Nước mắt trung lưu và chiếc túi LV
Nhìn thu nhập đầu người của Việt Nam, chiếc túi LV hoặc đôi giày Salvatore Ferragamo cỡ “tầm tầm” mà bán được giá 16 “vé” là chuyện khó hiểu. Nhưng người Việt Nam đã quen với dạng khó hiểu này.


Dù gặp phải rất nhiều khó khăn trong vài năm trở lại đây, Việt Nam vẫn là mảnh đất khá hấp dẫn đối với giới doanh nhân và thương gia nước ngoài. Một trong những yếu tố thu hút nhất là cơ cấu dân số trẻ, với độ tuổi trung bình 28,vừa là nguồn lao động dồi dào, lại vừa là một thị trường đầy hứa hẹn cho các mặt hàng tiêu dùng đại chúng.


Thị trường ấy, ở nhiều nước, đại diện bởi một nhóm người thường được quan niệm là tầng lớp trung lưu (middle class). Họ là những người lao động có kỹ năng, đóng thuế nhiều vào bậc nhất, chi tiêu đa dạng trong thị trường của nhiều ngành nghề và thường được hưởng nền giáo dục và nền tảng văn hóa ở mức căn bản trở lên. Nhóm này chiếm tỷ lệ đông đảo trong các xã hội phát triển, tự chủ về kinh tế và có tiếng nói nặng ký trong các định hướng chính sách.


Ở bên trên, giống như khá nhiều nước tư bản, Việt Nam cũng đã hình thành một nhóm dân số quan trọng, tuy ít, nhưng nắm giữ những nguồn lực lớn lao về kinh tế, và tất nhiên, cũng khá chủ động trong việc gây ảnh hưởng tới chính sách. Đáng chú ý, nhóm “nhà giàu” có nhịp độ tăng trưởng đột biến trong vài năm gần đây, tình cờ trùng hợp với giai đoạn sau khi gia nhập WTO.


Nhiều nước giàu, biểu hiện ở thu nhập và giá cảở mức cao, thường khi dân số đã già. Vẫn còn có một dân số trẻ, nhưng Việt Nam đã hình thành một mặt bằng giá khá đắt đỏ, vì dường như nhiều người đã giàu.


Nước mắt trung lưu


Khi mà bát phở Hà Nội được duy trì giá 30.000 đồng trong hai năm vừa qua, đối tượng hưởng lợi chính của mức giá ổn định ấy là nhóm thu nhập trung bình. So với những người nghèo còn đang mơ mộng được ăn phở (), thì họ có vẻ là những người có khả năng ăn phở hàng ngày.


Khó định nghĩa chính xác, nhưng ở Việt Nam người ta có thể xếp giới công chức, viên chức văn phòng, trí thức, thợ thủ công bậc cao, nhà buôn hay các chủ cửa hàng nhỏ, các điền chủ nhỏ...vào tầng lớp trung lưu.


Một khảo sát của TNS cho thấy thu nhập hàng tháng của nhóm trung lưu dao động từ khoảng 4,5 – dưới 15 triệu đồng. Mức thu nhập này cho phép họ trang trải phần lớn chi phí thiết yếu, (tuy còn phụ thuộc vào nơi họ sinh sống), có những tích lũy nhất định và trở thành một nguồn đầu tư tiềm năng cho nền kinh tế.


Tuy may mắn hơn nhóm thu nhập thấp về cơ hội ăn phở, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn xây dựng tiềm lực cho mình. Dựa trên các nghiên cứu khác nhau, số người được xếp vào hạng trung lưu ở Việt Nam dao động từ 8 đến 18 triệu người, ước chừng chiếm tối đa là 20% dân số. Hơn ai hết, giới trung lưu phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và hội nhập thương mại để cải thiện quy mô và vị trí của mình, như diễn ra trong hơn 20 năm qua.


Tuy nhiên, thực tiễn vài năm trở lại đây cho thấy nhiều thách thức khiến cho chất lượng sống của dân trung lưu đang dần bất ổn hơn là vẻ bề ngoài.


Trước hết là về tài sản và thu nhập. Sau một giai đoạn bong bóng tài sản bùng nổ, rất nhiều của cải do giới trung lưu nắm giữ bị mất giá. Phong trào nhà nhà chơi chứng khoán và đầu tư nhà đất đã biến không ít viên chức và giới tiểu chủ lâm vào tình cảnh khóc dở mếu dở khi chẳng may dồn thu nhập và cả nguồn tiết kiệm của mình vào những cơ hội “lướt sóng” dăm ba năm trước.


Thu nhập của giới trung lưu cũng trồi sụt theo suy thoái kinh tế. Cơ hội việc làm dần khắc nghiệt hơn cùng với sự suy giảm đầu tư nước ngoài, tinh giản lao động khối doanh nghiệp nhà nước làm ăn bết bát và thực trạng thua lỗ phá sản hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân.


Nhưng nguy cơ lớn nhất đối với túi tiền của nhóm thu nhập trung bình chính là chi tiêu gia tăng không ngừng, kết quả của lạm phát phi mã trong giai đoạn 2006-2011. Điều này thể hiện trong sự đắt đỏ cụ thể của từng loại hàng hóa có nguồn gốc từ các yếu tố như trượt giá đồng tiền, vũ điệu “tăng” và “gô” (cổ) của giá điện, giá xăng, giá nhà đất.


