Không chỉ người dân khổ sở, xe cứu thương, cứu hoả rơi vào những tuyến đường kẹt xe cũng … “khóc ròng”.



Sáng sớm 4/11, tại đường Nguyễn Kiệm, đoạn gần ngã tư Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp -TP.HCM) suýt xảy ra vụ đánh nhau giữa hai thanh niên đi xe máy “leo vỉa hè” với một ông chủ nhà ở khu vực này.


Số là do vỉa hè mới tráng xi măng nên ông chủ nhà lấy cây rào lại. Trong khi đó, ngã tư Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn có “lô cốt” án ngữ nên xảy ra kẹt xe dữ dội, nhiều người phải băng lên vỉa hè để lưu thông.


Vỉa hè mới tráng xi măng của ông chủ nhà trên cũng bị xe “ủi” luôn. Tức khí, ông ra chặn xe lại. Thế là xảy ra cãi nhau, suýt phải giải quyết bằng ... nắm đấm.


Cứu thương, cứu hoả cũng “khóc”


“Ngày nào cũng khổ sở với nạn kẹt xe nên ai cũng thấy bực dọc, muốn phát khùng. Vì thế mỗi khi bị kẹt xe lại xảy ra va chạm trên đường, những người nóng tính rất dễ “choảng” nhau” – anh Minh Tùng (nhà ở ngã tư Ga - quận 12 làm việc cho một công ty ở quận 3), ngày nào cũng đi qua đoạn đường – lộ trình “hành xác” trên, chia sẻ.


Kẹt xe dữ dội trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp). Ảnh: Nhật Tân. Cũng tại đoạn đường trên, vào tầm 7 đến 8 giờ mỗi ngày, tình trạng kẹt xe càng khủng khiếp hơn. Một hôm, đi đến khu vực này, chúng tôi cũng bị “đẩy” từ lòng đường lên vỉa hè rồi “chết đứng”. Nhìn ra phía sau, thấy xe máy, xe buýt, ô tô nghìn nghịt, dàn hàng ngang từ lòng đường đến vỉa hè không còn một chỗ trống.


Phía trước, nơi “lô cốt” án ngữ có một chiếc xe cứu thương cũng đang “chôn chân” không thể nhúc nhích.


Chừng 15 phút, khi thấy dòng xe phía trước vẫn đứng im, tài xế xe cứu thương ngán ngẩm mở cửa thoát ra khỏi xe để … thở. Trên xe cứu thương có một thanh niên có lẽ do quá mệt mỏi vì chờ đợi nên nhắm mắt…lim dim ngủ.


Một xe cứu thương đang "mắc cạn" ở đoạn có lô cốt án ngữ gần ngã tư Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn. Ảnh: Nhật Tân



Nhìn chiếc xe cứu thương “chết đứng” gần nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi không khỏi giật mình, chợt nghĩ: “Nếu trên xe có bệnh nhân cần cấp cứu gấp thì không biết tài xế sẽ thoát khỏi đoạn đường này bằng cách nào?”.


Không riêng gì xe cứu thương, xe cứu hoả dù khi rơi vào tuyến đường kẹt xe cũng bế tắc.


Thượng tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở PCCC TP.HCM cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp xe đi chữa cháy bị rơi vào tuyến đường kẹt xe, không đến hiện trường kịp. “Do đó chúng tôi phải lên nhiều phương án, khi xe ở khu vực này bị kẹt phải điều xe khác thay thế ngay" - ông Bửu nói.


Kẹt xe kéo dài khiến người ngồi trên xe cứu thương ngủ gật. Ảnh: Nhật Tân



Đường cửa ngõ, đến vỉa hè cũng “kẹt


Do ảnh hưởng của các công trình thi công, rào chắn, hiện nay trên các trục đường cửa ngõ như Trường Chinh (quận Tân Bình), Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3 - Phú Nhuận) đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)… cũng bị kẹt cứng vào các giờ cao điểm.


