻ là con thứ ba trở lên trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Vẫn còn một số địa bàn có số sinh tăng cao như các quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Tây Hồ...



Đặc biệt, vẫn có nhiều người sinh con thứ ba trở lên, tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại thành như huyện Sóc Sơn có 44 trẻ, huyện Mỹ Đức 36 trẻ, huyện Chương Mỹ 20 trẻ... Đáng lưu ý, tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức báo động, toàn thành phố là 116 trẻ trai/100 trẻ gái; trong đó các quận, huyện có tỉ số giới tính khi sinh cao trên 120/100 là Gia Lâm, Ứng Hòa, Mê Linh, Hà Đông, Ba Đình...



Lý giải về việc mức sinh tăng ở Hà Nội, ông Dương Quốc Trọng (Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số -KHHGĐ) cho rằng: Trước đây Hà Nội chưa sáp nhập với Hà Tây (cũ) tổng tỉ suất sinh khá thấp, nhưng sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì số sinh đã tăng cao. Trước đây, nếu ở quận Hai Bà Trưng có tới 16/20 phường không có người sinh con thứ ba thì cả tỉnh Hà Tây chỉ có 1 phường ở thị xã Hà Đông không có người sinh con thứ ba. Sau khi Hà Nội được mở rộng thì tỉ lệ sinh vẫn tiếp tục tăng mạnh ở khu vực các huyện. Vì thế mới có chuyện một gia đình ở quận Hà Đông sinh 12 con và còn định sinh đứa thứ 13.



Ông Trọng còn cho biết, với tình hình kinh tế-xã hội như hiện nay, lẽ ra Hà Nội phải giống TPHCM, nhưng Hà Nội và cả vùng Đồng bằng sông Hồng làm công tác dân số rất khó, mức sinh có giảm, nhưng vẫn ở mức bình quân 2,1-2,2 con/bà mẹ. Đặc biệt là mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Nội ở mức cao, trong khi TPHCM năm 2010 ở mức 110 trẻ trai/100 trẻ gái, tạm coi là mất cân bằng, đến năm 2011 giảm chỉ còn 106 trẻ trai/100 trẻ gái. Nếu lấy Hà Nội làm tâm mà quay một vòng bán kính 100km thì không địa phương nào không mất cân bằng giới tính - từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hòa Bình... Có lẽ người Nam có suy nghĩ thoáng hơn, còn người Bắc nặng tư tưởng phong kiến, phải sinh nhiều con và phải có con giai.



Đối mặt với khó khăn



Đánh giá về nguyên nhân mức sinh ở Hà Nội giảm ít, UBND TP.Hà Nội cho biết, do số nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ của Hà Nội vẫn ở mức cao, tâm lý sinh con vào năm đẹp, tâm lý muốn sinh nhiều con (tập trung ở các huyện), nhất là muốn có con trai (chiếm 75-80% trong số sinh con thứ ba trở lên)... thành phố đã đưa ra một loạt giải pháp, nhưng việc thực hiện còn chậm hoặc chưa quyết liệt. Đối tượng sinh con thứ ba trở lên là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chậm được xử lý và xử lý còn hình thức, chưa dứt điểm. Công tác vận động tới các nhóm đối tượng đặc thù, nhóm nguy cơ sinh con thứ ba trở lên, các chế tài hiệu quả để xử lý các trường hợp vi phạm sinh con thứ ba trở lên... chưa được thực hiện tốt.



Theo đánh giá về nguyên nhân giảm sinh ở phụ nữ TPHCM của Chi cục Dân số - KHHGĐ TPHCM, có thể do mức chi phí cho cuộc sống đô thị cao, chi phí đầu tư nuôi dạy con cao; dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nên người dân không cần đẻ bù, người sống ở đô thị đang có xu hướng kết hôn muộn và muộn có con, lao động nữ ở đô thị sợ mất việc hoặc đánh mất cơ hội thăng tiến trong công việc khi sinh con..., nên họ chỉ sinh 1 con. Trước vấn đề này, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã phải đưa ra khuyến cáo: Phụ nữ TPHCM cần sinh đủ 2 con. Còn phụ nữ Hà Nội đến nay vẫn giữ quan điểm sinh nhiều con để “nhiều lộc” hơn chăng?



http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Phu-nu-Ha-Noi-thich-de-nhieu/131561.bld