Phân biệt rau Việt Nam và rau Trung Quốc


http://dantri.com.vn/Sukien/Phan-biet-rau-Viet-Nam-va-rau-Trung-Quoc/2008/11/261329.vip


Phần lớn những loại rau này thường có xuất xứ từ Trung Quốc.


Nhiều loại rau Trung Quốc đang tràn sang thị trường Việt Nam. Trong lúc chờ cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng, người tiêu dùng nên “bỏ túi” vài kinh nghiệm chọn rau cho bữa ăn hàng ngày.


Sau trận mưa lớn hồi đầu tháng 11 vừa qua, rau củ tại các chợ ở Hà Nội hầu hết được nhập về từ Trung Quốc, nhưng những người bán hàng lại luôn nói đó là hàng từ Đà Lạt về.



Các loại rau từ Trung Quốc được nhập về Việt Nam chủ yếu là cải bắp, cải thảo, cải ngọt; các loại củ quả như cà rốt, khoai tây, su hào, bí đỏ, bí xanh…



Bà Tính (Lò Sũ, Hà Nội) cho biết một số kinh nghiệm chọn rau của bà khi đi chợ như sau: Su hào Trung Quốc thường to tròn, dẹt như bánh xe, vỏ xanh thẫm, sờ mát tay; súp lơ thì to và trắng hơn. Cà chua là loại quả dài. Củ cải trắng tinh và củ dền trông to đẹp, vỏ trơn nhẵn, ít sâu.



Bí đỏ Trung Quốc quả dài, có màu sắc rất đỏ đẹp trong ruột nhưng ăn nhạt, không ngọt thơm như bí Việt Nam. Bí đỏ Việt Nam thì thường là quả tròn, hơi bẹp.



“Củ quả của Việt Nam thường mùa nào thức nấy. Vì thế, nếu có rau củ trái mùa thì phần nhiều từ Trung Quốc nhập về. Tôi cũng không ham hố nhiều loại rau quả trái mùa lắm, cứ mùa nào thức đó ăn thì tốt hơn”, bà Tính chia sẻ kinh nghiệm.



Chị Lê Thiên Nga, Giám đốc Đối ngoại, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cũng tiết lộ một số bí quyết nhận biết rau xịn Việt Nam sau khi làm việc với các trang trại rau tươi tại Đà Lạt.



Theo đó, bắp cải Trung Quốc thường to bằng nắm tay, tròn, xanh nhạt, lá xoăn, bọc trong nilon trắng, 100% đó là hàng Trung Quốc. Còn rau bắp cải Đà Lạt to, dẹt trắng, giống rau cải bắp miền Bắc, ăn ngọt hơn.



Rau cải thảo Đà Lạt ngắn hơn rau Trung Quốc nhưng vị đậm hơn; Cà rốt Trung Quốc có màu đỏ đậm. Riêng cà chua thì với chị Nga, quả là khó phân biệt, vì hai loại quả không khác nhau là mấy.



Siêu thị cam kết đưa rau nội vào bán



Tuần qua, Hapro đã vào thương lượng, kí kết với một công ty cung cấp rau củ quả Đà Lạt, Lâm Đồng. Theo đó, hàng tuần, tuỳ theo đơn đặt hàng từ Hapro, công ty này sẽ chuyển hoa quả được trồng và kiểm tra chất lượng từ Đà Lạt ra. Ngày 17/11, 10 tấn rau đầu tiên từ Đà Lạt đã được chuyển về hệ thống siêu thị của Hapro.



Ngoài ra, các nguồn rau khác từ Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Hapro cũng ghi rõ xuất xứ trên các loại rau để người tiêu dùng nhận biết.



Theo chị Nga, chưa có thống kê cụ thế nhưng qua nắm bắt tại các siêu thị, lượng rau bán ra từ đầu tháng đã tăng mạnh, giá cả nhiều loại lại thấp hoặc chỉ ngang bằng giá cả tại các chợ.



“Nhiều người dân cũng thay đổi thói quen đi chợ mà vào siêu thị mua. Tỉ lệ người mua khối lượng rau lớn cũng tăng lên đáng kể” - chị Nga nói.



Theo Thiên Trường


VTC News


Sau mưa lụt, nguồn cung ứng rau xanh tại các địa phương lân cận không đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường Hà Nội; rau củ Trung Quốc xuất hiện và nhanh chóng tiếm ngôi rau nội. Điều quan trọng với các bà nội chợ khi mua rau củ là nhận biết được rau Trung Quốc để cân nhắc có nên mua về dùng hay không?


Các loại rau cần lưu ý


Ngay sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ bê bối sữa nhiễm melamine của Trung Quốc, Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm Australia và NewZealand lập tức đưa ra bản khuyến cáo danh mục rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc cần cảnh giác bao gồm: Các loại nấm, khoai tây, cà chua và rau diếp. Tuy kết quả kiểm nghiệm không tìm thấy độc tố nhưng cơ quan này cho biết vẫn cần theo dõi thêm các loại rau quả trong danh sách được nêu.


Ủy ban khoa học y tế Thái Lan cũng tiến hành cuộc kiểm nghiệm đối với các loại rau củ nguồn gốc Trung Quốc và phát hiện chất Sodium Hydrosulphite tồn dư trong 5 loại rau được tiêu thụ nhiều nhất gồm: cải xoăn, cải bắp, cải thảo, đỗ đua và cải bắp trắng.


Thời gian qua, lượng rau củ từ Trung Quốc "chảy" về Việt Nam ùn ùn. Rau củ quả là mặt hàng thuộc mục kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng tổ kiểm dịch y tế cửa khẩu Tân Thanh mới thực hiện được việc kiểm tra nhanh. Vì thế chỉ xác định được hai chất phôtphat và cacbamat (thuộc nhóm hóa chất bảo vệ thực vật), nếu có các chất thuộc dư lượng thuốc kích thích tăng trưởng hay nhóm hóa chất khác thì không phát hiện được.


Các thương lái cho biết: Thông thường rau Trung Quốc có những điểm khác rau ta:
Bắp cải, cải thảo rất tròn và mượt, không bị nhàu, xước, đầu búp uốn vào không bị xoăn. Các rau cải làn, cải thìa, hành, thìa là, rau thơm...chủ yếu đều bó bằng nhiều sợi rơm chập vào nhau và xoắn. Rau cải mớ thường tròn, lá ngắn hơn rau của ta. Cà chua cuống xanh hoặc hơi phớt hồng trong khi bên ngoài đã tròn đỏ căng do họ dấm cả cót lớn. Các loại củ như cà rốt, củ cải và quả su su thường to hơn của ta, các rãnh củ rất nông và da trơn, sờ vào rất mát...



Người tiêu dùng sẽ phải sử dụng trực giác


Trước tình trạng không thể kiểm duyệt hết thành phần hoá học và xuất xứ của từng loại rau củ nhập về từ Trung Quốc, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, lựa chọn rau quả tươi cần chú ý đến hình dáng bên ngoài: Còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát, trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống.
Cảnh giác với loại quá "mập", "phổng phao"; Về màu sắc: Có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả xanh và màu sắc bất thường.


Chú ý
cảm giác "nhẹ bỗng" của một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích tăng trưởng và hoá chất bảo vệ thực vật;
Nhiều loại quả còn dính hoá chất bảo vệ thực vật trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả... có các vết lấm tấm hoặc vết trắng; Nếu lượng hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hoá chất bảo vệ thực vật.


Vũ Anh Tú (tổng hợp)


http://vietbao.vn/Kinh-te/Cach-nhan-biet-rau-Trung-Quoc/75200045/87/