Báo Tuổi Trẻ hỗ trợ khẩn cấp


TT - Mấy tháng nay các em thiếu ăn, nhà trường phải đứng ra vay nợ để duy trì bữa ăn cho các em. Một số em phải nghỉ học nhưng về nhà cũng chẳng có gì ăn. Bố mẹ bảo cứ xuống trường ở với thầy giáo còn có cơm ăn vì cả bản cũng thiếu ăn hàng tháng nay rồi!


Học sinh nội trú Trường THCS Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ chia cơm trong bữa ăn tối. Bữa cơm của các em chỉ có cơm và canh rau cải nấu mặn - Ảnh: Đỗ Hữ Lực



Thầy giáo Lê Mã Lương - hiệu trưởng Trường THCS Đồng Sơn, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) - buồn bã tâm sự như trên. Nhà trường chỉ xoay xở được ngày nuôi các em hai bữa cơm và canh rau với định mức 1.500 đồng/bữa, bữa sáng thì nhịn.


Đói run tay!


Báo Tuổi Trẻ hỗ trợ khẩn cấp


Hôm nay (22-1), báo Tuổi Trẻ trao ngay 20 triệu đồng mua gạo, chăn màn và một số nhu yếu phẩm khác nhằm góp phần hỗ trợ 62 học sinh nội trú Trường THCS Đồng Sơn tiếp tục học tập.


Buổi chiều sau giờ học, Trường THCS Đồng Sơn im ắng đến lặng tờ. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ cho biết nhà trường có 62 học sinh nội trú theo hình thức bán trú dân nuôi. Các em là người trên địa bàn xã nhưng đi bộ từ nhà đến trường phải hết nửa ngày. Nhà trường cho các em ở trong những phòng học chuyên môn.


Hai năm trở lại đây, phụ huynh đã yêu cầu nhà trường lo chuyện ăn uống cho các cháu. Hằng tháng mỗi gia đình đóng góp cho nhà bếp của trường 13kg gạo và 70.000 đồng. Nhưng từ đầu năm học đến nay, nhà các em đã cạn nguồn tiếp tế. Để giữ các em ở lại trường học tiếp, trường đã vận động các thầy cô giáo cho “vay lương”, nhưng lương thầy cô giáo cũng có hạn.


“Chúng em đói quá nên cứ mỗi khi đến tiết 4, tiết 5 buổi sáng là viết bút cứ run rẩy tay”- Triệu Thị Hoa, học sinh lớp 8A, nói. Buổi sáng lên lớp vì bụng rỗng nên cứ đến 10g-11g em cứ lả đi. Thương Hoa, những học sinh ở gần trường không ở nội trú thỉnh thoảng mang khoai lang đến cho bạn.


Ăn nhờ thầy cô


“Lâu lắm rồi chúng em chưa biết đến thức ăn là gì”- Triệu Thị Mùi, học sinh lớp 9A, kể. Mùi cho biết cùng học với em ở trường nội trú còn có hai người em ruột là Triệu Thị Đào đang học lớp 8A và Triệu Văn Hậu học lớp 6A. Đã hai tháng nay ba chị em phải “ăn nhờ” các thầy cô vì gia đình không tiếp tế một cân gạo nào.


Mỗi chủ nhật, Mùi đi bộ về nhà để xem bố mẹ có chạy được gạo không, nhưng khi Mùi quay lại trường thì hai em chạy ra đón chị đều thất vọng. “Ở nhà cũng hết cái ăn rồi, bố phải lên rừng đào củ mài, còn mẹ bệnh nặng nhưng cũng không có cơm ăn, chỉ ăn sắn trừ bữa”. Triệu Văn Hậu, em út của Mùi, còn đang bị bệnh sỏi thận không có tiền chữa. Nhiều đêm Hậu đau quá, khóc nấc. Sợ mất giấc ngủ của các bạn, hai chị Mùi và Đào lại dìu Hậu ra đầu hè nhà dỗ dành em. Và cả ba cùng khóc.


Trời chiều đông, hoàng hôn vùng rừng núi xuống nhanh, khi cô cấp dưỡng của trường bê hai nồi cơm ra trước sân khu lớp học, các em học sinh ùa đến chìa bát để lấy phần bữa tối. Bữa cơm của các em tối nay chỉ một món: canh rau cải nấu mặn.


