"Anh ấy chỉ còn một cơ hội viết thư cho Chủ tịch nước xin tha tội chết. Dù anh ấy đã gây ra tội ác tày đình nhưng em vẫn hi vọng có phép màu xảy ra để chúng em có thể được gặp lại nhau”, cô gái trẻ thở dài, chớp nhẹ hàng mi cong vút nhòe nước mắt.



Đây là lần thứ hai người ta gặp Trần Thị Thọ (19 tuổi) tại chốn pháp đình vì liên quan đến một vụ trọng án. Vẫn mái tóc dài thướt tha và khuôn mặt khả ái, vẫn đôi mắt to tròn buồn u uất, nhưng trông cô đã già dặn hơn nhiều so với phiên tòa sơ thẩm vài tháng trước. Lúc đó, Thọ cũng phải đứng trước vành móng để trả giá về hành vi “không tố giác” người tình, bị cáo Hà Công Nam, vì đã phạm tội “giết người” và “cướp tài sản”.




Đôi tình nhân tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh:
Vũ Mai.



Rạng sáng 9/5/2008, người dân tại khu vực đường Nguyễn Văn Luông (quận 6, TP HCM) choàng tỉnh giấc bởi tiếng kêu cứu thất thanh của hai bà lão phát ra từ tiệm Internet Đức Phương. Tại hiện trường, nữ chủ nhân của cửa hàng nằm bất động trong vũng máu lênh láng với hàng chục vết thương trên đầu. Qua truy xét, ngày 15/5/2008, công an đã bắt giữ được cặp đôi Hà Công Nam và Trần Thị Thọ trong ngôi nhà trọ tại quận 8.




Vụ việc được sáng tỏ tại cơ quan điều tra. Thọ đã thật sự suy sụp bởi một tuần qua phải “sống trong sợ hãi” vì tội ác của người tình trong cái đêm khủng khiếp đó. Cô khai nhận, đêm xảy ra án mạng, Nam và Thọ đến tiệm Internet Đức Phương chơi. Trên đường đi, lúc vòng tay ôm người yêu, Thọ phát hiện một vật cứng trong người Nam nên thắc mắc. Tuy nhiên, anh này lại gắt gỏng: “Anh làm gì kệ anh, em đừng hỏi nhiều lời”.




Đến lúc ra về, họ gọi chủ tiệm đến tính tiền. Trong lúc Thọ lấy tiền ra trả thì Nam từ phía sau lao tới dùng búa đập liên tiếp vào đầu nạn nhân. Do quá bất ngờ và hoảng sợ, Thọ chạy ra lấy xe trước. Một lúc sau, Nam tắt điện, khóa trái cửa tiệm và cùng người yêu chạy trốn. Do không chứng kiến tất cả, Thọ không biết Nam đã cướp đi 6 sợi dây chuyền và nhiều tài sản trị giá gần 60 triệu đồng.




Ngày 20/3, vụ án được TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm và Nam phải lãnh án tử hình vì đã liên tiếp phạm hai tội nghiêm trọng. Còn Thọ cũng chịu án 1 năm tù về tội “không tố giác tội phạm”. Ngay sau đó, Nam đã làm đơn kháng cáo kêu oan, còn Thọ trở về trại giam chấp hành nốt những ngày còn lại của mức án.




Gần 4 tháng sau, ngày 1/7, phiên tòa phúc thẩm được mở. Lúc này, Thọ đã mãn hạn tù. Tại tòa, với tư cách là “nhân chứng”, Thọ vẫn giữ nguyên lời khai nhận của mình như trong quá trình điều tra và phiên xử trước. Và đó là bằng chứng quan trọng nhất để TAND Tối cao buộc tội Hà Công Nam, bác kháng cáo, tuyên án tử hình với hung thủ này.




Vị chủ tọa chưa đọc xong bản án, Thọ cuống cuồng rời ghế chạy ra ngoài hành lang nhìn Nam qua ô cửa sổ. Cô bảo, đứng ở đây có thể nhìn người yêu được rõ hơn. Khi chiếc còng số tám khóa chặt tay người tử tù, cũng là lúc cô gái bật khóc nức nở. Khoảnh khắc Nam bị dẫn giải ngang qua, Thọ chỉ kịp thốt lên: “Em thương anh lắm” và đón nhận cái khẽ gật đầu của người tình.