Khi đã kiệt sức bởi những chi phí này, sẽ là một thách thức nếu muốn giới trung lưu tạo sức bật về tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ để trở nên một động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế.


Một hệ quả khác khi kinh tế rối ren: hàng giả nhiều hơn. Đặc biệt nguy hiểm và phổ biến lại là lương thực, thực phẩm. Hiện tượng buôn lậu gà “đầu trọc” hay tuồn thịt bẩn, đã trở thành vấn nạn chưa thấy hồi kết. Điều đáng tiếclà, thu nhập trung lưu mà muốn ăn sạch, uống lành ở Việt Nam e rằng vô cùng khó. Những sản phẩm sạch phần lớn phải nhập khẩu. Đủ khả năng chi trả, phải là người giàu.


Chiếc túi LV nơi đỉnh tháp thu nhập


Sau khi đầu tư hết 300 tỷ đồng riêng tiền tu sửa, Tràng Tiền Plaza mở cửa trở lại ngày 6/4/13. Mảnh đất lịch sử chênh chếch tháp Rùa được thay áo, đưa một Bách hóa Tổng hợp thời bao cấp trở thành trung tâm hàng hiệu thượng lưu nhất Hà thành.


Nhìn thu nhập đầu người 1600USD năm 2012 của Việt Nam, đối với nhiều người nước ngoài, chiếc túi LV hoặc đôi giày Salvatore Ferragamo cỡ “tầm tầm” mà bán được giá 16 “vé” là chuyện khó hiểu. Nhưng người Việt Nam đã quen với dạng khó hiểu này.


Kinh tế bùng nổ trong hai mươi năm đã tạo ra một lớp người giàu có vượt trội, họ cần phải có sự khẳng định cho đẳng cấp của mình. Các cửa hiệu xa xỉ mọc lên phục vụ cho nhu cầu hướng tới sự khác biệt đó. Đơn cử như chuyện ăn phở, món phở người giàu phải khác với “ước mơ” giá 30.000 đồng của người nghèo.


Cách đây không lâu, Hà Nội rộ lên mốt ăn phở bò Kobe. Tròm trèm gần triệu đồng một bát, mức giá nghe hợp lý, vì giá thịt bò Kobe ở Nhật là 500 đômột ký. Tiệm phở cực kỳ đông khách, những thực khách muốn thưởng thức và khẳng định mình trong giao tế. Rồi chuyện kết thúc bằng một vụ lình xình, rằng bò Kobe chưa bao giờ được bán ngoài Nhật, lấy đâu ra ở Việt Nam. Nhưng xét cho cùng, chắc gì người ta ăn bát phở đó vì miếng thịt bò Kobe?


Nghe đồn, khi bị cơ quan quản lý hỏi thăm, chủ hiệu phở đã xoa tay phân trần: Thưa, chúng tôi đâu dám quảng cáo sai sự thật đây là thịt bò Kobe. Tên gọi này là tiếng Việt trăm phần trăm. Thực chất, thịt bò trong món phở đắt đỏ này là thịt bò cái, mà bò cái là Cô của con bê. Để gọi đỡ dài dòng, tiệm phở viết tắt là bò Cô-bê, với dụng ý cam đoan đây là bò thứ thiệt. Chủ yếu là để phân biệt với những tiệm phở bình dân bán thịt trâu hoặc thịt lợn sề dưới tên phở bò mà thôi.


Cũng theo câu chuyện “chém gió” lúc trà dư tửu hậu này, thì điều mà chủ tiệm không nói ra, là thực khách ăn “phở bò Kobe” đơn giản vì họ không muốn ăn bát phở mà giá có 30.000 đồng.


Chuyện mua hàng hiệu xa xỉ, nếm món ăn bằng cả tháng lương của ngườinghèo, hoặc đón dâu bằng Roll Royce, đã quá phổ biến trên mặt báo. Thực ra, thể hiện giàu có với tính chất hưởng thụ thành quả lao động không phải là điều xấu. Nó chỉ có vấn đề, nếu một bộ phận không nhỏ trong các trường hợp hưởng thụ lại bắt nguồn từ sự hưởng lợi từ chính sách, ví dụ như thu hồi đất đai vốn là sinh kế của nhiều nhóm thu nhập thấp, hay đầu cơ kiếm lời từ những mặt hàng độc quyền giá làm kiệt quệ giới trung lưu.


Nhìn toàn cảnh về những nhóm thu nhập khác nhau, có thể thấy chính sách trong thời gian tới cần phải chú ý nhiều hơn tới hai nhóm thu nhập ở dưới, ngõ hầu cân đối phần nào những lợi ích đã mang lại cho nhóm thu nhập cao nhất. Nhóm nghèo, là vì yêu cầu về an sinh và duy trì ổn định xã hội. Còn tầng lớp trung lưu, là để tạo động lực phát triển và thậm chí là tạo nên một lớp đệm hài hòa giữa nhóm nghèo và nhóm giàu, vốn đã có một khoảng cách thu nhập vời vợi không gì lấp nổi.


Bảo Bảo/ TBKTSG


http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/118560/nuoc-mat-trung-luu-va-chiec-tui-lv.html