Tại vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) mỗi khi xảy ra kẹt xe, nhiều người đi xe máy tìm cách băng qua các thảm cỏ, con lươn để “thoát thân” khiến cho việc lưu thông qua khu vực này càng thêm hỗn loạn...


Trên đường Trường Chinh, làn đường từ nội thành ra ngã tư An Sương vào chiều tối cũng luôn xảy ra tình trạng quá tải, khiến vỉa hè cũng bị biến thành đường lưu thông.


Đường Trường Chinh, từ lòng đường đến vỉa hè đều "kẹt". Ảnh: Nhật Tân


Trong khi đó, tại các đường nhỏ như đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), đường bờ kè Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận Phú Nhuận) ... cũng thường xuyên bị kẹt cứng.


Đặc biệt, những lúc mưa lớn, tình trạng kẹt xe dữ dội xảy ra ở những điểm “giao cắt” đường xe lửa như ở điểm “giao cắt” với đường Lê Văn Sỹ, đường Phan Đăng Lưu, Nguyễn Kiệm, cầu Bình Lợi, Quốc lộ 13 … khiến tính mạng của người dân cũng bị đe doạ.


Thiệt hại chồng thiệt hại


Tình trạng kẹt xe trên địa bàn TP.HCM kéo dài trong những năm gần đây khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn.


Những người ở ngoại thành làm việc trong nội thành, buổi sáng muốn tránh kẹt xe phải dậy từ tờ mờ sớm.


Thế nhưng buổi chiều, nhiều người do không thể bỏ việc về sớm nên hết giờ làm phải nán lại cơ quan đợi đến tối mịt (khoảng sau 19 giờ) mới ra về.


Anh Mười nhà ở quận Tân Phú, làm việc ở quận 1, cho biết, do ngán ngẩm cảnh kẹt xe nên hết giờ làm anh thường nán lại cơ quan rủ mấy anh em cùng cảnh ngộ đi uống vài chai bia, ngày nào cũng về muộn lại tốn thêm hơn trăm ngàn tiền bia.


Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đoạn thuộc khu vực quận 3 cũng thường xuyên quá tải. Ảnh: Nhật Tân.


Cũng cùng chung số phận, anh Minh, nhà ở quận 12, làm việc ở quận 3 nói, nhiều hôm hết việc nhưng sợ kẹt xe nên đi uống cà phê với bạn bè đến khoảng 20 giờ mới ra về. “Đâu chỉ gây kẹt xe ban ngày, ban đêm có “lô cốt” còn bít hết lối đi. Có hôm, 23 giờ về đến đường Nguyễn Kiệm, đoạn trước siêu thị Co.op Mart thì bị đơn vị đào đường ở đây rào chắn bít hết lối đi phải đi vòng đường khác, về đến nhà thì đồng hồ đã chỉ sang ngày… mới” – anh Minh ngao ngán kể lại.


Theo tính toán của Khoa Kỹ thuật - Giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM, vào năm 2007 với mức GDP trên 1.500 USD/người/năm tính ra thiệt về kinh tế - xã hội do kẹt xe trên địa bàn TP.HCM gây ra lên đến 14.000 tỉ đồng/năm.


Kẹt xe kéo theo nhiều hệ luỵ, trong đó có văn hoá giao thông. Ảnh: Nhật Tân Đó là chưa tính đến các thiệt hại về buôn bán - kinh doanh của người dân trên các tuyến đường, thiệt hại về sức khoẻ do ô nhiễm khí thải đối với người tham gia lưu thông. ..


Ngoài ra, theo một số chuyên gia về tâm lý, những người thường xuyên “dính” cảnh kẹt xe rất dễ sinh ra bực dọc, cáu gắt dẫn đến hiệu quả công việc thấp.


Đến thời điểm này, đã có nhiều giải pháp chống kẹt xe tại TP.HCM được đưa ra, nhưng trên thực tế, ngày nào người dân cũng phải... "sống chung với kẹt xe", như một tất yếu của sự phát triển đô thị.