Hôm đó phiên tòa kết thúc rất muộn. Ngoài trời đổ mưa như trút nước. Thọ cố nhoài người từ hành lang tầng hai nhìn theo dáng Nam mờ dần trong màn nước. 'Anh ấy chỉ còn một cơ hội viết thư cho Chủ tịch nước xin tha tội chết. Dù anh ấy đã gây ra tội ác tày đình nhưng em vẫn hi vọng có phép màu xảy ra để chúng em có thể được gặp lại nhau”, cô gái trẻ nghẹn ngào nói.




Sau lưng Thọ, một nhóm người cũng vội vã rời tòa. Vừa nhìn thấy cô, một người đàn bà luống tuổi với vẻ mặt đầy bức xúc phăng phăng bước tới, lớn giọng: 'Chính lời khai của mày đã giết chết nó rồi. Giờ còn buồn đau, thương nhớ gì nữa'. Thọ cúi đầu đầy cam chịu vì đó chính là người thân của Nam.





Thọ tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh:
Vũ Mai.


Đại sảnh của tòa Tối cao chỉ còn lại một bóng áo đỏ nhỏ nhoi. Thọ ngồi thẫn thờ nhìn đám mây vần vũ trên bầu trời, giọng lạc hẳn đi: “Em không còn cách lựa chọn nào khác và Nam cũng hiểu được điều ấy nên không trách cứ gì em. Sau phiên xử lần đầu, biết mình khó thoát tội chết, từ phòng giam của mình, Nam đã hét to vọng đến tận khu vực em bị giam. Anh ấy nói rằng rất thương em và cầu mong em ở lại giữ gìn sức khỏe”.


Kể về ngày tháng ngắn ngủi bên nhau trước đó, ánh mắt của Thọ như sáng hẳn lên. Lúc mới biết Nam, cô là tiếp viên của một quán cà phê. Do có chút ngoại hình, cô được rất nhiều người săn đón. Thế nhưng, ngay từ cái nhìn đầu tiên, cô đã đem lòng say mê chàng trai gốc Hà Thành trầm tính. Đến khi biết được hoàn cảnh của Nam, cô càng yêu thương nhiều hơn.




Bố mẹ Nam chia tay nhau từ ngày cậu còn nhỏ. Theo cha vào Sài Gòn nhưng không được ở với ông, Nam được người bác nhận về nhà nuôi. Chàng trai trẻ sớm hiểu chuyện đời nên sống cô lập với mọi người xung quanh. Chỉ đến khi yêu Thọ, người ta mới thấy được nụ cười hiếm hoi của cậu.




Ít lâu sau, Thọ nghỉ làm tại quán cà phê vì xảy ra cự cãi với ông chủ. Thời gian này, Nam thường xuyên tới nhà rủ người yêu đi chơi cho khuây khỏa. Có lẽ do quá túng quẫn, Nam đã có một sự tính toán điên cuồng mà Thọ hoàn toàn không thể lường trước được.




Lúc phát hiện vật cứng trong người Nam, Thọ cũng không nghĩ ra được điều gì. Chỉ đến khi Nam dùng búa bổ vào đầu bà chủ tiệm Internet, cô gái mới hiểu ra sự việc. Ám ảnh bởi hành động của người tình, Thọ nằm liệt giường mấy hôm, không dám bước ra đường nên cô cũng không biết nạn nhân đã chết thảm.




“Như là định mệnh, đêm đó chúng em đi mua vé tàu nhưng người bán vé bảo sáng mai mới có chuyến. Nam đề nghị quay về nhà ngủ rồi sáng mai đi sớm. Vừa về đến nhà, chúng em bị bắt. Từ đó đến nay, em chỉ được gặp anh ấy trong những lần đối chất tại cơ quan điều tra và tại tòa. Tuy Nam không nói gì nhưng nhìn ánh mắt, em hiểu Nam thương em nhiều lắm”, Thọ lại tiếp tục nghẹn ngào.




Ngoài trời, mưa càng lúc càng nặng hạt nhưng Thọ vẫn từ giã ra về. Cô bảo, cô sẽ tìm đến nhà bác của Nam. Và họ có hắt hủi hay oán hận mình, cô vẫn cầu xin được một lần cùng vào trại giam thăm người yêu. Nhìn dáng cô xiêu vẹo bước đi trong mưa, không ai nỡ nói ra sự thật, điều đó là không thể.




Vũ Mai