Pháp luật của chúng ta đang bị nhờn'


"Cách đây nhiều năm làm gì có chuyện dân đánh cảnh sát. Rõ ràng bây giờ pháp luật đang bị nhờn, chưa nghiêm", ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại Quốc hội chiều 8/11.


> Cán bộ tư pháp tấn công cảnh sát giao thông


Chiều 8/11, thảo luận về dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng, lâu nay việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa tốt nên tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật không giảm. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trong đó có việc phổ biến pháp luật không đến với người dân, cơ quan thi hành chưa nghiêm, người dân biết sai nhưng vẫn làm...


Cho rằng, gần đây việc phổ biến pháp luật tốn tiền bạc nhưng không đến nơi đến chốn, không hiệu quả, đại biểu Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị, cần phân biệt đối tượng để phổ biến pháp luật bắt đầu từ nhà trường, đừng để lúc bắt vào trại giam rồi mới tính tới việc giáo dục.


"Nhiều người nói đến dân trí. Vậy Lào dân trí cao không mà ra đường nghe tiếng còi người ta tránh, người ta chấp hành nghiêm. Ở Việt Nam thế nào mà người dân đánh cả cảnh sát, nhổ nước bọt... Không phải dân không biết luật mà người ta chưa tôn trọng. Ở Mỹ thử đánh cảnh sát xem, họ xử nghiêm, cảnh sát có mặt và bắt ngay vào đồn", ông Thanh nêu ví dụ.


Cũng theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: "Cách đây nhiều năm làm gì có chuyện dân đánh cảnh sát. Rõ ràng bây giờ pháp luật của chúng ta đang bị nhờn, chưa đủ mạnh, chưa nghiêm. Luật nghe vẻ đồ sộ, hoành tráng, nhưng nếu làm không tốt thì nhờn".


Lý giải nguyên nhân khiến pháp luật chưa đến được với người dân, đại biểu Trần Đình Sơn - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk dẫn chứng: "Việc xây dựng tủ sách pháp luật nhiều năm liền chỉ là hình thức bởi dân có được xem đâu. Như ở địa phương tôi, tủ sách pháp luật để mốc meo".


Nhất trí về sự cần thiết của ban hành luật này, đại biểu Phạm Minh Tấn (Đắk Lắk) cho rằng, muốn để người dân thực hiện, chấp hành pháp luật tốt, trước hết phải biết, phải hiểu pháp luật. Do vậy, cần coi trọng hơn việc ban hành, hướng dẫn các văn bản dưới luật để thực hiện luật .


Dù cho rằng không thể thiếu sự tuyên truyền bổ biến pháp luật nhưng đại biểu Hiền băn khoăn: "Phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường, ở các cấp học... là cả một hệ thống. Bộ máy phải phát sinh cồng kềnh, từ trung ương tới cơ sở. Không phải cứ tốt nghiệp ĐH Luật ra là có thể đi phổ biến pháp luật". Và ông đề nghị cần đánh giá tác động thêm khi luật này ban hành.


Là người trong ngành nên đại biểu Phạm Văn Hà - Chánh án TAND tỉnh Nghệ An cho hay, trên thế giới chưa có luật này nên nếu Việt Nam thông qua thì đây sẽ là luật phổ biến, giáo dục pháp luật đầu tiên trên thế giới.


Tuy nhiên, theo ông Hà, quan trọng nhất chính là ý thức chấp hành pháp luật, đấu tranh trước các vi phạm, bảo vệ pháp chế bởi hiện nay nhiều người biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn vi phạm. Nguyên nhân là do ý thức pháp luật của họ kém và cần phải quan tâm đến việc giáo dục ý thức pháp luật.


Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cho rằng, Việt Nam đã ban hành quá nhiều luật và giờ lại làm luật phổ biến pháp luật thì "cả thế giới phải học chúng ta, chưa có nước nào có". Theo ông, dự luật có tính hô hào khẩu hiệu, các điều khoản, trách nhiệm chồng chéo.


"Nhìn vào luật này cứ rối như canh hẹ, cuối cùng chẳng giải quyết được gì, chẳng kỷ luật được ai. Các đại biểu nên nghiên cứu lại xem thông qua như thế nào chứ cá nhân tôi băn khoăn lắm", đại biểu Thịnh nêu quan điểm.


http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2011/11/phap-luat-cua-chung-ta-dang-bi-nhon/