Học sinh nội trú Trường THCS Đồng Sơn chia cơm ăn tối. Bữa cơm của các em chỉ có cơm và canh rau cải nấu mặn - Ảnh: Đ.H.Lực


“Đi xin cái ăn cho bản”


Trên đường vào nhà các em học sinh nội trú lâm cảnh khó khăn, chúng tôi gặp trưởng bản Bến Thân Lý Văn Theng gầy gò, phong phanh chiếc áo sơmi trong buổi sáng đông giá lạnh đầy sương mù. Ông Theng cho biết ông phải ra xã xin trợ cấp khẩn cho 42/102 hộ dân hết cái ăn hằng ngày. “Các bác cứ vào bản đi, tôi còn bận đi xin cái ăn cho bản đây” - ông Theng nói.


Bản Bến Thân vắng lặng. Nhiều nhà đóng cửa im ỉm, mặc dù đến gần trưa nhưng chỉ loáng thoáng một vài nhà có khói bốc lên. Cô gái Triệu Thị Thơm, người dân của bản tình nguyện làm phiên dịch tiếng Dao cho chúng tôi, nói trai tráng của bản đã đi làm thuê từ lâu rồi, một số cô gái có nhan sắc của bản cũng đã về xuôi.


Thơm dẫn chúng tôi đến nhà ông Triệu Văn Quyết, 86 tuổi. Ông Quyết đang cùng vợ là Lý Thị Dương, 83 tuổi, gọt sắn chuẩn bị bữa trưa. Ông bảo mỗi ngày ông bà cầm cự hai bữa sắn luộc. Hôm nào may lắm anh con trai đi rừng đào được củ mài đổi lấy gạo thì có cơm độn sắn. Nhưng đã ba hôm nay anh con trai đau lưng nằm nhà, ông bà chỉ dùng bữa với sắn luộc.


Cả bản mất mùa


“Năm nay trời ra tai (tai họa) nên mất mùa!” - ông Quyết nói. Từ đầu năm đến nay, vùng rừng núi của bản Bến Thân có dịch “chuột khuy”. Loài chuột này chỉ xuất hiện khi có mùa nứa khuy, nghĩa là nứa ra hoa theo chu kỳ (khoảng 30 năm rừng nứa khuy một lần). Hoa và hạt nứa chính là nguồn thức ăn dồi dào cho lũ chuột. Khi hạt nứa hết, lũ chuột rừng đồng loạt tấn công nương rẫy. Tháng 3, dân bản tra ngô bị chúng tấn công không còn một cây nào. Đã đủ kiểu bẫy và thuốc chuột được tung ra để tiêu diệt nhưng không xuể. Tới vụ lúa, khi cây lúa mới trổ đòng cũng bị lũ chuột tấn công. Thế là mất trắng vụ lúa.


“Cả bản không còn gì ăn phải đổ lên rừng từ tháng 8”- cụ Quyết cho hay. Cả bản lên rừng đào củ mài để chống cái đói. Mỗi ký củ mài gùi ra chợ xã bán được 5.000 đồng. Trai tráng mỗi ngày cũng chỉ đào được 3-5kg. Nhưng rồi củ mài cạn vì dân các bản lân cận cũng khai thác. Tiếp đến rau rừng cũng được hái sạch để chống cái đói. Nhưng ăn rau mãi không nổi, người dân địu ra chợ bán lại phải mang về vì người dưới xuôi ăn không quen.


Chị Đặng Thị Hiền - mẹ của ba em Mùi, Đào, Hậu - rơi nước mắt: “Gia đình tôi chỉ mong thầy cô cưu mang các cháu chứ các cháu về nhà bây giờ cũng chẳng có gì ăn, sau này tôi khỏe lại sẽ cố gắng đi rừng đào củ mài để trả thầy cô”.


Kêu gọi mỗi nhà giúp một bát gạo


Ngày 21-1, phó chủ tịch UBND xã Đồng Sơn Hà Thanh Vận cho biết sau cuộc họp ngày 20-1, UBND xã chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ của xã kêu gọi các hộ dân trong xã đóng góp mỗi gia đình 2.000 đồng hoặc một bát gạo để cứu đói cho dân bản Bến Thân, đồng thời đề nghị UBND huyện cứu trợ khẩn cấp cho 42 hộ dân đang đối mặt với cái đói.


Tại Trường THCS Đồng Sơn, sau khi biết tin các em học sinh đang đói, một doanh nghiệp ở Việt Trì (đề nghị giấu tên) đã tặng 5 tạ gạo.


ĐỖ HỮU LỰC - QUỐC HỘI


nguồn: .: Tuoi Tre Online :.