Văn hóa - nghệ thuật quốc tế


Phim Những người khốn khổ, bản tráng ca về lòng nhân ái và tự do


Cập nhật lúc 01:20, Thứ tư, 20/02/2013 (GMT+7)


http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/goc-dien-anh/phim-nh-ng-ng-i-kh-n-kh-b-n-trang-ca-v-long-nhan-ai-va-t-do-1.392293










Áp-phích quảng cáo phim Những người khốn khổ.






Tất cả những ai yêu mến văn học Pháp, yêu mến bộ tiểu thuyết nổi tiếng Những người khốn khổ của đại văn hào nước Pháp Vích-to Huy-gô, lại có thể được đắm mình trong tác phẩm ấy và quay về với bối cảnh xã hội nước Pháp đầy biến động cách mạng trong thế kỷ 19 ở bộ phim cùng tên của đạo diễn Tôm Hốp-pơ.



Trung thành với tác phẩm của Vích-to Huy-gô và vở nhạc kịch cùng tên của A-lanh Bu-bin và Clau-đi - Mai-cơn Xchôn-bớc, bộ phim Những người khốn khổ (Les Misérables) đã thật sự trở thành một bản tráng ca về lòng nhân ái, tình yêu thương con người, khát vọng tự do và sự vùng lên của nhân dân lầm than, đau khổ. Ðó là câu chuyện đầy mê hoặc kể về những giấc mơ tan vỡ và tình yêu không thành, cùng với đó là những đam mê, hy sinh. Người xem sẽ gặp lại ở đây nhân vật Giăng Van-giăng, một cựu tù nhân, một người đàn ông bị xã hội tư bản với hệ thống tư pháp tàn bạo đầy đọa, bị đạp xuống tận cùng xã hội và tưởng rằng chỉ còn lại "những vết sẹo" hằn lên sự trả thù độc địa nhưng lại sống đầy vị tha, biết tha thứ ngay cả kẻ thù của mình, biết bao bọc, chở che cho các số phận cùng cảnh ngộ bằng sự quả cảm, tận tâm. Cuộc đời Giăng Van-giăng trong tác phẩm văn học của Vích-to Huy-gô và trong bộ phim với sự vào vai của diễn viên Húc Giắc-men (Hugh Jackman) người đã từng giành giải Tony Award (giải thưởng cao quý nhất trong bộ môn nhạc kịch, tương đương với Giải Ô-xca của điện ảnh), là bản hùng ca bi tráng về số phận, ý chí và lòng hướng thiện của con người. Chính những phẩm chất và tấm lòng của Giăng Van-giăng đã cảm hóa và tạo nên sự đổi thay ở những con người đại diện cho hệ thống tư pháp thối nát và tàn nhẫn của nước Pháp tư bản như thanh tra Gia-ve. Cùng thuộc tầng lớp cần lao, chung một số phận như Giăng Van-giăng, bộ phim đã xây dựng thành công các hình tượng nhân vật đã trở nên gần gũi, thân quen với nhiều người Việt Nam yêu văn học Pháp như cô gái điếm Phăng-tin, một người mẹ khốn khổ giàu lòng hy sinh và các số phận lầm than khác: cô gái Ê-pô-ni, cậu bé đường phố Ga-vơ-rốt, những con người bị cuộc đời bỏ quên, giày xéo mà vẫn sống chứa chan và đầy ắp tình người.



Mặc dù khá ít lời thoại mà chủ yếu diễn tả bằng 49 ca khúc do các diễn viên trực tiếp thể hiện, bộ phim Những người khốn khổ đã mang lại nhiều cảm xúc chân thực với người xem và vừa qua đã giành cả ba giải Quả cầu vàng 2012, một giải thưởng điện ảnh nhiều uy tín của Mỹ. Bộ phim hiện cũng được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất cho cho Giải Ô-xca năm 2013. Phim hiện khởi chiếu tại các rạp trong hệ thống Megastar ở Việt Nam trong dịp đón Tết Quý Tỵ 2013.



PV